Thổ Nhĩ Kỳ áp thuế 40% đối với ô tô từ Trung Quốc

Từ 7/7, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tăng thuế đối với tất cả các xe được nhập khẩu từ Trung Quốc lên 40%, nhằm hạn chế nhập khẩu và thu hẹp thâm hụt tài khoản vãng lai
Thổ Nhĩ Kỳ áp thuế 40% đối với ô tô từ Trung Quốc

Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ thông báo nước này sẽ áp dụng mức thuế suất bổ sung 40% đối với ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc để ngăn chặn thâm hụt tài khoản vãng lai cũng như bảo vệ các nhà sản xuất trong nước, theo Reuters.

Theo một sắc lệnh tổng thống được công bố trong Công báo Chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ, mức thuế mới sẽ ở mức ít nhất là 7.000 USD (tương đương 178 triệu đồng) cho mỗi chiếc xe và sẽ có hiệu lực từ ngày 7 tháng 7 năm 2024.

"Một mức thuế bổ sung sẽ được áp dụng đối với việc nhập khẩu các loại xe hành khách thông thường và xe hybrid từ Trung Quốc để tăng cường bảo vệ thị phần sản xuất ô tô nội địa đang suy giảm," Bộ Thương mại tuyên bố.

Ngoài ra, Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ cũng giải thích mức thuế bổ sung sẽ giúp chính phủ đạt mục tiêu giảm thâm hụt tài khoản vãng lai cũng như khuyến khích đầu tư và sản xuất trong nước.

Sắc lệnh quy định rằng nếu mức thuế 40% tính từ giá của một chiếc xe nhập khẩu ít hơn con số 7.000 USD, mức thuế tối thiểu 7.000 USD này sẽ được áp dụng.

Vào năm 2023, Thổ Nhĩ Kỳ đã áp dụng thuế bổ sung đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc và đưa ra một số quy định liên quan đến dịch vụ và bảo trì xe điện. Chính phủ nước này đang khuyến khích sản xuất và xuất khẩu nhiều hơn để giảm thâm hụt tài khoản vãng lai, vốn đã ở mức 45,2 tỷ USD vào năm ngoái.

Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn trên thị trường toàn cầu do việc tăng cường xuất khẩu xe điện. Nhiều quốc gia cho rằng Bắc Kinh đã trợ cấp rất nhiều cho lĩnh vực này để hỗ trợ nền kinh tế. Tuần tới, Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến sẽ ra quyết định về việc có áp dụng thuế suất bổ sung đối với xe điện của Trung Quốc hay không.

Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, giá trị xuất khẩu ôtô của nước này ước đạt 101,6 tỷ USD trong năm 2023, một mức cao kỷ lục. Ôtô Trung Quốc hiện có mặt ở hơn 200 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.