Dịch bệnh phức tạp đã khiến cho nhiều hoạt động của đời sống chuyển sang môi trường trực tuyến. Bán xe cũng không đứng ngoài xu thế này. Mua online và "ship" xe đang trở thành xu hướng của các đại lý, hãng xe.
Online từ hãng
Từ đầu năm đến nay, đã có một số hãng xe trong nước ra mắt trang bán hàng trực tuyến của mình. Trang bán hàng này không chỉ cung cấp thông tin xe, giá tiền mà còn cho phép khách hàng tự tùy chỉnh chiếc xe từ màu sơn ngoại thất đến chất liệu nội thất, trang bị lắp thêm với xe cá nhân hóa.
Với xe cũ chính hãng, website cũng cung cấp cụ thể chiếc xe đang ở showroom nào để khách có thể tới xem trực tiếp.
Bên cạnh đó, với các hãng xe đã có website bán hàng, cấu hình xe, quy trình bán hàng của họ hầu hết đã đầy đủ ở mọi bước giúp khách hàng không cần phải tới đại lý để được tư vấn, trải nghiệm trước sản phẩm.
Nhiều hãng xe cho phép khách hàng tự cấu hình xe sau đó đại lý mới liên hệ để tư vấn thêm.
Hầu hết các website sau bước chọn xe, cấu hình, sẽ tới bước lấy thông tin khách hàng, lúc này người mua chỉ cần điền thông tin của mình gồm tên, số điện thoại, email để nhận được trước báo giá tự động. Sau đó nhân viên kinh doanh được phân công sẽ liên lạc trực tiếp.
Khách hàng các hãng như Ford, VinFast, Mercedes lúc này sẽ được tư vấn đầy đủ, cụ thể qua điện thoại, thậm chí có nhân viên mang xe tới tận nơi cho khách hàng lái thử. Các bước như ký hợp đồng, tư vấn, duyệt hỗ trợ tài chính từ ngân hàng, giao xe cũng sẽ được làm tại chỗ của khách.
Khách hàng khi mua xe online vẫn được hưởng các chính sách, quyền lợi tương tự khách hàng mua xe trực tiếp, bao gồm cả các khuyến mại, hoặc quan trọng hơn là đàm phán giá với đại lý.
Sale xe đã làm thương mại điện tử từ lâu
Trên thực tế, việc trực tuyến hóa các hoạt động mua bán xe đã được nhân viên kinh doanh của hầu hết các hãng xe tại Việt Nam tự triển khai từ lâu. Trao đổi với nhân viên bán hàng một hãng xe tại Việt Nam, không chỉ anh mà mọi nhân viên khác tại đại lý trong các năm qua đã chủ động dùng các kênh trực tuyến để tìm kiếm khách hàng.
Mọi người đăng bán xe lên Facebook cá nhân, hoặc các nhóm xe. Thậm chí nhiều trang rao vặt cũng có sẵn các sale xe đang rao xe mới. Trước khi bùng phát dịch, khách hàng từ các kênh trên mạng này sẽ gọi điện trước, nhân viên sẽ hẹn khách tới đại lý để tư vấn. Cũng theo nhân viên bán hàng này: "Phần đông khách gọi trước đến xem xe trước đây là vì cần tư vấn thêm, họ muốn thử xe, so sánh trước khi ra quyết định. Còn khách hàng đã biết mình cần loại xe gì, họ gọi nhân viên bán hàng chỉ để biết có sẵn màu xe cần không, ưu đãi cho khách bao nhiêu".
Đăng bán xe trên Facebook, giao xe tận nơi cho khách từ lâu đã là việc bình thường của người làm sale.
Các vấn đề như gửi ảnh xe, gửi hợp đồng đều có thể làm qua Zalo, Facebook. Mượn xe chạy thử của đại lý đưa tới chỗ khách cũng là việc thường nhật của anh và các đồng nghiệp.
Cách đây vài năm, việc giao nhận xe mới ở nhiều hãng bị giới hạn chỉ giao tại đại lý vì nhiều nguyên nhân, trong đó có cả việc ai sẽ chịu trách nhiệm cho chiếc xe trên đường đi giao. Nhưng đến nay chuyện hỗ trợ khách ký hợp đồng tận nơi, giao xe tận nhà đã được coi là chuyện nghiễm nhiên.
Đối với xe cũ, việc bán trên mạng, hỗ trợ khách ký hợp đồng mua bán, nhận cọc từ xa đã là việc bình thường. Anh Thắng, một chủ showroom xe cũ cho biết: "Việc hẹn khách qua showroom để tư vấn cho khách thêm nhiều lựa chọn và có thêm tin tưởng với cơ sở của mình. Việc rao bán xe qua Facebook, quay clip lên Youtube thì phải được thực hiện hằng ngày". Cũng nhờ vậy mà anh có khá nhiều khách hàng không ở Hà Nội. Anh cũng thường xuyên tự lái xe đi giao cho khách hàng ở các tỉnh lân cận. Mỗi lần giao xe anh thường đi cùng một nhân viên nữa để có thể tiện đi mua xe cũ ngay tại địa phương.
Dù triển khai hoạt động bán trực tuyến trước hay sau, dịch vụ này vẫn là một giải pháp tốt cho cả khách hàng và hãng xe, đại lý. Khách hàng không cần di chuyển nhiều trong khi đại lý vẫn tiếp cận được khách hàng.