Những tính năng hỗ trợ lái xe an toàn trong thời tiết mưa bão

Lái xe dưới thời tiết mưa bão thường tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm do tầm nhìn bị hạn chế, cộng với đường xá trơn trượt, phức tạp.

Chính vì thế, các nhà sản xuất ô tô đã trang bị rất nhiều tính năng, công nghệ tiên tiến như cảnh báo phương tiện phía sau, gương tự sấy khô... giúp đảm bảo an toàn tối đa cho tài xế và hành khách.

Sấy gương chiếu hậu và kính sau tự động

Khi di chuyển dưới trời mưa, nước sẽ dễ dàng bị đọng lại trên gương chiếu hậu và kính sau làm hạn chế tầm nhìn của lái xe. Chính vì thế, tính năng sấy gương chiếu hậu và kính sau tự động được coi là “cứu cánh” cho các tài xế, giúp loại bỏ nước đọng, đảm bảo tầm nhìn tốt hơn khi lái xe. 

Hỗ trợ khởi hành ngang dốc và hỗ trợ đổ đèo

Khi di chuyển ở những khu vực đồi núi, địa hình cao trong điều kiện thời tiết mưa bão, xe có thể bị trôi, trượt bánh. Lúc này, tính năng hỗ trợ khởi hành ngang dốc (HSA) sẽ phát huy tác dụng, giúp lái xe kiểm soát tay lái tốt hơn. Khi tài xế di chuyển từ chân phanh sang chân ga, hệ thống sẽ giúp ổn định xe bằng cách giữ yên vị trí trong tối đa 3 giây.

Ngược lại, khi xuống dốc, hệ thống hỗ trợ đổ đèo có thể giúp kiểm soát tốc độ xe khi chạy xuống đèo dốc, hạn chế tính trạng người lái rà phanh liên tục gây nóng má phanh, sôi dầu phanh khiến xe bị bó cứng phanh, thậm chí mất phanh. 

Khi sử dụng hai tính năng trên, lái xe có thể tự tin cho xe lên dốc, xuống dốc cao mà không phải lo lắng gì.

Cảnh báo điểm mù

Mưa to, gió lớn thường cản trở tầm nhìn của tài xế, khó có thể quan sát những sự vật hay phương tiện đang đến gần. Tính năng cảnh báo điểm mù sẽ sử dụng camera, radar hoặc công nghệ cảm biến siêu âm nhằm mục đích phát hiện các phương tiện mà người lái không thể nhìn thấy bên cạnh hoặc phía sau xe. Một số hệ thống còn cung cấp âm thanh cảnh báo giúp tài xế hạn chế được va chạm xảy ra trong khu vực điểm mù, nhất là khi xe đang vượt, bị vượt hoặc chuẩn bị chuyển làn.

Cảnh báo phương tiện cắt ngang phía sau

Khi mưa bão, tầm nhìn bị hạn chế, khó có thể lùi xe thì tính năng cảnh báo phương tiện cắt ngang phía sau là vô cùng cần thiết.

Hệ thống cảnh báo phương tiện cắt ngang khi lùi hoạt động dựa trên các cảm biến góc, được lắp đặt ở bên trái và bên phải cản sau của xe có chức năng phát ra sóng radar.

Khi xe đang ở số lùi, tính năng sẽ tự động được kích hoạt. Các cảm biến bắt đầu phát sóng radar quét cả khu vực trái và phải ở đuôi xe nhằm phát hiện các phương tiện đang đến gần. Tùy thiết kế của nhà sản xuất mà phạm vi hoạt động của hệ thống RCTA có thể khác nhau. Tuy nhiên, các cảm biến thường có thể quét trong phạm vi khoảng cách từ 20 mét đến 30 mét.

Nếu xác định vật cản trong phạm vi là mối đe dọa đối với sự an toàn của ô tô, hệ thống sẽ cảnh báo cho người lái thông qua hiển thị trên đồng hồ lái, chớp các đèn hệ thống cảnh báo điểm mù và phát ra âm thanh báo hiệu để người lái biết và xử lý kịp thời.

Hệ thống hỗ trợ giữ làn đường

Khi di chuyển trên cao tốc trong điều kiện trời mưa bão, việc giữ đúng làn đường thường khá khó khăn.

Lúc này, hệ thống hỗ trợ giữ làn đường sẽ hoạt động, nếu phát hiện xe sắp đi chệch làn đường, hệ thống sẽ phát cảnh báo bằng hình ảnh hoặc âm thanh nhằm hỗ trợ tài xế đánh lái để đưa xe về đúng làn đường.

Bên cạnh đó, một số xe còn được trang bị các tính năng cũng hỗ trợ tối đa cho tài xế khi lái xe trong điều kiện thời tiết mưa bão như: Kiểm soát độ bám đường, Kiểm soát thăng bằng điện tử và Phân phối lực phanh điện tử…

Bên cạnh các tính năng được trang bị sẵn trên ô tô thì người dùng cũng cần trang bị các kỹ năng để ứng phó trong những tình huống khẩn cấp khi phải lái xe dưới thời tiết mưa bão.

Bật đèn cos thay vì đèn pha

Đèn pha có cường độ ánh sáng tốt hơn đèn cos vì thế người lái xe luôn chọn sử dụng đèn pha nếu được phép. Tuy nhiên, trong điều kiện trời mưa, ánh sáng đèn pha sẽ dễ bị phản xạ lại. Vì vậy, tài xế nên ưu tiên sử dụng đèn cos hoặc đèn auto cùng với đèn sương mù để vừa đame bảo cho việc quan sát khi lái xe lại có thể giúp các xe khác có thể nhận diện và tránh kịp thời.

Ngoài ra,  tài xế cũng nên dùng đèn hazard (đèn báo khẩn cấp) để đưa ra cảnh báo nguy hiểm cho những phương tiện đi ngược chiều và xe phía sau để tránh các va chạm không đáng có khi di chuyển dưới trời mưa bão.

Không ga đột ngột, phanh đột ngột và đánh lái đột ngột

Khi lái xe vào trời mưa, tài xế cần hạn chế các tình huống ga đột ngột, phanh gấp, các trường hợp cần đạp phanh bạn nên chủ động giảm tốc độ, đạp phanh từ sớm. Trời mưa làm đường trơn nên quãng đường phanh thường dài hơn. Đạp phanh sớm sẽ tránh và giảm được nguy hiểm khi phanh gấp, phanh đột ngột. Phanh gấp khi lái xe trời mưa dễ khiến lốp xe bị trượt dẫn đến xe bị mất lái, gây ảnh hưởng và làm người chạy sau không xử lý kịp.

Ngoài ra, khi lái xe trời mưa cần chạy xe ở số thấp. Khi chạy xe số thấp, lực kéo sẽ ở mức cao. Điều này giúp xe dễ dàng vượt qua các chướng ngại vật trên đường hoặc có thể dễ dàng tăng tốc khi cần thiết. 

Dừng di chuyển, tìm nơi trú ẩn nếu thời tiết mưa to, gió lớn

Trên thực tế, lái xe hay di chuyển trong điều kiện mưa bão rất nguy hiểm. Nếu như không thật sự cần thiết, mọi người nên tránh lái xe, ưu tiên dừng và đỗ xe ở một vị trí an toàn đợi điều kiện thời tiết tốt hơn hãy di chuyển. Đặc biệt, nếu mưa gió quá lớn, tầm nhìn bị hạn chế thì nên chọn một vị trí thích hợp để dừng xe nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân và người khác khi tham gia giao thông.

TH (Tuoitrethudo)

Ảnh minh họa: Internet