Đây là ông trùm về doanh số trong phân khúc xe gầm cao

Mẫu xe Mazda CX-5 vẫn đứng đầu về doanh số xe gầm cao tại thị trường Việt Nam.

Sau các chính sách về giá, các đối thủ đã giúp người dùng dễ tiếp cận hơn tuy nhiên Mazda CX-5 vẫn yên vị trí đầu phân khúc đồng thời vẫn tạo khoảng cách với các vị trí phía sau. Trong tháng 4, hai mẫu xe Ford Territory và Hyundai Tucson đều có những chính sách về giá bán khi có mức khởi điểm từ 799 triệu đồng và 769 triệu đồng, nhờ đó mà có mức chênh lệch không quá cao so với đối thủ Mazda CX-5 với giá từ 749 triệu đồng.

Ngoài ra đối thủ đắt tiền là Honda CR-V cũng có mức ưu đãi vài chục triệu đồng. Tuy nhiên với mức giảm trên vẫn không đủ để tạo đột biến doanh số với Mazda CX-5 dù đã có mức tăng trưởng. Theo báo cáo bán hàng thì trong tháng 4/2024 đã có 800 xe CX-5 bán ra, cao hơn Honda CR-V có 626 xe, Hyundai Tucson 480 xe và Ford Territory là 449 xe.

Đây là ông trùm về doanh số trong phân khúc xe gầm cao - 1

Cũng trong 626 xe Honda CR-V thì phiên bản hybrid tạo sự đột biến với 534 xe bàn giao, đáng chú ý phiên bản này không có bất cứ sự ưu đãi nào từ hãng và một số nơi người mua phải chấp nhận mua thêm phụ kiện mới có thể nhận xe.

Lũy kế 4 tháng đầu năm, Mazda CX-5 có tới 3.119 xe bán ra thị trường chiếm gần 37% phân khúc, kế đến là Honda CR-V với 1.706 xe, Ford Territory và Hyundai Tucson lần lượt đạt 1.661 xe và 1.100 xe. Hai mẫu xe còn lại là Kia Sportage và Mitsubishi Outlander có doanh số trong tháng 4 lần lượt 212 xe và 62 xe, tổng 4 tháng là 552 xe và 253 xe.

Có thể thấy lợi thế lớn nhất của Mazda CX-5 đến từ việc định giá hợp lý, dễ tiếp cận nhất phân khúc kể từ khi ra mắt bản nâng cấp vào năm ngoái, Ford Territory cũng tương tự. Với Hyundai Tucson và Kia Sportage dù chiếm lợi thế về khả năng vận hành, option, công nghệ nhưng thiết kế có phần trẻ hóa, thể thao nên có phần gặp khó khi tiếp cận tệp khách trung niên.

Đây là ông trùm về doanh số trong phân khúc xe gầm cao - 2

Honda CR-V chỉ gây chú ý khi đây là phiên bản hybrid đầu tiên trong phân khúc, tuy nhiên giá xe vẫn là rào cản khi có mức khởi điểm từ hơn 1 tỷ đồng. Với mẫu xe Mitsubishi Outlander thì đã từ rất lâu rồi vẫn chưa có sự đổi mới, nâng cấp nào đáng kể.

Thêm nữa, dù vẫn duy trì ưu đãi, nhưng hãng xe Nhật vẫn ưu tiên cho một số mẫu xe chiến lược khác hơn là dành cho Outlander, ngoài ra với mức giá từ hơn 800 triệu đồng cho bản tiêu chuẩn thì người dùng vẫn còn nhiều lựa chọn khác hợp lý hơn, mới mẽ hơn. Đây cũng là mẫu xe có sức bán kém nhất phân khúc.

Ngoài 6 cái tên nổi trội trên thì phân khúc xe gầm cao cỡ C vẫn còn một loạt cái tên khác như Subaru Forester, Volkswagen Tiguan, Haval H6, VinFast VF 7,…. Nhưng hãng cũng như nhà phân phối không công bố số liệu nên người dùng cũng khó có kết quả tham chiếu.