Có nên mua ô tô "gán nợ" mà ngân hàng thanh lý?

Để trừ nợ xấu, nhiều ngân hàng rao bán ô tô có giá từ vài trăm triệu lên đến vài tỷ đồng.

Nhiều năm trước, kinh tế tăng trưởng, không ít người vay tiền ngân hàng để mua ô tô, thế chấp bằng chính chiếc xe đó để phục vụ kinh doanh dịch vụ và đi lại.

Giai đoạn 2016-2019, cho vay mua ô tô tăng trưởng gần 40%/năm. Các ngân hàng cạnh tranh cho vay lên tới 80-90% giá trị xe. Cho vay mua ô tô góp phần giúp cho tín dụng nhiều ngân hàng tăng cao.

Từ cuối năm 2019 đến nay, dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng mất khả năng trả nợ. Tài sản thế chấp vay vốn tại các ngân hàng là ô tô được mang ra thanh lý tăng mạnh.

Hàng loạt ngân hàng thông báo rao bán ô tô là tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu để thu hồi nợ với mức giá rẻ hơn so với thị trường từ 30-120 triệu đồng/xe.

Tùy vào hình thức, niên hạn, chất lượng xe, ngân hàng đưa ra các mức giá từ vài trăm triệu lên tới cả tỷ đồng.

Đầu tháng 7, ngân hàng ngân hàng BIDV đã rao bán một xe ô tô Lexus biển số 30F-264xx với giá khởi điểm 2,47 tỷ đồng.

Ngân hàng VIB cũng đang thông báo thanh lý hàng loạt xe ô tô như Huyndai Kona-2020, Toyota Vios E 2019, Mazda 3-2020, Toyota Vios BKS 68A, Ford Transit BKS 83B SX 2018, Ford Ranger 17C, Toyota Fortuner 61A SX 2018 với giá từ 280 triệu đồng đến 780 triệu đồng.

Có nên mua ô tô gán nợ mà ngân hàng thanh lý? - Ảnh 1.

Ô tô đang được VIB thông báo bán thanh lý

Ngân hàng VPBank cũng đang rao bán đấu giá lô ô tô gồm 25 chiếc dao động trong khoảng giá từ 200 triệu đến 8 tỷ đồng. Trước đó, VPBank cũng thông báo bán đấu giá một lô khác gồm 16 chiếc với giá từ 379 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng.

VPBank cũng được coi là ngân hàng thanh lý nhiều ô tô nhất thời điểm này.

Vậy, có hay không nên mua ô tô được ngân hàng rao bán?

Tài sản thế chấp và xử lý tài sản thế chấp là yếu tố đảm bảo quyền lợi của ngân hàng. Chính vì vậy, việc đấu giá là một trong các phương thức xử lý tài sản thế chấp được xem là sự lựa chọn tối ưu.

Việc thanh lý và mua tài sản thanh lý là hoàn toàn đúng quy định pháp luật hiện nay.

Có nên mua ô tô gán nợ mà ngân hàng thanh lý? - Ảnh 2.

Việc bán tài sản thế chấp là ô tô hiện gặp rất nhiều khó khăn.

Các xe ô tô của ngân hàng rao bán đều là những xe được đảm bảo rõ ràng nguồn gốc, giấy tờ. Các xe này đều được giữ nguyên tài sản và không có sự thay thế. Bởi vậy, người mua xe sẽ không gặp các vấn đề rắc rối sau này.

Người mua có thể qua ngân hàng trao đổi trực tiếp hoặc qua bên thứ 3 (trong trường hợp ngân hàng bán đấu giá).

Tuy nhiên, chất lượng hay giá cả tài sản thế nào phù hợp thì nên có các bên chuyên môn nhận định và đánh giá (không loại trừ 1 vài hỏng hóc do xe lưu kho nhiều tháng, không vận hành). Nếu có thể, tốt nhất là nên nhờ người am hiểu về ô tô để kiểm tra trước khi trả giá và quyết định mua xe.

Ngoài ra, khi mua xe ngân hàng thanh lý, người mua cần xác nhận trả 100% tiền, không có "chuyện" trả góp hay vay nợ.

Một chuyên gia xe cũ tại Hà Nội cho hay: "Sau khi mua thanh lý tại ngân hàng, phải mất từ 2-3 tuần mới xong các loại giấy tờ và sang tay cho người mua. Đôi khi các xe "ngon", hàng mới, máy móc thiết bị ổn thì các nhân viên ngân hàng, hay người thân quen đã có cơ hội mua trước rồi. Còn những xe kém chất lượng hơn, cũ, có khi bị tai nạn va chạm và ngập nước, ngân hàng mới bán thanh lý ra ngoài. Lúc này, người mua không cẩn trọng sẽ dễ thiệt thòi".

Như vậy, mua xe ô tô thanh lý từ các ngân hàng, có thể rẻ về giá cả, đảm bảo nguồn gốc, tuy nhiên người mua xe cũng cần cẩn trọng về chất lượng, cũng như cân nhắc khả năng tài chính của mình trước khi đưa ra quyết định.