Trong thông báo mới nhất, VinFast cho biết sẽ cùng Gotion High-Tech phát triển pin LFP, đồng thời nghiên cứu xây dựng Nhà máy Giga sản xuất ngay tại Việt Nam nhằm thiết lập một hệ sinh thái năng lượng sạch, góp phần nội địa hóa nguồn cung.
VinFast không phải công ty duy nhất quay trở lại với pin LFP. Hồi tháng 7, CEO Tesla Elon Musk cho biết pin của công ty sẽ nhiều sắt hơn (pin LFP) thay vì NMC và NCA. Đầu năm nay, Giám đốc điều hành Ford Jim Farley cho biết công ty sẽ sử dụng pin LFP trong một số xe thương mại. Trong khi đó, Giám đốc điều hành của Volkswagen, Herbert Diess, đã thông báo rằng LFP sẽ được sử dụng trong một số EV của VW.
Vậy pin LFP là gì?
Pin Lithium-ion đang được sử dụng phổ biến phân thành hai loại chính: pin (nhiều) niken là NMC (Niken Mangan Coban)/NCA (Niken Coban Nhôm) và pin Lithium Sắt Phosphate (LFP).
Hiện tại, hầu hết các nhà sản xuất ô tô điện đang sử dụng pin NMC/NCA. Ngoài Trung Quốc, chỉ có Chevrolet Spark là sử dụng pin LFP. Với mật độ năng lượng cao, người ta từng dự báo NMC và NCA sẽ "đè bẹp" pin LFP, đặc biệt là trên EV. Nhưng có thể thấy, LFP đang quay trở lại.
Vì sao các hãng ô tô lại trở nên ‘mặn mà’ với LFP?
Pin LFP hấp dẫn vì nhiều lý do khác nhau.
Thứ nhất, chúng không phụ thuộc vào các nguyên liệu thô cực kỳ khan hiếm, "có nguồn cung hạn hẹp hay phải khai thác trong điều kiện chưa đảm bảo về an toàn lao động, gây tác động môi trường", dễ biến động về giá như coban, niken, man-gan.
Thứ hai, chúng có nhiều ưu điểm như an toàn, ổn định, tuổi thọ cao, khả năng bảo trì thấp và khả năng chịu điện áp cao.
Thứ ba, mặc dù mật độ năng lượng không bằng NMC và NCA, nhưng pin LFP lại rẻ hơn nhiều. Ở Trung Quốc, pin LFP có giá dưới 100 USD/kWh, thấp hơn NMC và NCA 10-20%.
Xe điện chủ yếu sử dụng pin lithium-ion loại NMC/NCA nhờ mật độ năng lượng dày đặc. Nhưng điều quyết định xe điện phát triển được đến đâu nằm ở giá cả. Người tiêu dùng sẽ thích thú một chiếc xe có phạm vi hoạt động thấp hơn một chút nhưng có giá rẻ hơn nhiều hơn là một chiếc xe đi xa mà lại đắt đỏ.
Trong một chiếc xe điện thì giá thành của pin chiếm tỷ trọng khá lớn trong giá bán cuối cùng đến người tiêu dùng (30%). Đặc biệt, với xe phổ thông, giá bán gần như là yếu tố quyết định sự thành công.
Do đó, việc các hãng xe như VinFast, Ford, VW, thậm chí cả Tesla, lựa chọn pin LFP trong thời điểm này không quá ngạc nhiên. Nhìn vào top 10 xe bán chạy nhất thị trường Việt Nam, có thể thấy phần lớn là những chiếc xe vài trăm triệu đồng, chiếc xe đầu bảng VinFast Fadil bản cao cấp nhất giá không quá 500 triệu.
"Khi pin có thể khiến giá thành chênh vài nghìn đô thì sẽ càng làm nên chuyện. Nhiều người tiêu dùng sẽ hài lòng với một chiếc xe có phạm vi hoạt động 320-400km giá rẻ hơn cả nghìn đô la so với một chiếc xe điện có phạm vi hoạt động 480-560km", một chuyên gia trong ngành nhận định.
Từ Ford tới Tesla, các ông lớn đang tìm cách đầu tư vào pin LFP có giá rẻ hơn nhiều so với pin NMC/NCA thông thường. VinFast chọn LFP vào lúc này là hoàn toàn đúng đắn.
Dẫu vậy, điều này không có nghĩa là các hãng sẽ chỉ nhắm đến làm xe điện giá rẻ. Tương tự xe xăng dầu, hẳn sẽ có hai nhánh rõ rệt: Pin làm từ sắt sẽ được sử dụng chủ yếu cho các loại xe phổ thông và rẻ hơn, trong khi pin làm từ niken sẽ được sử dụng cho các xe hiệu suất và cao cấp hơn.
VinFast cũng cho thấy điều tương tự. Năm ngoái, họ đã ký với ProLogium để sản xuất pin thể rắn - một trong những dòng pin tiên tiến nhất hiện nay. Điều đó có nghĩa là, VinFast sẽ có cả ô tô điện bình dân và cao cấp. Đó có thể là con đường mà VF e35, VF e36 và các sản phẩm tương lai của VinFast sẽ đi.