Đối với dòng sedan hạng B tại Việt Nam nói riêng và toàn phân khúc ô tô phổ thông nói chung, những mẫu xe ra mắt sau ngày càng có sự chuyển dịch sang sử dụng động cơ nhỏ. Toyota Vios và Honda City là bộ đôi sedan hạng B có mặt khá sớm trên thị trường, được trang bị động cơ dung tích 1,5 lít. Sau đó, Hyundai Accent, Kia Soluto và Suzuki Ciaz đều dùng động cơ 1,4 lít. Mitsubishi Attrage chỉ được trang bị động cơ 1,2 lít. Cuối cùng, mới đây nhất, Nissan Almera sử dụng động cơ tăng áp dung tích xy-lanh chỉ vỏn vẹn 1 lít.
Trước đây, Attrage có động cơ dung tích nhỏ nhất phân khúc. Động cơ này cho công suất 77 mã lực và mô-men xoắn 100 Nm. Con số này rất khiêm tốn khi so với 106 mã lực và 119 mã lực trên động cơ 1,5 lít của Vios và City. Mặc dù vậy, sau trải nghiệm thực tế thì Attrage nhận được nhiều đánh giá là không hề yếu. Thậm chí, đã có nhiều người mua Attrage để kinh doanh dịch vụ chở khách bởi mẫu xe này rộng rãi, tiết kiệm và vận hành ổn.
Mitsubishi Attrage từng là xe có dung tích động cơ nhỏ nhất phân khúc.
Sau Attrage thì mẫu xe mới ra mắt gần đây là Almera cũng dùng động cơ nhỏ, dung tích chỉ 1 lít. Điểm khác biệt là có tăng áp (turbo). Nếu chỉ nhìn về thông số công suất, nhiều người sẽ đánh giá động cơ Almera có phần yếu thế hơn so với hai đối thủ đồng hương Vios và City (99 mã lực so với 106 mã lực và 119 mã lực). Đó là chi tiết đang tạo ra nhiều tranh luận trái chiều từ người tiêu dùng.
Nissan Almera có động cơ dung tích nhỏ hơn nhưng có turbo.
Tuy nhiên, có hai điểm mà không ít người bỏ quên khi xét về sức mạnh động cơ, đó là mô-men xoắn và vòng tua máy để đạt được công suất và mô-men xoắn cực đại. Theo thông số kỹ thuật, mô-men xoắn từ động cơ 1 lít tăng áp của Almera là 152 Nm với bản số tự động và 160 Nm với bản số sàn, đạt được từ vòng tua 2.400-4.000 vòng/phút. Trong khi đó, Vios có mô-men xoắn lớn nhất là 140 Nm tại 4.200 vòng/phút và City có mô-men xoắn 145 Nm tại 4.300 vòng/phút. Công suất cực đại của Almera đến từ vòng tua 5.000 vòng/phút, còn của Vios đạt được ở vòng tua 6.000 vòng/phút và của City ở 6.600 vòng/phút.
Nhìn vào các thông số trên, có thể thấy hai điều, là động cơ Almera đạt công suất và mô-men xoắn cực đại ở vòng tua thấp hơn, và mô-men xoắn cực đại lớn hơn loại trên Vios và City.
Nhiều người thường lầm tưởng công suất quyết định sức mạnh của chiếc xe nhưng không phải. Mô-men xoắn mới là yếu tố cho thấy sức mạnh. Xe có mô-men xoắn càng lớn thì sức kéo càng tốt, khả năng bứt tốc tốt hơn. Trong khi đó, công suất ảnh hưởng tới tốc độ nhanh hay chậm của chiếc xe. Mô-men xoắn lớn đến từ vòng tua thấp về lý thuyết cho thấy Almera có sức kéo hay khả năng tăng tốc ban đầu tốt hơn so với Vios và City.
Bài thử cho thấy Nissan Almera tăng tốc tốt hơn Honda City
Bên cạnh đó, theo khẳng định từ nhà sản xuất, Nissan Almera còn được trang bị công nghệ tráng gương buồng đốt - công nghệ được áp dụng trên siêu xe thể thao GT-R - được cho là có thể giúp giảm mài mòn, tăng khả năng truyền nhiệt của động cơ giúp hiệu suất động cơ tốt hơn. Công nghệ điều khiển điện tử Turbo Boost giúp loại bỏ hiện tượng trễ ga hay thấy ở các dòng xe dùng động cơ tăng áp. Thân động cơ được làm bằng hợp kim nhôm, giảm khối lượng của xe, thêm phần cải thiện độ tiết kiệm nhiên liệu. Cụ thể, Almera có khối lượng từ 1.054 kg với bản số sàn, nhẹ hơn hẳn so với các đối thủ. Khối lượng Vios từ 1.075 kg. City nặng nhất với khối lượng không tải từ 1.117 kg. Thông số tiêu hao nhiên liệu của Almera được công bố từ 4,2 lít/100km khi đi đường ngoài đô thị.
Động cơ trọng lượng nhẹ cũng là điểm mạnh giúp Almera có khả năng tăng tốc tốt.
Như vậy, có thể thấy xe sử dụng động cơ nhỏ chưa chắc đã yếu hơn xe dùng động cơ lớn. Với công nghệ turbo, những động cơ "chấm" nhỏ có mô-men xoắn cao hơn, đạt được từ vòng tua thấp hơn, trong khi không tiêu thụ nhiều nhiên liệu. Đây là những yếu tố phù hợp với dòng xe nhỏ đi phố như sedan hạng B: sức kéo khoẻ, có chút phấn khích khi cầm lái và tiết kiệm nhiên liệu.
Almera mới là mẫu xe đầu tiên trong phân khúc sedan hạng B dùng động cơ turbo dung tích nhỏ. Ở các phân khúc khác như sedan hạng C, hạng D hay cao hơn là các xe sang hạng E, hạng F, động cơ turbo đang chiếm số đông. Nhiều mẫu xe mới ra mắt gần đây bắt đầu chuyển từ máy hút khí tự nhiên dung tích lớn sang máy turbo dung tích nhỏ.