Bỏ Triton mua Suzuki XL7, người dùng đánh giá: 'Vừa nhận đã thất vọng nhưng vẫn có nhiều chi tiết ăn điểm'

Anh Trần Hùng, một chủ doanh nghiệp chuyên về vệ sinh công nghiệp, đã đồng hành cùng chiếc Suzuki XL7 trong suốt 8 tháng qua sau khi tạm gác lại đam mê bán tải để tìm kiếm một mẫu xe phục vụ cả công việc và gia đình.
Bỏ Triton mua Suzuki XL7, người dùng đánh giá: 'Vừa nhận đã thất vọng nhưng vẫn có nhiều chi tiết ăn điểm'

Chào anh Hùng. Xin anh chia sẻ rõ hơn về quá trình chọn xe của mình.

Mình là Trần Hùng, đang làm chuyên về mảng vệ sinh công nghiệp. Do tính chất công việc nên mình có nhu cầu sử dụng ô tô thường xuyên hơn, phần lớn để phục vụ nhu cầu đi công trình và vận chuyển máy móc, thiết bị dọn dẹp. 

Ban đầu, kế hoạch mua xe của mình còn khá mơ hồ vì dự liệu trong tầm giá từ 500 triệu - 1 tỷ đồng. Thời điểm đó, mình đã mặc định phải chọn bán tải vì thùng xe khá rộng rãi, động cơ khỏe, có thể chở các loại máy móc nặng. Mình cũng đam mê bán tải từ rất lâu rồi, mê ngoại hình cá tính, mạnh mẽ, khung gầm xe cao, đi công trình không lo bị sa lầy hay quệt gầm. Mình đã cân nhắc suốt nửa năm để tìm hiểu thông tin và cân nhắc về 3 mẫu xe bán tải là Nissan Navara, Mazda BT-50 và Mitsubishi Triton. Trong đó, mình ưng nhất là Mitsubishi Triton.

Vậy tại sao đang phân vân bán tải mà nay thành ra một chiếc MPV Suzuki XL7 thưa anh?

Lúc đầu, mình không nghĩ hàng ghế thứ 2 trên bán tải lại là nhược điểm quá lớn như vậy cho tới khi được trải nghiệm trực tiếp. Nếu chỉ phục vụ mục đích cá nhân thì không sao, nhưng mình còn anh em đồng nghiệp nữa. Mình không muốn mỗi lần đi công trình lại phải để anh em tự di chuyển bằng xe máy. Chạy mùa hè vừa nắng vừa mệt, vào mùa đông lại lạnh quá, đi đường xa thì bất tiện. Vậy nên mình quyết định chuyển sang dòng MPV để "chiều" anh em.

Mình rất thích các dòng xe của Nhật vì độ bền cao, khả năng tiết kiệm nhiên liệu tốt. Do đó, kể cả khi không mua bán tải thì mình vẫn chọn các mẫu xe tới từ Nhật Bản. Mình đã phân vân giữa 2 dòng xe MPV đang "hot" nhất tại Việt Nam là Mitsubishi Xpander Cross và Suzuki XL7, còn Toyota Innova thì hơi ngoài tầm với. Theo thẩm mỹ cá nhân, mình thấy XL7 có ưu thế về ngoại hình, đặc biệt là thiết kế thiên về kiểu dáng xe SUV nhiều hơn. 

Mình đã nghĩ với khả năng tài chính khi đó, nếu chọn bán tải trong tầm tiền của Suzuki XL7 thì cũng chỉ có thể mua được các bản 1 cầu thôi, sa lầy quá sẽ vẫn "ngủm". Hơn nữa, khoảng sáng gầm của Suzuki XL7 là 200 mm - một con số không thua kém gì xe bán tải, thậm chí còn ngang với Mitsubishi Triton. 

Chuyển từ bán tải qua Suzuki XL7, mình lăn tăn nhất là khả năng chứa đồ. Mặc dù xe bán tải có thể chở nặng hơn mà vẫn vận hành tốt nhưng XL7 mới là mẫu xe có thể chở được số lượng lớn đồ đạc, máy móc nếu mình chỉ đi một mình. Tính đi tính lại, mình đã quyết định chọn mua Suzuki XL7. 

Bỏ Triton mua Suzuki XL7, người dùng đánh giá: Vừa nhận đã thất vọng nhưng vẫn có nhiều chi tiết ăn điểm - Ảnh 2.

Và rồi khi dùng xe thực tế, anh thấy Suzuki XL7 có phục vụ được như kỳ vọng?

Lúc lấy xe về mình vui lắm, cảm thấy không còn gì để chê cả. Việc đầu tiên tất nhiên là mang xe đi rửa cho sạch đẹp. Tuy nhiên, đây cũng là "cú sốc" đầu tiên của mình khi nhận thấy xe bị chảy sơn sau thời gian để ngoài nắng. Thậm chí nếu chạm mạnh, sơn có thể trầy luôn cả mảng. Từ đó, mình chỉ dám đỗ xe trong garage hoặc phủ bạt kín nếu để dưới trời nắng.

Chuyện sơn thôi đành cho qua, nhưng khi lái xe đi làm mình cũng thấy có chút thất vọng nhẹ. Suzuki XL7 có lốp khá bé, chạy vào đường đất cát dễ trơn trượt, độ bám đường cũng không cho mình sự tự tin nhất định khi cầm lái. 

Một nhược điểm khác là lốp xe của Suzuki XL7 khá mềm, không được cứng như bán tải nên rất dễ ăn đinh. Trong một lần chạy trong lúc trời tối từ Quảng Trị về Quy Nhơn, mình đã bị đâm phải một mũi khoan dài 20 cm. May mắn là gần đó có một tiệm sửa xe nên mình nhờ họ thay luôn lốp dự phòng mang sẵn và có thể về đến Quy Nhơn một cách an toàn.

Dù đã tìm hiểu, biết và chấp nhận nhưng điều khiến mình hụt hẫng tiếp theo là khả năng vận hành của Suzuki XL7 chỉ ở mức tạm ổn. Nếu mình chở mỗi dụng cụ tới công trường thì động cơ vẫn đáp ứng tốt, nhưng nếu chở thêm cả nhân viên và máy móc cồng kềnh, nặng nề hơn thì động cơ xăng 1.5L cho thấy sự "yếu kém" ngay lập tức. Đợt đầu lái xe đi làm nhiều lúc đã nghĩ đáng lẽ nên mua bán tải để bám đường tốt hơn. Động cơ trên các dòng xe bán tải mình cân nhắc thường cho mô-men xoắn cực đại từ 375 Nm - 450 Nm, trong khi Suzuki XL7 chỉ đạt 138 Nm. Nhưng thôi mua rồi thì phải tìm cách sống chung, không bám đường tốt, không mạnh thì mình đi chậm, lốp dễ ăn đinh thì mình nắn nót hơn, lâu dần giờ cũng quen.

Bỏ Triton mua Suzuki XL7, người dùng đánh giá: Vừa nhận đã thất vọng nhưng vẫn có nhiều chi tiết ăn điểm - Ảnh 3.

Dường như chỉ thấy nhược điểm của mẫu MPV này. Vậy anh thấy XL7 có ưu điểm gì không?

À không có chứ. Đối với mình, ưu điểm nổi bật nhất trên Suzuki XL7 là khả năng chứa đồ vượt trội. Hàng ghế thứ 3 rất phẳng khi hạ xuống. Mình thường xuyên phải chứa rất nhiều thiết bị, máy móc cồng kềnh nên luôn tận dụng hàng ghế này để tăng sức chứa của xe. Sau khi sắp xếp đồ đạc gọn gàng, mình vẫn có thể thoải mái chở thêm nhân viên đi cùng.

Mỗi lần đi làm, mình thường chở khoảng 5 - 6, thậm chí là 7 người, cộng thêm chút máy móc để sau cốp xe nhưng mọi người đều cảm thấy thoải mái. Hàng ghế thứ 2 có thể điều chỉnh sao cho vừa vặn với cả những người ngồi sau, trần xe cũng thoáng. Điều này với bán tải là không thể, bởi vì nếu cả 6 người cùng ngồi trong khoang nội thất sẽ rất khó chịu và chật chội, mà đôi khi thùng xe lại thừa thãi trong khi máy móc lại không quá nhiều. Trong trường hợp cần mang nhiều thiết bị nặng hơn, mình sẽ sử dụng xe tải chuyên dụng cho tiện.

Bỏ Triton mua Suzuki XL7, người dùng đánh giá: Vừa nhận đã thất vọng nhưng vẫn có nhiều chi tiết ăn điểm - Ảnh 4.

Ở trên anh nói xe Nhật tiết kiệm nhiên liệu, điều này có đúng với Suzuki XL7?

Vì mình sử dụng xe đi công trường mỗi ngày nên tiết kiệm nhiên liệu là một trong những yếu tố quan trọng nhất khi mình chọn mua xe. Trung bình mỗi 100 km mình sẽ đổ từ 100.000 – 150.000 đồng tiền xăng, tương đương khoảng 5-7 lít tùy theo cung đường mình chạy. Ngoài ra, chi phí bảo dưỡng xe cũng khá hợp lý. Mình mang xe tới đại lý bảo dưỡng miễn phí 3 lần, tiền thay dầu nhớt chưa tới 500.000 đồng.

Nếu so với dòng xe bán tải thì XL7 vẫn còn nhiều điểm không bằng. Tuy nhiên, hiện tại xe vẫn có thể đáp ứng được các tiêu chí ban đầu mình đặt ra, đặc biệt là sức chứa đồ tốt hơn các mẫu xe cùng phân khúc và sự thoải mái của xe khi đi cùng cả nhà. Qua 8 tháng trải nghiệm, mình cho rằng Suzuki XL7 là mẫu xe gia đình phù hợp nhất trong tầm giá 600 triệu đồng.

Vâng, cảm ơn những chia sẻ ngắn của anh. Chúc anh vạn sự bình an trên các chặng đường tiếp theo với Suzuki XL7!

Bỏ Triton mua Suzuki XL7, người dùng đánh giá: Vừa nhận đã thất vọng nhưng vẫn có nhiều chi tiết ăn điểm - Ảnh 5.