Hình ảnh đầu tiên về Omoda C5 facelift đã được Omoda Nga chia sẻ. Điểm nhấn đáng chú ý nhất chính là phần đầu xe được thiết kế lại, mang đến sự tương đồng với "người anh em" chạy điện E5.
Hình ảnh Omoda C5 mới ở thị trường Nga (trái) có chút khác biệt so với bản đã xuất hiện ở Việt Nam (phải).
Cụ thể, dải đèn LED ban ngày hình mũi tên mảnh hơn, ở giữa là logo Omoda. Cản trước được tinh chỉnh tạo hình chữ X độc đáo giống ngôn ngữ thiết kế của E5 khi kết hợp cùng lưới tản nhiệt mới. Lưới tản nhiệt mới này cũng loại bỏ thiết kế mạ chrome trước đó. Thiết kế lưới tản nhiệt nay hòa vào thân xe đi cùng họa tiết hình thoi nhỏ. Trong khi đó, những chiếc Omoda C5 đã xuất hiện trong một số sự kiện ở Việt Nam sử dụng lưới tản nhiệt họa tiết hình bình hành. Thiết kế đèn pha hai bên trông có phần sắc sảo hơn bản ở Việt Nam.
Ngoại trừ phần đầu xe, thiết kế tổng thể của Omoda C5 facelift không có nhiều khác biệt so với phiên bản tiền nhiệm. Vẫn là những đường hông dập nổi mạnh mẽ, đường mái vuốt về sau và cụm đèn hậu LED hình chữ C ôm trọn lấy đuôi xe.
Tuy nhiên, một số chi tiết màu sắc và trang trí được thay đổi. Nổi bật nhất là phần viền cột D được sơn cùng màu thân xe khá lạ lẫm. Bên cạnh đó, Omoda C5 facelift cũng được trang bị bộ mâm xe đen tuyền thiết kế mới thể thao hơn, thay vì có điểm nhấn màu đỏ như bản ở Việt Nam.
Thông tin về động cơ và thông số kỹ thuật của xe vẫn chưa được tiết lộ. Điều này cho thấy Omoda C5 facelift nhiều khả năng giữ nguyên khối động cơ xăng tăng áp 1.5L 4 xy-lanh sản sinh công suất 150 mã lực và mô-men xoắn 230 Nm, kết hợp với hộp số CVT.
Tại một số thị trường, xe còn có thêm phiên bản GT sử dụng động cơ 1.6L mạnh mẽ hơn, cho công suất 197 mã lực và mô-men xoắn 290 Nm, đi kèm hộp số ly hợp kép 7 cấp. Chưa rõ bản này có được mang về Việt Nam hay không.
Về cơ bản, nội thất không có sự thay đổi quá nhiều sau khi nâng cấp. Trong ảnh là nội thất của bản quốc tế tiền facelift (trái) và bản ở Việt Nam (phải).
Việc Omoda C5 thay đổi thiết kế không gây ngạc nhiên. Trước đó, ở thị trường này, cái tên Omoda vẫn đính kèm "Chery". Theo chiến lược hướng ra toàn cầu của nhà sản xuất Trung Quốc, Omoda được định vị cao hơn Chery, do đó nhà sản xuất muốn đưa Omoda, cùng Jaecoo, trở thành một nhãn hiệu con riêng biệt.
Với thị trường Việt Nam, Omoda & Jaecoo lựa chọn chiến lược "chậm nhưng chắc" khi đánh tiếng đã lâu nhưng sản phẩm vẫn chưa chính thức ra mắt. Song hồi tháng 4, Omoda & Jaecoo đã thành lập liên doanh với Geleximco tại Việt Nam để xây nhà máy mới. Mục tiêu của họ là sản xuất khoảng 200.000 xe mỗi năm và có mặt trong top 5 thương hiệu ô tô tại Việt Nam từ 2024 - 2028. Omoda & Jaecoo cũng vạch ra chiến lược khai trương 20 đại lý 3S theo tiêu chuẩn quốc tế ngay trong năm 2024.