'Vua phượt' BMW đi tới đâu, Honda Lead đi theo được tới đó: Chi 700 triệu cho một chiếc xe máy để làm gì?

Honda Lead 40 triệu cũng có thể hoàn thành nhiệm vụ thì liệu rằng có cần bỏ ra tới 700 triệu đồng để mua một chiếc mô tô BMW?

Honda Lead là một mẫu xe tay ga phổ thông có giá khoảng 40 triệu đồng; trong khi đó, BMW R 1250 GS Adventure là mẫu mô tô phân khối lớn thuộc hàng đỉnh cao nhất trong phân khúc xe Adventure chuyên đi đường dài, có giá chính hãng tại Việt Nam khoảng 700 triệu đồng. 

Trong suốt khoảng 700km từ Hà Nội đi Bình Liêu và trở về, bất cứ chỗ nào "vua đi phượt" BMW R 1250 GS Adventure đặt lốp được thì chiếc Honda Lead trong đoàn đều cũng có mặt.

Nhưng nếu Honda Lead cũng đi được tới những nơi mà vua phượt này có thể lăn bánh tới, thì có phải chủ nhân của chiếc mô tô có giá gấp hơn 17 lần này... quá thừa tiền?

'Vua phượt' BMW đi tới đâu, Honda Lead đi theo được tới đó: Chi 700 triệu cho một chiếc xe máy để làm gì?- Ảnh 1.

BMW R 1250 GS Adventure và Honda Lead trong cùng một đoàn phượt.

Chạy xe 700km tìm câu trả lời

Bình Liêu là một huyện biên giới của Quảng Ninh. Nơi đây nổi tiếng với cỏ lau đẹp và cảnh quan hùng vĩ; thời gian du lịch thích hợp nhất bắt đầu từ khoảng đầu tháng 10 đến cuối tháng 11, là khi thời tiết và cỏ lau cùng đẹp.

'Vua phượt' BMW đi tới đâu, Honda Lead đi theo được tới đó: Chi 700 triệu cho một chiếc xe máy để làm gì?- Ảnh 2.
'Vua phượt' BMW đi tới đâu, Honda Lead đi theo được tới đó: Chi 700 triệu cho một chiếc xe máy để làm gì?- Ảnh 3.
'Vua phượt' BMW đi tới đâu, Honda Lead đi theo được tới đó: Chi 700 triệu cho một chiếc xe máy để làm gì?- Ảnh 4.

Cỏ lau trên đường tới Bình Liêu.

Đoàn của chúng tôi có 4 xe máy, khởi hành từ Hà Nội lúc 5h30 vào sáng thứ 7 gần cuối cùng của tháng 11/2024, đi theo Đường tỉnh 326 ven Cao tốc Hải Phòng - Vân Đồn để tới Bình Liêu - Quảng Ninh. 2 chiếc xe trong đoàn của chúng tôi có mục đích thiết kế rất khác nhau, đó là một chiếc xe thuần đô thị Honda Lead, và 1 chiếc xe chuyên chinh phục đường dài BMW R 1250 GS Adventure.

Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ đến Bình Liêu vào đầu giờ chiều của ngày thứ nhất, sau đó tới cột mốc biên giới 1297 rồi quay trở lại nơi nghỉ; ngày hôm sau khởi hành sớm đến cột mốc 1305 rồi quay trở về Hà Nội.

Đường tuần tra biên giới tới cột mốc 1297.

Từ nơi nghỉ cách thị trấn Bình Liêu khoảng 10km về phía biên giới, đoàn chúng tôi cần đi thêm khoảng 26km trên Đường tuần tra biên giới - nơi có thể thấy hàng rào sắt phân cách lãnh thổ Việt Nam với lãnh thổ Trung Quốc.

'Vua phượt' BMW đi tới đâu, Honda Lead đi theo được tới đó: Chi 700 triệu cho một chiếc xe máy để làm gì?- Ảnh 5.
'Vua phượt' BMW đi tới đâu, Honda Lead đi theo được tới đó: Chi 700 triệu cho một chiếc xe máy để làm gì?- Ảnh 6.
'Vua phượt' BMW đi tới đâu, Honda Lead đi theo được tới đó: Chi 700 triệu cho một chiếc xe máy để làm gì?- Ảnh 7.

Cả Honda Lead và BMW R 1250 GS Adventure đều tới được cột mốc 1297.

Đường tuần tra biên giới lên tới cột mốc 1297 là đường bê tông, bề rộng chỉ vừa một xe 45 chỗ di chuyển. Đoạn đường tuần tra biên giới này bám quanh núi nên hiếm khi có khúc nào thẳng mà luôn cong; cùng với đó, đường cũng có nhiều đoạn dốc tới 11 độ.

Ngoài không bằng phẳng, mặt đường còn có đá dăm, đất cát trơn trượt, sẽ trở thành một vấn đề với những xe chưa có ABS như chiếc Honda Lead trong đoàn.

'Vua phượt' BMW đi tới đâu, Honda Lead đi theo được tới đó: Chi 700 triệu cho một chiếc xe máy để làm gì?- Ảnh 8.

Đồi núi phía Việt Nam vào lúc xế chiều nhìn từ cột mốc 1297 tại Bình Liêu.

Do tới cột mốc 1297 lúc chiều tối, nên lúc quay trở về, đoàn chúng tôi phải dò dẫm trên Đường tuần tra biên giới khi không còn mặt trời, phải dựa hoàn toàn vào đèn xe. 

Bản chất Honda Lead là một chiếc xe đi trong thành phố nên đèn của xe chỉ tạm đủ dùng trong tình huống này; còn chiếc xe chuyên phượt BMW R 1250 GS Adventure có đèn tốt hơn, rộng và chiếu xa hơn nên thường xuyên đi cuối để soi đèn.

Sáng hôm sau, chúng tôi di chuyển tới cột mốc 1305. Để tới cột mốc, đoàn vẫn phải đi trên đường tuần tra biên giới nhưng ở phía khác. Đoạn đường này làm lộ ra một nhược điểm nhỏ của "vua phượt" BMW R 1250 GS Adventure, đó là chiếc xe này to về bề ngang. Tại những nơi đường sạt lở mà mới chỉ được dọn qua loa, người lái chiếc xe này lo có thể bị mắc kẹt ở giữa chỗ đất vừa được dọn cho xe đi.

Chúng tôi tới cột mốc 1305 đúng lúc ở đây tổ chức giải chạy, nên thay vì leo cột mốc như kế hoạch thì chúng tôi lên xe và đi khám phá tiếp Đường tuần tra biên giới này.

'Vua phượt' BMW đi tới đâu, Honda Lead đi theo được tới đó: Chi 700 triệu cho một chiếc xe máy để làm gì?- Ảnh 9.

Đường tuần tra biên giới gần cột mốc 1305.

Mẫu xe phân khối lớn BMW R 1250 GS Adventure thường được lựa chọn khi chủ nhân của chúng đi từ đầu này đến đầu kia của đất nước, xuyên châu lục, hay thậm chí là vòng quanh thế giới.

Nhưng kỳ thực, ở đâu có đường thì xe đi được ở đó mà! Trong 700km hành trình từ Hà Nội đi Bình Liêu và trở lại, BMW R 1250 GS Adventure có giá cả trăm triệu đồng đi được chỗ nào thì Honda Lead có giá chỉ bằng một phần nhỏ cũng theo được tới đó.

Vậy, người có tiền bỏ trăm triệu cho một chiếc xe máy chỉ vì họ thích, hay vì chiếc xe này thực sự mang lại điều gì đó khác?

Có thể dùng Lead để đi phượt?

Chiếc Honda Lead trong đoàn là chiếc xe đi lại hàng ngày của một nhân viên văn phòng, đã sử dụng nhiều năm. Nếu như những chiếc xe mô tô khác cần phải kiểm tra kỹ lưỡng các bộ phận vận hành của xe như xích, phanh, côn, thì với Honda Lead, người lái chiếc xe này, nghĩa đen, chỉ đổ đầy bình xăng rồi lên đường.

Một điều khá thú vị khác là trong tất cả các lần dừng nghỉ, người đi xe Lead luôn là người sẵn sàng tiếp tục lên đường nhanh nhất - chủ yếu do không mất thời gian ở khâu mặc đồ bảo hộ, và cũng không cần người hỗ trợ dắt xe.

'Vua phượt' BMW đi tới đâu, Honda Lead đi theo được tới đó: Chi 700 triệu cho một chiếc xe máy để làm gì?- Ảnh 10.
'Vua phượt' BMW đi tới đâu, Honda Lead đi theo được tới đó: Chi 700 triệu cho một chiếc xe máy để làm gì?- Ảnh 11.
'Vua phượt' BMW đi tới đâu, Honda Lead đi theo được tới đó: Chi 700 triệu cho một chiếc xe máy để làm gì?- Ảnh 12.

Điều mà người lái chiếc Honda Lead lo lắng nhất trong hành trình là chuyện đổ đèo. 

Trên các mẫu xe sử dụng số bán tự động hoặc côn tay, người lái có thể chủ động điều chỉnh cấp số phù hợp để tận dụng lực ghì từ động cơ. Tuy nhiên, điều này khá khó thực hiện trên xe tay ga, nhưng là điều bắt buộc phải thực hiện được, vì nếu lạm dụng phanh, dầu phanh của xe có thể quá nóng mà dẫn đến tình trạng mất phanh.

Trong hành trình lần này, có lẽ do thời tiết mát mẻ nên phanh xe chỉ ấm ấm, vẫn có thể chạm vào bằng tay trần.

'Vua phượt' BMW đi tới đâu, Honda Lead đi theo được tới đó: Chi 700 triệu cho một chiếc xe máy để làm gì?- Ảnh 13.

Cần lưu ý rằng xe tay ga vẫn có thể dùng động cơ để ghì xe lại khi đổ đèo. Với chiếc Honda Lead, người lái chiếc xe này chia sẻ rằng có thể làm như vậy khi đi vận tốc từ 40km/h. Nếu đang di chuyển ở tốc độ nhanh hơn thì cần phanh lại để xe ghì lại bằng máy, hạn chế dùng phanh.

Tốc độ này chậm hơn so với các xe khác, nên đoàn thường xuyên dừng chờ trước các điểm chuyển hướng; song, Honda Lead với bánh bé, tốc độ đó phù hợp để di chuyển an toàn. Người lái chiếc Honda lead cũng chia sẻ rằng bánh xe nhỏ nên khi vào cua, xe không cho cảm giác an toàn. Một điều khác mà người này cũng chia sẻ là do không có phanh ABS, khi phanh có cảm giác bánh sau bị khóa lại và hơi trượt bánh. Nếu gặp trời mưa hoặc đường nhiều cát sỏi, đá dăm, tình huống có thể trở nên xấu hơn.

Trên Honda Lead đời mới, nhà sản xuất đã trang bị phanh ABS; tuy nhiên, hệ thống này chỉ lắp ở bánh trước.

'Vua phượt' BMW đi tới đâu, Honda Lead đi theo được tới đó: Chi 700 triệu cho một chiếc xe máy để làm gì?- Ảnh 14.

Người dân địa phương vẫn sử dụng xe tay ga để di chuyển hàng ngày.

Một điều thú vị khác đáng nhắc tới là người dân địa phương vẫn sử dụng xe tay ga bình thường; các mẫu xe mà đoàn chúng tôi đã bắt gặp rất đa dạng, từ Honda Vision, Honda Lead, tới cả Honda SH160i. 

Do vậy, việc sử dụng xe tay ga khi di chuyển đường đèo núi không phải là điều bị cấm hay rất nguy hiểm; vấn đề nằm ở kỹ năng điều khiển (và cả việc bạn có thông thạo địa hình hay không).

Một điều mà Honda Lead đã làm tốt là xử lý mặt đường xấu. Yên xe bản lớn có mút dày cộng với giảm xóc êm ái, xe giúp người lái cảm thấy thoải mái khi di chuyển. Tuy nhiên, do bản chất Honda Lead là mẫu xe di chuyển trong thành phố nên trong chuyến đi dài này, nhiều khúc đường xấu đã khiến giảm xóc bị đẩy hết hành trình, tạo ra tiếng "kịch, kịch".

Bỏ ra 700 triệu mua 1 chiếc xe máy, nhận được gì khác Honda Lead?

Do bản chất BMW R 1250 GS Adventure là một mẫu xe để thiết kế để đi đường dài, quãng đường 700km cả đi cả về dường như là quá dễ dàng với chiếc xe. Chiếc xe máy có giá bằng cả chiếc ô tô này có một vài đặc điểm khiến nó trở thành lựa chọn thường xuyên của các "đại phượt thủ"; đó là:

- Cân bằng: Xe được thiết kế rất cân bằng. Dù nặng tới 270kg nhưng việc giữ chiếc xe thăng bằng không hề khó. Một trong các bài thử của các tay đua giải BMW GS Trophy là sử dụng một ngón tay giữ xe cân bằng khi đi vòng quanh xe. Đó là chưa kể tới việc xe sử dụng động cơ Boxer với 2 xilanh "đấm" sang hai bên; khi vận hành, hành trình di chuyển sang trái-phải của xilanh góp phần khiến chiếc xe cân bằng hơn. 

- Quá êm và thoải mái: Nhà sản xuất đã cài đặt sẵn nhiều chế độ lái, đáp ứng nhu cầu khác nhau của người lái. Trong gần như toàn bộ hành trình, chiếc xe luôn di chuyển ở chế độ Road với giảm xóc được điều chỉnh cho êm ái nhất, tới nỗi người ngồi phía sau cũng đã ngả lưng ngủ vài lần. Trong khi đó, người lái cũng có yên xe bản lớn êm ái; tư thế ngồi thoải mái nên không bị đau hay mỏi lưng khi di chuyển đường dài.

'Vua phượt' BMW đi tới đâu, Honda Lead đi theo được tới đó: Chi 700 triệu cho một chiếc xe máy để làm gì?- Ảnh 15.
'Vua phượt' BMW đi tới đâu, Honda Lead đi theo được tới đó: Chi 700 triệu cho một chiếc xe máy để làm gì?- Ảnh 16.
'Vua phượt' BMW đi tới đâu, Honda Lead đi theo được tới đó: Chi 700 triệu cho một chiếc xe máy để làm gì?- Ảnh 17.

BMW R 1250 GS Adventure có giá bán khoảng 700 triệu đồng, bằng giá nhiều mẫu ô tô phổ thông.

- An toàn: BMW trang bị cho xe rất nhiều công nghệ, khiến việc vận hành xe rất nhàn. Tùy quan điểm của người sử dụng nhận định nhiều công nghệ là ưu hay nhược điểm, nhưng điều quan trọng là máy móc đôi khi hoạt động tốt hơn con người - chẳng hạn trong việc tránh bị khóa cứng bánh xe khi phanh gấp.

- Mát: BMW R 1250 GS Adventure có dung tích động cơ lên tới 1.254cc, tức lớn gấp 10 lần động cơ 124,8cc của Honda Lead. Hãy tưởng tượng 10 khối động cơ của Honda Lead hoạt động cùng lúc, nhiệt lượng sinh ra phải lớn tới cỡ nào; tuy nhiên, BMW đã thiết kế để tản lượng nhiệt đó ra khỏi người lái. Ngay tại "đầu bò" (nắp xilanh), nhiệt độ chỉ khoảng 80 độ C; ngay cả khi di chuyển liên tục, chạm tay vào đây vẫn chỉ cảm thấy ấm chứ không bị bỏng tay.

'Vua phượt' BMW đi tới đâu, Honda Lead đi theo được tới đó: Chi 700 triệu cho một chiếc xe máy để làm gì?- Ảnh 18.

BMW R 1250 GS Adventure có vận tốc tối đa 200km/h.

Tại Việt Nam, tốc độ lớn nhất mà xe mô tô (dòng xe có dung tích động cơ trên 50cc) có thể di chuyển trên đường đủ điều kiện là 70km/h. 

BMW R 1250 GS Adventure có thể đạt được tốc độ này mà chẳng cần chuyển tới cấp số thứ 2; nếu chạy "hết ga, hết số", BMW R 1250 GS Adventure có thể đạt vận tốc tối đa giới hạn điện tử 200km/h. Điều này có nghĩa là xe thừa sức vượt qua mọi trở ngại trên đường; ngay cả khi vượt đèo dốc, xe vẫn chỉ vận hành ở mức công suất bình thường.

Trái lại, với một chiếc xe có công suất nhỏ hơn, người lái sẽ cần ép chiếc xe tới ngưỡng công suất cao hơn, thậm chí là duy trì ở mức cao nhất. Khi phải vận hành liên tục ở ngưỡng này, độ bền của xe suy giảm là điều không khó hiểu.

'Vua phượt' BMW đi tới đâu, Honda Lead đi theo được tới đó: Chi 700 triệu cho một chiếc xe máy để làm gì?- Ảnh 19.
'Vua phượt' BMW đi tới đâu, Honda Lead đi theo được tới đó: Chi 700 triệu cho một chiếc xe máy để làm gì?- Ảnh 20.
'Vua phượt' BMW đi tới đâu, Honda Lead đi theo được tới đó: Chi 700 triệu cho một chiếc xe máy để làm gì?- Ảnh 21.

Nhiều chủ nhân BMW R 1250 GS Adventure sử dụng xe để đi vòng quanh thế giới.

Honda Lead và BMW R 1250 GS Adventure: Điểm mạnh, yếu ở đâu?

Với một số đặc điểm như đã nêu, có thể thấy BMW R 1250 GS Adventure có quá nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, do đặc tính thiết kế nên xe nên nếu so sánh với các mẫu xe máy phổ thông như Honda Lead, mẫu xe này bộc lộ ra nhiều điểm thiệt hơn.

Điều đầu tiên phải nhắc đến là mẫu xe này cồng kềnh. Với Honda Lead, người lái chỉ cần ngồi trên xe là có thể lùi xe dễ dàng; dắt xe cũng chẳng khó khăn với cả người có thể trạng nhỏ bé. Nhưng tự dắt chiếc BMW R 1250 GS Adventure là điều đáng quan ngại; có thể nhờ xe được thiết kế cân bằng mà bỏ qua nỗi lo đổ xe, cái cần tính là liệu có đủ sức để dắt hay không.

Chạy xe trong phố chủ yếu là đường bằng phẳng; nhưng khi đi phượt, mặt đường có thể dốc thì sẽ cần thêm người hỗ trợ. Như đã nêu, BMW R 1250 GS Adventure có trọng lượng khoảng 270kg; Honda Lead chỉ 114kg.

'Vua phượt' BMW đi tới đâu, Honda Lead đi theo được tới đó: Chi 700 triệu cho một chiếc xe máy để làm gì?- Ảnh 22.

Điều thứ hai cần nhắc tới là xe đòi hỏi chế độ bảo dưỡng khắt khe hơn. Do xe có công suất lớn và có thể vận hành ở điều kiện khắc nghiệt, chủ xe cần chăm sóc xe đúng cách để toàn thể các chức năng, chi tiết của xe vận hành khớp nhau, từ đó có thể thực hiện được các mục đích thiết kế.

Các tính năng tiện nghi như sưởi tay lái hay hệ thống đèn nghiêng theo góc lái, nếu bị hỏng, chỉ gây ra một chút bất tiện; nhưng nếu các hệ thống quan trọng hơn như hệ thống chống trượt Dynamic Traction Control bị hỏng, xe sẽ rất dễ rơi vào tình trạng mất lái do lực quay của bánh xe quá mạnh.

Một điều khá thú vị về BMW R 1250 GS Adventure là dù có dung tích động cơ lớn gấp 10 lần, xe có mức tiêu thụ chỉ hơn 2 lần Honda Lead. Giải thích một cách tường minh, BMW R 1250 GS Adventure tốt hơn Honda Lead khi so sánh tỷ lệ tiêu hao nhiên liệu trên công suất đầu ra: Một bên cần 4,75L/100km cho công suất 136 mã lực / 143Nm, bên còn lại cần 2,1L/100km cho công suất 11,02 mã lực / 11,7Nm.