Hôm nay, các trang tin nổi lên câu chuyện về chiếc Tesla ‘hóa thuyền’, lội vô tư trong dòng nước ngập trong trận lũ nghìn năm có một ở Trịnh Châu, Hà Nam, Trung Quốc. Thú vị là trong khi những chiếc xe sử dụng động cơ đốt trong truyền thống ‘ngất như ngả rạ’ thì chiếc Tesla ‘băng băng’ vượt qua dù dòng nước có vẻ như đã cao ngập bánh xe.
Video đã khiến nhiều người trầm trồ trước khả năng của chiếc xe điện Tesla. Chính điều này cũng đã giải đáp câu hỏi rằng liệu xe điện có an toàn trong điều kiện mưa lớn hoặc đường ngập không.
Màn trình diễn ngâm mình trong nước của VinFast Klara. Ảnh: NLD
Tuy nhiên, việc chiếc xe Tesla có thể lội nước như vậy thật ra không phải là điều quá to tát, nên dường như những tiếng trầm trồ dành cho Tesla có vẻ quá ồn ào. Thực tế, ngay cả những chiếc xe máy điện, chẳng hạn xe máy điện VinFast Klara hoặc các "thế hệ sau" của nó, cũng làm được "ngon lành".
Cụ thể, ngay từ lúc VinFast cho ra mắt mẫu xe máy điện đầu tiên của mình – VinFast Klara, chiếc xe đã có màn trình diễn ngâm mình trong nước, sau đó vận hành một cách bình thường.
Lý do là vì xét về đặc tính kỹ thuật, những chiếc xe điện, không riêng gì Klara hay Tesla, bền bỉ hơn xe sử dụng động cơ đốt trong truyền thống khi nói đến kháng nước.
Thứ nhất là bởi động cơ điện không cần khí để đốt nên hoàn toàn độc lập với môi trường bên ngoài, thứ hai là chính vì động cơ điện dễ bị hỏng khi dính nước nên thường sẽ phải tuân theo một tiêu chuẩn an toàn nhất định. Với sản phẩm của các hãng xe lớn, uy tín thì điều này có lẽ là hiển nhiên.
Sau cơn bão Harvey ở Texas, Mỹ năm 2017, chiếc Tesla Model S ngâm trong nước suốt 10 ngày nhưng vẫn có thể khởi động bình thường. Ảnh: Teslarati
Để biết một sản phẩm (kể cả các thiết bị điện tử như điện thoại) có khả năng chịu nước đến đâu, Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (International Electrotechnical Commission – IEC) đã thành lập hệ thống xếp loại.
Đó là những con số IP57, IP67 mà ta đã nghe tới. Trong con số này, IP là viết tắt của Ingress Protection (tạm dịch: Chống xâm nhập), con số đầu tiên chỉ khả năng kháng bụi, con số thứ hai chỉ khả năng kháng chất lỏng. Cụ thể bảng xếp loại như sau:
Theo công bố của VinFast, chiếc xe máy điện VinFast Klara có khả năng kháng nước đạt tiêu chuẩn IP67, tức là có thể kháng bụi hoàn toàn và kháng nước ở độ sâu từ 15cm đến 100cm trong tối đa 30 phút.
Với Tesla thì thông tin này không được công bố. Elon Musk từ khoảng năm 2016 cũng đã nhắc tới vấn đề kháng nước của những chiếc Tesla. Theo đó, ông cho rằng chiếc Tesla Model S của mình có thể trở thành ‘thuyền’ trong một thời gian ngắn.
Tất nhiên là ông hay Tesla không khuyến khích khách hàng thử điều này.
Quay trở lại với chiếc Tesla và VinFast Klara, để khối động cơ điện có thể kháng nước, nhà sản xuất có nhiều cách. Tuy nhiên, dựa trên việc khối động cơ có nhiều thành phần, linh kiện lắp ráp với nhau và tạo ra các khoảng hở, sẽ có hai cách phổ biến và hiệu quả nhất thường được áp dụng
Cách thứ nhất: Bít chặt toàn bộ kẽ hở
Khối động cơ trên chiếc Tesla Model S. Ảnh: Global Motors
Nếu chính các kẽ hở khiến nước có thể xâm nhập, thì giờ ta tìm cách bít lại. Phương thức có thể là sử dụng keo dán, gioăng cao su để tạo môi trường không xâm nhập, an toàn cho các thành phần bên trong hoạt động.
Điểm mạnh của phương thức này là gọn, không làm gia tăng diện tích hay khối lượng. Nhưng nhược điểm là chính những chất liệu sử dụng để chống nước: keo có thể bung khi gặp điều kiện bất lợi, cao su có thể bị lão hóa theo thời gian.
Cách thứ hai: Thiết kế một lớp ‘áo’ chuyên dụng
Thử nghiệm kháng nước của động cơ điện với lớp vỏ chuyên dụng. Ảnh cắt từ video của MENZEL
Thay vì tìm cách lấp mọi khoảng hở thì nhà sản xuất có thể thiết kế một lớp vỏ bao bên ngoài và đặt động cơ vào bên trong. Rõ ràng, so với việc phải bịt vô vàn kẽ hở thì việc chỉ bịt vài kẽ hở sẽ dễ hơn nhiều.
Tuy nhiên, lớp vỏ này chính là điểm yếu lớn nhất bởi nó làm gia tăng diện tích sử dụng và khối lượng của động cơ, đôi khi cũng khiến việc tản nhiệt cho động cơ khó hơn. Chưa kể, giá thành cho giải pháp này cao hơn rất nhiều.