Theo đó, Chery sẽ cung cấp cho JLR các nền tảng khung gầm là M3X và E0X. Theo thỏa thuận, JLR có thể sử dụng thoải mái các nền tảng này cho các thế hệ Range Rover, Discovery và Defender tiếp theo.
Được biết, M3X đã được Chery sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc cho các mẫu như Exeed RX PHEV, Chery Fulwin T9... hỗ trợ cả kết cấu động cơ đốt trong truyền thông, hybrid, hybrid sạc ngoài (PHEV).
Nền tảng khung gầm M3X có thể kết hợp với hệ thống hybrid DHT của Chery, gồm một động cơ xăng kết hợp với hai mô-tơ điện thông qua hộp số 3DHT165. Vài năm trước, đây là hộp số đầu tiên trên thế giới sử dụng cùng lúc hai mô-tơ điện.
Trong khi đó, nền tảng E0X cũng được sử dụng trên nhiều mẫu xe thuộc Chery như: Exlantix ES, Exlantix ET, Luxeed S7 và Luxeed R7.
Nền tảng E0X sử dụng công nghệ sạc điện áp cao 800V, với mức tiêu thụ năng lượng là 12kWh/100km, và ứng dụng công nghệ hỗ trợ lái hiện đại. E0X cũng có thể được trang bị hệ thống treo khí nén. Đây được coi là nền tảng khung gầm cao cấp phù hợp với các xe thuần điện và EREV.
Trên thực tế, Chery và Jaguar Land Rover đã có 12 năm hợp tác ở Trung Quốc. Hai nhà sản xuất này còn từng chia sẻ một cơ sở sản xuất ô tô ở Trung Quốc, vốn xuất xưởng các mẫu xe từ năm 2014 tới nay.
Việc JLR trưng dụng hai nền tảng của Chery sẽ giúp JLR giảm bớt gánh nặng và tập trung phát triển nên nhiều phương tiện năng lượng mới.
Không chỉ JRL, mà trào lưu “mượn” nền tảng khung gầm của đối tác đã có từ lâu và được nhiều hãng xe áp dụng.
Chẳng hạn như Volkswagen từng thông báo sẽ sử dụng nền tảng của Xpeng phát triển. Với nền tảng khung gầm đó, hãng dự kiến sẽ ra mắt hai mẫu xe điện cỡ trung trong năm 2026. Đây sẽ là các mẫu xe dùng chung nền tảng Edward mà Xpeng từng dùng cho chiếc G9 của hãng.
Hay như Audi cũng từng mong muốn sử dụng nền tảng iO Origin của IM Motors - công ty với sự hậu thuẫn của Alibaba và SAIC.
TH (Tuoitrethudo)