Theo Bộ Công thương, một trong những yếu tố ảnh hưởng đến việc phát triển ngành công nghiệp xe điện tại Việt Nam chính là mức thu nhập trung bình thấp. Bởi "GDP bình quân đầu người ở Việt Nam năm 2020 ước khoảng 2.750 USD, vẫn quá thấp để người tiêu dùng có thể sở hữu phương tiện cá nhân bốn bánh thông thường, chứ chưa nói đến việc sở hữu xe điện do giá bán của xe điện cao hơn so với xe tương tự sử dụng động cơ đốt trong".
Vậy mối quan hệ giữa GDP bình quân đầu người và tiêu thụ ô tô ở Việt Nam ra sao thời gian qua?
Tỷ lệ sở hữu xe hơi ngược với thu nhập bình quân?
Ngay trước giai đoạn đại dịch, năm 2019, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt mức khoảng 2.715 USD. Theo kết quả Tổng điều tra dân số nhà ở 2019 của Tổng cục Thống kê, tính trung bình cả nước có 5,7% tổng số hộ gia đình có xe ô tô. Trong đó, vùng thành thị có tỷ lệ 9,5% hộ có ô tô trong khi con số này ở vùng nông thôn chỉ là 3,6%.
Nếu chia theo vùng kinh tế xã hội thì khu vực Đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ hộ gia đình sở hữu xe hơi lên cao nhất là 7,9% và thấp nhất là Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 2,5%. Tương ứng với tỷ lệ đó thì số hộ gia đình có ô tô cao nhất cả nước là Hà Nội với 12%.
Kế tiếp là Đà Nẵng, Thái Nguyên, Quảng Ninh và Vĩnh Phúc... Đặc biệt, nếu chỉ tính riêng vùng thành thị ở các tỉnh, thành phố thì dẫn đầu tỷ lệ sở hữu xe hơi của các hộ gia đình lại là Lào Cai với tỷ lệ 19,3%. Sau đó là thành thị ở Bắc Giang, Thái Nguyên và Lạng Sơn.
Trong đó, Bình Dương là địa phương dẫn đầu cả nước về thu nhập đầu người với 7,019 triệu đồng/người/tháng. Đứng thứ hai là TP.HCM có thu nhập bình quân đầu người là 6,537 triệu đồng/người/tháng và thứ ba là Hà Nội đạt 5,981 triệu đồng/người/tháng...Riêng tỷ lệ sở hữu ô tô của các hộ gia đình trên cả nước năm 2020 chỉ còn 4,8%. Trong đó, khu vực Đồng bằng sông Hồng vẫn dẫn đầu với tỷ lệ 7% và thấp nhất là Đồng bằng sông Cửu Long đạt 2%.
Bao giờ thì mỗi gia đình Việt Nam có một chiếc ô tô?
Trước đó, Bộ Công thương dự báo, thị trường ô tô tại Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ bùng nổ vào năm 2025 khi mức thu nhập bình quân đầu người vượt qua ngưỡng 3.000 USD. Khi đó, thị trường ô tô trong nước có thể lên tới 600 nghìn xe/năm.
Song, báo cáo về ngành ô tô Việt Nam năm 2020 của Công ty Cổ phần Chứng khoán Asean (Asean Securities) cho hay, ô tô tại Việt Nam là mặt hàng luôn bị đánh thuế cao, đồng thời xếp vào loại hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt khiến giá bán xe đến tay người tiêu dùng cao hàng đầu thế giới.
Cùng với đó, tỷ lệ nội địa hóa ô tô tại Việt Nam còn thấp cũng là lý do khiến giá thành sản xuất ô tô tại Việt Nam cao. Đây chính là lý do khiến tỷ lệ sở hữu ô tô tại Việt Nam còn thấp.
Thực chất, nếu so cùng thời điểm các nước có thu nhập như Việt Nam hiện tại thì thị trường trong nước vẫn tiêu thụ ô tô ít hơn vì giá thành xe cao hơn khoảng 20% so với các nước, cộng thêm một số loại thuế, phí cao dẫn tới giá bán xe cũng cao hơn.
Để tối thiểu mỗi gia đình Việt Nam sở hữu được một chiếc xe ô tô, theo dân số Việt Nam năm 2020 thì ít nhất sẽ phải có khoảng từ 20 - 25 triệu ô tô lưu hành trên đường. Tuy nhiên, với những số liệu về ô tô đang lưu hành hiện nay, thì còn rất xa mới đạt được con số kể trên.
Trước đó theo VAMA tính toán, đến năm 2030, mỗi năm sẽ bán được tầm 1 triệu xe con mới tại Việt Nam. Từ năm 2030 trở đi, 10 năm sau đó (tức đến năm 2040) sẽ có thêm khoảng 10 triệu xe mới bán ra. Còn từ bây giờ đến năm 2030 sẽ bán được thêm khoảng 5 triệu xe nữa. Như vậy, có thể dự báo từ năm 2040 trở đi, có thể sẽ đạt được mục tiêu mỗi gia đình sẽ sở hữu ít nhất một xe ô tô, nếu tính toán theo sức mua và điều kiện như hiện nay.
Hiện nay tại Thái Lan, trung bình 1.000 người sở hữu khoảng 300 xe, trung bình mỗi hộ cũng sở hữu ít nhất 1 xe. Trong ngành vẫn hay nói Việt Nam đi sau Thái Lan khoảng 20 năm về ngành ô tô.
Ở mức GDP nào thì các quốc gia sẽ đạt mức mỗi gia đình 1 chiếc ô tô?
Theo Ths. Đinh Tuấn Minh, thành viên Hội đồng sáng lập Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR), ở các quốc gia trong khu vực như: Thái Lan, Indonesia, Malaysia khi có mức GDP bằng Việt Nam hiện tại (GDP năm 2019 của Việt Nam là 2.786 USD/ người), họ đã đạt được mỗi gia đình có một chiếc ô tô, chứ không cần chờ đến khi phát triển với mức GDP cao như hiện nay.
Lý giải về điều này, ông Minh khẳng định, nguyên nhân là các loại thuế dành cho ô tô tại Việt Nam quá cao khiến giá ô tô đắt gấp 2, 3 lần các quốc gia khác. Bởi vậy, chỉ khi giá ô tô từ 5.000 USD/chiếc, thì mỗi gia đình Việt Nam đều có thể sở hữu một chiếc ô tô, kể cả trong điều kiện hiện nay. Còn nếu không, phải đến khi GDP bình quân đầu người đạt được 5.000 USD thì mới có thể đạt được điều này. Và khi đó ước chừng phải mất từ 10 - 15 năm nữa.