Vi phạm nồng độ cồn có thể chuyển sang trả góp, nhưng không phải trường hợp nào cũng áp dụng

Hiện tại mức xử lý vi phạm nồng độ cồn hiện khá cao nhằm mang tính răng đe, tuy nhiên trong một số trường hợp đi kèm điều, người vi phạm có thể đóng phạt nhiều lần.

Cả nước đang trong giai đoạn cao điểm kiểm tra nồng độ cồn ngay cả giai đoạn nghỉ Tết. Theo đó, mức xử phạt khá cao, cụ thể được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn như sau:

Đối với xe máy:

Nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0.25 miligam/1 lít khí thở: Người vi phạm bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng. (Điểm c Khoản 6 Điều 6). Tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng. (Điểm đ Khoản 10 Điều 6)

vi-pham-nong-do-con-co-the-chuyen-sang-tra-gop-nhung-khong-phai-truong-hop-nao-cung-ap-dung

Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0.25 miligam đến 0.4 miligam/1 lít khí thở. Người vi phạm bị phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng (Điểm c Khoản 7 Điều 6). Tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng (Điểm e Khoản 10 Điều 6).

Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0.4 miligam/1 lít khí thở. Người vi phạm bị phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng. (Điểm e Khoản 8 Điều 6). Tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng. (Điểm g Khoản 10 Điều 6).

Đối với ô tô:

Nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0.25 miligam/1 lít khí thở. Người vi phạm bị phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng. (Điểm c Khoản 6 Điều 5). Tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng (Điểm e Khoản 11 Điều 5).

Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0.25 miligam đến 0.4 miligam/1 lít khí thở. Người vi phạm bị phạt tiền từ 16 triệu đồng đến 18 triệu đồng. (Điểm c Khoản 8 Điều 5). Tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng (Điểm g Khoản 11 Điều 5).

Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0.4 miligam/1 lít khí thở. Người vi phạm bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng. (Điểm a Khoản 10 Điều 5). Tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (Điểm h Khoản 11 Điều 5).

vi-pham-nong-do-con-co-the-chuyen-sang-tra-gop-nhung-khong-phai-truong-hop-nao-cung-ap-dung

Với mức phạt trên, không phải ai cũng đủ khả năng đóng phạt trong một lần. Nhưng theo quy định tại Điều 79 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, người vi phạm có thể nộp tiền phạt nhiều lần khi có đủ các điều kiện sau đây:

Bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân và từ 200.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức.

Đang gặp khó khăn đặc biệt về kinh tế và có đơn đề nghị nộp tiền phạt nhiều lần. Đơn đề nghị của cá nhân phải được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc xác nhận hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về kinh tế, đối với đơn đề nghị của tổ chức phải được xác nhận của cơ quan thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp.

Thời hạn nộp tiền phạt nhiều lần không quá 6 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực, số lần nộp tiền phạt tối đa không quá 3 lần. Mức nộp phạt lần thứ nhất tối thiểu là 40% tổng số tiền phạt. Người đã ra quyết định phạt tiền có quyền quyết định việc nộp tiền phạt nhiều lần. Quyết định về việc nộp tiền phạt nhiều lần phải bằng văn bản.

Như vậy theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) có nhiều mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn. Tuy nhiên, chỉ có mức phạt cao nhất dành cho ô tô với mức nộp phạt từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với ôtô là vượt ngưỡng phạt 20 triệu để có thể áp dụng trả nhiều lần. Những mức vi phạm khác đều dưới ngưỡng 20 triệu đồng nên sẽ không thuộc phạm vi được nộp phạt nhiều lần.

Nhưng, người vi phạm còn phải đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định tại Điều 79 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 (có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn) mới được nộp phạt nhiều lần. Việc nộp phạt nhiều lần cần thực hiện theo đúng trình tự quy định pháp luật.