Đổi tên xe buýt thành xe khách đường phố: Dân không cần ‘chơi chữ’

Xe buýt đổi tên thành ‘xe khách đường phố’ là một trong những đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải tại dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

Khi bày tỏ ý kiến tại hội thảo góp ý về dự thảo Luật trên do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức ngày 30/9, nhiều ý kiến sở ngành cũng cho rằng cần giữ nguyên tên xe buýt thay vì có tên mới "xe khách đường phố”.Bởi theo các đại biểu, thuật ngữ này khá lạ lẫm với người dân, không gần gũi với thực tiễn.

Thậm chí, nhiều người đặt ra câu hỏi, tại sao Bộ quá chú trọng chơi chữ tên gọi trong khi nhiều bất cập ngành giao thông chưa được xử lý triệt để?

Đổi tên xe buýt thành "xe khách đường phố" để làm gì mới đây đã được đại diện Bộ GTVT giải thích với báo chí. Theo đó, dự thảo luật Giao thông đường bộ quy định 3 loại hình kinh doanh vận tải hành khách, trong đó xe buýt chia làm 2 loại là xe buýt nội đô và xe buýt liên tỉnh. Tên gọi xe buýt vẫn giữ nguyên, tuy nhiên xét về loại hình phương tiện kinh doanh, xe buýt nội đô sẽ là loại xe ô tô khách thành phố theo QCVN 2015, chứ không phải thay đổi tên xe buýt sang xe khách thành phố.

Trong quy chuẩn 6211:2003 về phương tiện giao thông đường bộ do Bộ Khoa học - Công nghệ ban hành năm 2003, ô tô khách thành phố (urban bus) được định nghĩa là loại hình “được thiết kế và trang bị để dùng trong thành phố và ngoại ô; loại ô tô này có các ghế ngồi và chỗ đứng cho hành khách; cho phép hành khách di chuyển phù hợp với việc đỗ xe thường xuyên”.

doi ten xe buyt thanh xe khach duong pho dan khong can choi chu
 

Tại QCVN 10:2015/BGTVT về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô khách thành phố, cũng quy định “xe ô tô khách thành phố (urban bus) là xe ô tô khách được thiết kế và trang bị để dung trong thành phố và ngoại ô, loại xe ô tô này có bố trí các ghế ngồi và chỗ đứng cho khách, cho phép khách di chuyển phù hợp với việc dừng, đỗ xe thường xuyên”.

Dù Bộ GTVT lý giải như trên, tuy nhiên, nhiều ý kiến dư luận băn khoăn: Có cần thiết phải chú trọng vào việc đổi tên này khi nó tạo nên những lùm xùm không cần thiết. Bởi để tên “xe buýt” hay “xe khách thành phố” thì vẫn là loại hình vận tải hành khách công cộng như vậy. Tên gọi không giúp loại hình này được cải thiện tốt hơn.

Thực tế khi Bộ GTVT quá chú trọng vào việc “chơi chữ” khi đổi tên xe buýt thì những thực trạng của loại hình vận tải công cộng vẫn chưa được khắc phục.

Thực tế, xe buýt ra đời và phát triển vốn là một dịch vụ công cộng, tiến tới hạn chế xe cá nhân để giảm ùn tắc cho các thành phố lớn, Tuy nhiên, loại hình dịch vụ này đang gặp không ít khó khăn, thách thức để phát triển.

Một thống kê đáng suy ngẫm cho thấy, tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng hành khách của xe buýt ở Hà Nội không cao, chưa đến 1% so với năm 2018, do tỷ lệ chậm chuyến của xe buýt từ 10-20 phút/lượt vẫn còn chiếm tới 50-60%/tổng số chuyến, tốc độ trung bình xe buýt Hà Nội chỉ còn dưới 20 km/giờ. Trong khi đó tại TP HCM, xe buýt cũng đứng trước nguy cơ “vỡ trận” khi số lượng hành khách ngày càng ít, dẫn tới thua lỗ nên các đơn vị chạy xe buýt phải giảm chuyến, bỏ tuyến.

Nguyên nhân đã được chỉ ra do hạ tầng vận tải công cộng cho xe buýt cũng chưa được đáp ứng đầy đủ, đồng bộ khi thiếu quỹ đất, điểm đầu cuối, trung chuyển, làn đường dành riêng cho xe buýt; tỷ lệ nhà chờ thấp… hạn chế khả năng tiếp cận điểm dừng của hành khách, thái độ phục vụ của nhân viên xe buýt chưa chuyên nghiệp... Bên cạnh đó, sự phát triển của nhiều loại hình vận tải khác dẫn đến một thực trạng, xe buýt mới chỉ chiếm khoảng 12% nhu cầu vận tải hành khách của Thủ đô.

Dẫn ví dụ trên để thấy rằng, thay vì chú trọng tên gọi xe buýt thế nào, ngành GTVT cần đưa ra những giải pháp hiệu quả để phát triển loại hình dịch vụ công cộng lẽ ra phổ biến mà lại đang “lâm nguy” này.

Thực tế, đây cũng không phải lần đầu tiên, Bộ GTVT sa đà vào việc “đuổi hình, bắt chữ”. Trước đó, trong một thời gian dài, dư luận cũng đã nhiều lần ý kiến khi Bộ này nhiều lần tìm cách đổi tên trạm thu phí thành trạm thu giá rồi trạm thu tiền, sau lại về trạm thu phí. Và không chỉ “chơi chữ”, ngành giao thông cũng từng xảy ra không ít lùm xùm với nhiều đề xuất gây tranh cãi liên quan đến lĩnh vực giao thông như quy định ô tô không được dừng quá 5 phút, đăng ký xe phải có tài khoản ngân hàng...

Cùng với đó, Bộ GTVT còn rất nhiều nhiệm vụ chuyên môn trong lĩnh vực phụ trách của mình cần quan tâm hơn là chú trọng vào vấn đề câu chữ tên gọi xe buýt như vấn đề bất cập của BOT, đẩy nhanh việc thu phí tự động không dừng, tiến độ tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, bất cập hạ tầng giao thông QL5 và nhiều tuyến khác…

Do đó, dù Bộ GTVT giải thích việc thay tên xe buýt có thuận thế nào thì cốt lõi, người dân cần thật sự là những vấn đề bất cập về mặt chuyên môn trong lĩnh vực GTVT sẽ được giải quyết một cách hiệu quả, chứ không cần phải thay tên đổi họ một loại hình vận tải như xe buýt.

Không chỉ cần giữ nguyên tên xe buýt thay vì có tên mới "xe khách thành phố”, không cần cứ mỗi năm lại lùm xùm việc đổi tên loại hình nào đó, ngành giao thông nên tập trung làm tốt lĩnh vực chuyên môn, như vậy đã là tốt lắm rồi.

(Theo:Kienthuc.vn)