Không yên lòng để xe Trung Quốc tung hoành, châu Âu đã 'phản công': Cứng rắn, nhưng quá trễ?

Châu Âu lo ngại ô tô Trung Quốc sẽ khiến xe nội địa gặp khó, nhưng liệu đã quá muộn?

Ngay trong tuần này, Liên minh châu Âu sẽ trình kế hoạch áp thêm thuế lên xe điện từ Trung Quốc do lo ngại những sản phẩm này có thể khiến thị trường xe nội địa của khu vực gặp khó.

Điều này diễn ra trong bối cảnh các hãng ô tô Trung Quốc đã phát triển đến mức vượt sức tiêu thụ của thị trường nước nhà, dù Trung Quốc đã là thị trường ô tô lớn nhất thế giới; doanh số ô tô năm 2023 của Trung Quốc lên tới 21,7 triệu chiếc. Vì vậy, xuất khẩu xe là biện pháp khả dĩ để duy trì công suất của nhà máy, giúp xe được sản xuất với chi phí tốt nhất.

CHÂU ÂU SẼ ĐÁNH THÊM THUẾ?

Hiện tại, ô tô điện từ Trung Quốc hầu hết được nhập khẩu nguyên chiếc vào châu Âu, chịu mức thuế thông thường là 10% giá trị. Song, mức thuế này nhiều khả năng sẽ tăng mạnh kể từ ngày 4 tháng 7 tới.

Các nhà phân tích tại công ty tư vấn Citi dự đoán mức thuế "có thể leo lên 25%, 30% từ mức 10% hiện tại, còn trong một kịch bản khác thì mức thuế có thể lên từ 30% đến 50%".

Không yên lòng để xe Trung Quốc tung hoành, châu Âu đã 'phản công': Cứng rắn, nhưng quá trễ?- Ảnh 1.

Châu Âu có thể gia tăng thuế nhập khẩu đối với ô tô từ Trung Quốc.

Chuyên gia về kế hoạch đầu tư Anthony Sassine tại KranShares nhận định mức tăng có thể "nằm trong khoảng 10% đến 20%", nhưng dường như "nghiêng về mức 20% nhiều hơn" sau khi chứng kiến kết quả bầu cử Nghị viện châu Âu (European Parliament - EP).

Cụ thể hơn, Đảng Nhân dân châu Âu của bà Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy ban châu Âu (European Commission), đã dành thêm số ghế tại nghị viện, chiếm 186 ghế và trở thành đảng chiếm ưu thế. Về phía bà von der Leyen, bà đã thúc đẩy chính sách "giảm rủi ro" với Trung Quốc.

Trong một nghiên cứu về quan hệ Âu-Trung do Nghị viện châu Âu công bố, chính sách này giúp EU quản trị rủi ro đến từ những vấn đề kinh tế, kỹ thuật có Trung Quốc tham gia cùng. Chính sách này đặt trong bối cảnh Trung Quốc đã từng coi châu Âu là nền kinh tế đối thủ.

Không yên lòng để xe Trung Quốc tung hoành, châu Âu đã 'phản công': Cứng rắn, nhưng quá trễ?- Ảnh 2.

Mỹ đã tăng gấp 4 lần thuế lên ô tô Trung Quốc để bảo vệ nền công nghiệp nội địa.

Tháng 10/2023, Ủy ban châu Âu (EC) tổ chức cuộc điều tra đầu tiên nhắm đến các nhà sản xuất ô tô điện của Trung Quốc, xem xem liệu họ có được nhà nước hỗ trợ hay không, và nếu có thì tới mức nào. Châu Âu cho rằng những hỗ trợ từ chính phủ như vậy "là một mối nguy về kinh tế với ngành xe điện châu Âu".

Trả lời phỏng vấn của CNBC, chuyên gia Anthony Sassine cho rằng: "Nhưng các nhà sản xuất [ô tô] Trung Quốc rất giỏi, họ đã tiến trước xa tới nỗi rào cản thuế quan như này, thiết nghĩ, sẽ chẳng ảnh hưởng nhiều lắm đến giá bán ra tại đây. Họ vẫn sẽ có tính cạnh tranh tốt hơn sản phẩm đến từ châu Âu".

Không chỉ châu Âu, Mỹ cũng đã có hành động tương tự nhằm ngăn chặn ô tô điện Trung Quốc đổ vào nước này như lũ sau mưa. Mỹ đã tăng mức thuế cho ô tô từ Trung Quốc từ 25% lên 100%. Tương tự, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 8/6 đã công bố mức thuế tăng thêm cho xe nhập khẩu từ Trung Quốc thêm 40%.

CHÂU ÂU - THỊ TRƯỜNG QUAN TRỌNG CỦA XE TRUNG QUỐC

Khi nhìn vào những chiến lược quyết liệt của các hãng xe Trung Quốc, việc áp thuế của châu Âu dường như đã chậm nhịp.

Mới tháng trước, một vài hãng xe Trung Quốc đã trưng bày các mẫu xe của mình tại châu Âu, đó là Xpeng và BYD. Trong khi đó, NIO đã có một vài showroom tại châu Âu và vừa mở một showroom mới tại Amsterdam, Hà Lan, dường như mặc kệ những gì mà Liên minh châu Âu có thể hành động để cản bước.

Không yên lòng để xe Trung Quốc tung hoành, châu Âu đã 'phản công': Cứng rắn, nhưng quá trễ?- Ảnh 3.

Một showroom của NIO tại Hà Lan.

Tháng 12/2023, BYD cũng đã công bố xây dựng một nhà máy tại Hungary, còn Chery hồi tháng 4 vừa rồi thì đã thành lập một liên doanh với Ebro-EV Motors của Tây Ban Nha để phát triển các mẫu xe thuần điện mới.

Giáo sư địa chính trị tại Trường Kinh doanh ESSEC, ông Cedomir Nestorovic, cho rằng: "Rất nhiều nhà sản xuất xe Trung Quốc đang thăm dò châu Âu. [...] Họ sẽ tránh, hoặc họ sẽ cố tránh, mọi loại rào cản thuế quan".

Chuyên gia Anthony Sassine nhận định: "Chúng ta đang thấy là các hãng xe Trung Quốc thực sự đang xây nhà máy ở châu Âu. Nio cũng đang nhắm tới Hungary. Vậy tức là có nhiều cách, và tôi chắc chắn là có tồn tại đường vòng".

Tham khảo: CNBC