Năm 2022, anh Vương tại Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc, vào một showroom xe điện trên địa bàn để mua một chiếc xe mới, phục vụ cho việc đi làm. Trong nhiều mẫu xe, người đàn ông này ấn tượng với loại xe năng lượng mới, có cung cấp dịch vụ đặt xe trực tuyến. Theo lời nhân viên tư vấn, với chiếc xe này, anh Vương vừa có thể đi làm, vừa có thể sử dụng nó khi có thời gian rảnh rỗi để kiếm thêm thu nhập.
Hơn nữa, chiếc xe này đang được bán với giá khuyến mại, từ 138.000 NDT (hơn 481 triệu đồng) giảm còn 115.000 NDT (hơn 401 triệu đồng). Khi mua, anh Vương được hưởng những thêm những ưu đãi như phim cách nhiệt, bảo hiểm trong năm đầu sử dụng, 3 năm bảo dưỡng xe miễn phí,… Nghe vậy, anh Vương không chút do dự mà đồng ý mua ngay.
Trong 2 tháng đầu sử dụng, anh Vương rất hài lòng với chiếc xe và cho rằng đây là một lựa chọn sáng suốt. Tuy nhiên đến tháng thứ 3, những vấn đề mới bất ngờ nảy sinh. Người đàn ông này cho biết vào một hôm nọ, khi anh sạc điện cho xe thì màn hình báo xe không sạc được.
Lúc đầu, anh Vương cho rằng bộ sạc có vấn đề nên đã lái xe đến trung tâm dịch vụ sau bán hàng của showroom kia để kiểm tra. Nhân viên ở đây cho biết bộ sạc của xe vẫn bình thường. Nguyên nhân khiến xe của anh Vương không sạc được là do hệ thống pin xe của anh đã bị nhà sản xuất khóa từ xa. Tại Trung Quốc, công nghệ khóa cổng sạc từ xa và ngăn chặn việc sạc pin đã trở nên phổ biến. Theo đó, các nhà sản xuất có thể khóa pin xe điện thông qua thao tác từ xa trong những trường hợp nhất định với mục đích chính là để đảm bảo an toàn cho xe.
![Người đàn ông chi hơn 401 triệu đồng mua xe điện, mới chạy được 3 tháng pin xe đã bị khoá, showroom tuyên bố: Người đàn ông chi hơn 401 triệu đồng mua xe điện, mới chạy được 3 tháng pin xe đã bị khoá, showroom tuyên bố:](https://autopro8.mediacdn.vn/134505113543774208/2025/2/12/qew-1739270165513-1739270165989810107366-1739343259544-17393432597842138766738.jpg)
Ảnh: Sohu
Biết được lý do, anh Vương rất hoang mang. Người đàn ông này cho biết anh không hiểu tại sao mình đã mua xe và hoàn tất việc thanh toán nhưng vẫn bị nhà sản xuất khóa xe. Ngay sau đó, anh Vương đã liên hệ với bên showroom xe để làm rõ vấn đề.
Sau khi nghe câu hỏi của anh Vương, bên kia giải thích rằng anh Vương mới chỉ mua xe chứ chưa mua pin nên mới bị nhà sản xuất khóa xe. Anh phải ký hợp đồng thuê pin với giá 9.600 NDT (hơn 33 triệu đồng) mỗi năm nếu muốn tiếp tục sử dụng.
Nghe đến đây, anh Vương vô cùng choáng váng. Trên thực tế có nhiều loại xe điện cung cấp tùy chọn thuê pin. Tuy nhiên, anh Vương cho biết xe của anh không nằm trong nhóm này bởi khi mua xe, nhân viên bán hàng đã khẳng định số tiền 115.000 NDT mà anh phải trả là giá đã bao gồm cả pin xe. Thậm chí để không xảy ra sai sót, anh Vương đã yêu cầu nhân viên của showroom viết giấy cam kết về điều đó.
Để tìm lại công bằng cho bản thân, anh Vương đã mang theo hợp đồng và tờ giấy cam kết trên đến trực tiếp showroom xe để khẳng định rõ quyền sở hữu của mình với pin xe và chiếc xe điện vừa mua. Tuy nhiên, khi anh Vương đưa những giấy tờ trên cho anh Trương, chủ showroom xe, thì được thông báo:
“Pin xe được cho thuê nhưng vì sai sót nên điều này không được đề cập đến trong hợp đồng. Còn về tờ giấy cam kết này, nó chỉ là bản thỏa thuận giữa anh và nhân viên bán hàng. Điều đó có nghĩa là nó không có hiệu lực pháp lý”.
Anh Vương cho rằng trong vụ việc này showroom phải chịu trách nhiệm khi không thực hiện nghĩa vụ cung cấp đầy đủ thông tin của sản phẩm tới khách hàng, khiến người mua hiểu lầm khi mua xe. Tuy nhiên phía showroom không chịu thừa nhận trách nhiệm mà còn tuyên bố rằng anh Vương phải đóng tiền thuê pin thì mới có thể tiếp tục sử dụng xe. Vì cả hai bên không tìm được tiếng nói chung nên anh Vương đã trình báo sự việc cho cảnh sát địa phương.
Cảnh sát sau khi tìm hiểu kỹ vụ việc cho biết: Trước hết, về quyền sở hữu xe, theo quy định của Bộ luật Dân sự Trung Quốc, quyền sở hữu xe được chuyển giao sau khi người mua thanh toán đủ tiền mua xe. Trong trường hợp này, ông Vương đã trả toàn bộ tiền mua xe, đồng nghĩa với việc có được quyền sở hữu xe, và có toàn quyền kiểm soát xe.
Thứ hai, về quyền sở hữu đối với pin xe, theo quy định của Bộ luật Dân sự Trung Quốc, quyền sở hữu đối tượng phải được quy định rõ trong hợp đồng. Trong trường hợp này, mặc dù đơn vị bán hàng tuyên bố rằng với loại xe này, pin được cho thuê nhưng trong hợp đồng mua xe không đề cập đến điều này. Do đó, ông Vương được hưởng quyền sở hữu pin xe như các dòng xe thông thường.
Cảnh sát cũng cho biết trong vụ việc này, nếu anh Vương khởi kiện showroom trên thì khả năng thắng kiện rất cao. Cuối cùng, dưới sự hòa giải của cảnh sát, hai bên đã đạt được thỏa thuận: Showroom xe đồng ý liên hệ với nhà sản xuất mở khóa hệ thống pin xe cho anh Vương và người đàn ông này cũng sẽ không khởi kiện đơn vị này ra tòa. Trong vụ việc này, cảnh sát cũng khuyên đơn vị bán xe nên rút ra bài học và chịu trách nhiệm về những sai lầm của mình. Sự việc kết thúc tại đây.
(Theo Sohu)