Mức xử phạt với chủ xe không thực hiện những quy định mới trước 31/12

Trang bị camera giám sát, đổi biển số sang nền vàng... là những yêu cầu bắt buộc đối với ô tô kinh doanh vận tải kể từ đầu năm 2022
Mức xử phạt với chủ xe không thực hiện những quy định mới trước 31/12

Cá nhân vi phạm giao thông có thể bị phạt tới 75 triệu đồng

Ngày 13/11/2020, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV chính thức thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ 1/1/2022.

Tại khoản 10 Điều 4 bộ luật này quy định: Phạt tiền đến 75 triệu đồng đối với vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.

Hiện nay, theo quy định tại Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì mức xử phạt vi phạm hành chính tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với cá nhân là 40 triệu đồng.

Để phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính mới, cơ quan chức năng thuộc Bộ GTVT đã trình Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định 100 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.

Theo dự thảo, mức phạt 70-75 triệu đồng được đề nghị áp dụng đối với cá nhân là chủ ôtô, máy kéo và các loại xe tương tự ôtô thực hiện giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển vượt quá tải trọng của cầu, đường trên 50%. Ngoài ra nhiều vi phạm khác cũng được đề nghị tăng mức xử phạt gấp 5-10 lần.

Xe không sang tên đổi chủ mức phạt cao nhất 8 triệu đồng

Theo Thông tư 58/2020/TT-BCA quy định về trình tự, thủ tục cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có hiệu lực từ 1.1.2022, phương tiện (gồm cả mô tô, xe máy và ô tô) đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người nhưng thiếu hoặc không có giấy tờ chuyển quyền sở hữu được giải quyết đăng ký, sang tên đến hết ngày 31/12/2021.

Kể từ ngày 1/1/2022, người dân không có giấy tờ xe sẽ không thể chuyển nhượng, sang tên.

Theo Nghị định 100/NĐ-CP, lỗi không chính chủ với xe máy bị phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng với xe cá nhân, từ 800.000 - 1,2 triệu đồng với tổ chức. Với ô tô, mức phạt tương ứng là 2 - 4 triệu đồng với cá nhân và từ 4 - 8 triệu với tổ chức.

Ghế trên xe khách không có dây an toàn phạt cao nhất 800 nghìn đồng

Điều 36 Nghị định 10 quy định trước 31/12, ôtô kinh doanh vận tải hành khách phải có dây an toàn tại các vị trí ghế ngồi, giường nằm (trừ xe buýt nội tỉnh).

Tại khoản 3, Điều 23 Nghị định 100 quy định phạt 600.000-800.000 đồng đối với các trường hợp điều khiển xe kinh doanh vận tải không có dây an toàn tại các vị trí ghế ngồi, giường nằm theo quy định.

Ô tô kinh doanh vận tải không đổi biển số vàng phạt tới 8 triệu đồng

Cũng theo Thông tư 58/2020 của Bộ Công an, xe tải, xe công nghệ, taxi truyền thống, xe khách kinh doanh vận tải buộc phải chuyển sang biển số màu vàng để cơ quan chức năng tiện quản lý.

Xe kinh doanh vận tải từ 1/8 đã được cấp biển số vàng ngay từ khi đăng ký; còn xe đang hoạt động kinh doanh vận tải trước ngày 1/8 cần phải đổi sang biển số vàng trước 31/12. Nếu từ 1/1/2022 xe kinh doanh vận tải chưa đổi biển số xe từ nền màu trắng sang vàng sẽ bị phạt tiền từ 2 đến 4 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4 đến 8 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe, theo Nghị định 100/2019 của Chính phủ.

Cũng theo Nghị định 100, phạt tiền từ 2 - 4 triệu đồng đối với cá nhân và 4 - 8 triệu đồng đối với tổ chức là chủ ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô không thực hiện đúng quy định về biển số, quy định về kẻ chữ trên thành xe và cửa xe.

Xe kinh doanh vận tải không lắp camera giám sát bị phạt 12 triệu

Mức xử phạt với chủ xe không thực hiện những quy định mới trước 31/12

Nghị định 10/2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô quy định, xe khách từ 9 chỗ trở lên, xe container, xe đầu kéo phải lắp camera lưu trữ hình ảnh trong suốt hành trình trước ngày 1/7/2021. Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và để hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ đã cho phép lùi thời hạn xử phạt hành vi không lắp thiết bị này đến hết ngày 31/12/2021.

Nghị định 100/2019 và Nghị quyết 66 của Chính phủ nêu rõ từ ngày 1/1/2022, xe kinh doanh vận tải chưa lắp camera giám sát khi tham gia giao thông sẽ bị xử phạt 1-2 triệu đồng đối với lái xe; 5-6 triệu đồng đối với cá nhân và 10-12 triệu đồng đối với tổ chức không lắp camera. Phương tiện bị thu hồi phù hiệu 1-3 tháng.

Sau ngày 31/12, xe kinh doanh vận tải chưa lắp camera giám sát sẽ bị các đơn vị đăng kiểm từ chối tiếp nhận kiểm định.

Nghị định 100 quy định: Phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa:

- Không lắp camera theo quy định (đối với loại xe có quy định phải lắp camera).

- Có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh trên xe (kể cả người lái xe) trong quá trình xe tham gia giao thông theo quy định.

Phạt tiền 5-6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 10 - 12 triệu đồng đối với tổ chức:

- Sử dụng ô tô kinh doanh vận tải không lắp camera theo quy định (đối với loại xe có quy định phải lắp camera).

- Sử dụng ô tô kinh doanh vận tải có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh trên xe, người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông theo quy định.

- Không thực hiện việc truyền, lưu trữ hình ảnh từ camera lắp trên ôtô về máy chủ của đơn vị, không cung cấp tài khoản truy cập vào máy chủ của đơn vị cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng phù hiệu (biển hiệu) từ 1 - 3 tháng đối với xe vi phạm.