Trong thời gian gần đây, Mitsubishi liên tục xuất hiện trên các mặt báo quốc tế do liên quan tới thỏa thuận sáp nhập tiềm năng giữa Nissan và Honda. Dù tỏ ra không quá mặn mà với việc sáp nhập, nhưng với tình hình tài chính mới nhất có thể khiến Mitsubishi phải cân nhắc lại.
Đầu tháng 2, Mitsubishi công bố dự báo tài chính cho năm tài khóa 2024 (kết thúc vào tháng 3). Hãng dự kiến doanh thu ròng chỉ đạt 35 tỷ yên, giảm tới 76% so với mức 144 tỷ yên công bố hồi tháng 5/2023.
Theo Nikkei Asia, nguyên nhân chính khiến Mitsubishi điều chỉnh dự báo là do doanh số tại một số thị trường suy giảm, chi phí tiếp thị tại Bắc Mỹ tăng cao và giá linh kiện leo thang do lạm phát. Hãng cũng hạ mục tiêu doanh số toàn cầu từ 895.000 xuống 848.000 xe, dù con số này vẫn cao hơn mức 815.000 xe của năm 2023.
Ngay cả tại Đông Nam Á, thị trường chủ lực của Mitsubishi cũng dự đoán là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Dù tại Việt Nam, Mitsubishi đạt doanh số kỷ lục hơn 41.000 xe trong năm 2024, lần đầu tiên có hai mẫu xe dẫn đầu phân khúc. Tuy nhiên, sự sụt giảm của thị trường Thái Lan và Indonesia kéo theo đà giảm chung của hãng tại khu vực.
CEO Takao Kato cho biết: "Trước đây, doanh số tại Thái Lan lên tới một triệu xe mỗi năm, nhưng thị trường này chưa phục hồi sau COVID-19, thậm chí còn giảm sâu hơn do nợ hộ gia đình cao". Tình trạng tỷ giá hối đoái bất lợi và nợ hộ gia đình gia tăng tiếp tục gây sức ép lên lợi nhuận Mitsubishi. Hãng đã buộc phải tái cấu trúc hoạt động tại Thái Lan, đồng thời cắt giảm 300 nhân sự.
Dù gặp khó khăn tài chính, Mitsubishi vẫn có thể kỳ vọng vào thỏa thuận sáp nhập Nissan - Honda, bởi liên minh Renault - Nissan - Mitsubishi đang dần suy yếu. Mitsubishi hiện vẫn có lợi thế tại châu Á - Thái Bình Dương, do sở hữu công nghệ hybrid sạc điện (PHEV) cùng dải sản phẩm SUV - bán tải vững mạnh. Hãng cần một đối tác có thể hỗ trợ mở rộng tại Bắc Mỹ và cùng phát triển công nghệ tương lai.