Sai lầm 1: Cứ sạc công suất lớn là nhanh đầy với tất cả các loại xe
Hiện nay trên thị trường có nhiều lựa chọn bộ sạc khác nhau, chia làm 2 loại chính là sạc AC và sạc DC.
Sạc AC là các sạc dùng điện xoay chiều (điện dân dụng phổ biến), sử dụng bộ chuyển đổi trên xe để chuyển từ điện xoay chiều AC thành điện 1 chiều DC để nạp cho pin. Công suất sạc AC thấp nhất thường là bộ sạc theo xe, chẳng hạn xe HongGuang MiniEV khoảng 1,5kw, tương đương sử dụng một nồi lẩu nên rất an toàn.
HongGuang MiniEV sử dụng bộ sạc có công suất 1,5kW |
Thông thường các trạm sạc từ 30kw trở lên (30, 60, 90 kw…) là sạc DC, nguồn điện là một chiều sạc thẳng cho pin (điện của pin tích trữ là điện một chiều) mà không cần phải qua chuyển đổi AC->DC nên sạc xe nhanh hơn và tổn hao ít hơn. Tuy nhiên, mỗi dòng xe, hãng xe đều sử dụng các loại pin khác nhau, nhà sản xuất cài đặt giới hạn hoạt động khác nhau nên công suất sạc vì thế cũng rất khác nhau, cho dù sạc cùng 1 trạm sạc + 1 bộ sạc.
Chẳng hạn các loại xe điện phổ thông thường có công suất nhận sạc AC là 11 kw nên dùng bộ sạc 22 kw cũng cho hiệu quả gần tương đương bộ sạc 11kw. Hay nếu xe giới hạn công suất sạc 7kw thì có dùng bộ 11 kw hay 22 kw cũng không đạt hiệu quả sạc cao hơn bộ 7-7,4kw, thậm chí dùng bộ 11kw còn thấp hơn do chỉ dùng được 1 pha.
Tương tự khi sạc tại trạm sạc DC, khi xe giới hạn công suất sạc thì chúng ta sạc tại trụ có công suất lớn nhất cũng chưa chắc đạt hiệu quả cao hơn khi sạc ở những trụ công suất thấp hơn. Chẳng hạn xe điện hạng A dùng pin LFP thì công suất nhận tối đa khoảng 70 kw nên sạc trụ sạc 150kw, 180kw hay 300kw đều như nhau về thời gian sạc.
Sai lầm 2: Để gần hết pin mới sạc, khi sạc thì sạc đầy 100%
Hiểu nôm na thì sử dụng pin ô tô điện cũng như sử dụng pin điện thoại, nghĩa là không để gần hết pin mới sạc hay sạc đầy 100% vì cả hai việc này kéo dài thì sẽ giảm tuổi thọ của pin. Cách tốt nhất là khi dung lượng pin từ 20 -60% thì tiện lúc nào ta cắm sạc lúc đó, và giới hạn sạc lên để tầm 80 hoặc 90%.
Ngoài ra, để đảm bảo tuổi thọ của pin, giảm hao phí điện năng, chúng ta không nên cắm sạc ngay khi vừa đi về vì khi đó pin còn nóng, nên đợi khoảng 30-60 phút sau mới cắm sạc.
Sai lầm 3: Trời mưa không thể sạc xe. Khi sạc không được bật điều hòa
Với thiết kế xe điện hiện đại ngày nay, các tiêu chuẩn chống nước khá cao nên khi đang sạc ngoài trời mà bị mưa thì vẫn có thể sạc tiếp. Tuy nhiên, vì nước mưa dẫn điện, nguy cơ rò điện không phải chỉ đến từ cổng sạc mà còn từ nguồn điện nên chúng ta hạn chế tối đa việc sạc xe khi trời mưa. Chỗ sạc nên có mái che để đảm bảo an toàn.
Ngoài ra, khi đang sạc xe thì chúng ta vẫn có thể sử dụng các thiết bị giải trí bình thường mà không ảnh hưởng gì tới an toàn. Tuy nhiên, đây là điều không khuyến khích bởi như thế không tốt cho pin và cũng làm tăng thời gian sạc pin. Đặc biệt, không nên vừa bật điều hòa vừa sạc pin vì một số xe có cơ chế làm mát bằng không khí, trong khi dải hoạt động bình thường của pin thường từ 22 đến 38 độ C.
Sai lầm 4: Các xe không thể dùng chung 1 loại sạc
Hiện nay tại Việt Nam có khá nhiều lựa chọn về sạc tại nhà. Gần như đa số các bộ sạc này được sản xuất theo tiêu chuẩn châu Âu type 2 nên dùng chung được cho các loại xe điện. Còn việc sạc nhanh hay chậm thì phụ thuộc vào công suất bộ sạc và khả năng nhận sạc của xe như đã nói ở trên.
Sai lầm 5: Sạc tại nhà tốt/rẻ hơn sạc tại trạm hoặc ngược lại
Hiện nay có rất ít hãng phát triển hạ tầng sạc công cộng tại Việt Nam và các hãng cũng chưa chia sẻ để có thể sạc chung nên giải pháp sạc tại nhà là tối ưu, cần thiết. Trên thế giới, sạc tại nhà cũng chiếm đa số bởi giải pháp này tiện dụng. Tại Việt Nam, sạc tại nhà cũng đang là xu hướng, vừa đảm bảo tiện lợi, vừa tránh được áp lực sạc tại trạm do lượng xe điện ngày càng tăng phải chờ sạc nên mất khá nhiều thời gian.
Việc sạc tại nhà tại Việt Nam hiện có hai giải pháp phổ biến. Một trong số đó là các hãng sạc theo xe công suất nhỏ có thể dùng ngay nguồn điện sinh hoạt, thậm chí là nguồn điện dân dụng 220V rất tiện lợi như mẫu xe HongGuang MiniEV do TMT Motors lắp ráp, phân phối. Theo các chuyên gia, đây là cách sạc điện tiện lợi và an toàn.
Để tuổi thọ của pin lâu dài và ổn định, khách hàng nên dùng dây sạc, trạm sạc chính hãng của nhà sản xuất đã kiểm định và đã qua thời gian dài sử dụng ổn định.
Giải pháp tối ưu cho sạc tại nhà để có hiệu quả kinh tế cao hơn là sử dụng điện 3 pha kinh doanh hay sản xuất theo khung giờ, có đồng hồ đo riêng và sạc vào giờ thấp điểm ban đêm, mức giá chỉ còn khoảng từ 1.100 -2.000 đồng/kwh. Khi đó sạc tại nhà sẽ còn rẻ hơn nữa.