Chưa bao giờ, phân khúc sedan hạng B lại sôi động và thu hút sự quan tâm của người dùng như thời điểm này. Thống kê từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam VAMA cho thấy, năm 2020 vừa qua, bất chấp dịch Covid-19 hoành hành, phân khúc xe hạng B vẫn tăng trưởng và lấy thị phần của xe hạng C.
Nissan Almera 2021 |
Mới đây, Nissan Việt Nam đã tung ra quân bài chiến lược Nissan Almera hoàn toàn mới với hàng loạt tính năng lần đầu có trong phân khúc. Đặc biệt, trái tim của xe là khối động cơ tăng áp 1.0L, tức là dung tích chỉ bằng khoảng 2/3 so với các đối thủ dẫn đầu như Toyota Vios, Honda City hay Hyundai Accent…
Cả 3 đối thủ đều dùng động cơ hút khí tự nhiên với 4 xi lanh, trong khi Almera dùng động cơ tăng áp, 3 xi lanh.
Một số người e ngại, động cơ của Almera có thể yếu hơn đối thủ. Quả thật nếu so về công suất, con số của Almera khiêm tốn hơn. Động cơ tăng áp 1.0L của Almera cho công suất cực đại 100 mã lực tại 5.000 vòng/phút và momen xoắn cực đại 152- 160 Nm tại vòng tua 2.400-4.000 vòng/phút.
Trong khi đó, Toyota Vios dùng động cơ 1.5L, công suất cực đại 107 mã lực tại 6.000 vòng/phút, mô men xoắn cực đại 140 Nm tại 4.200 vòng/phút. Honda City cũng dùng động cơ 1.5L, công suất lên tới 119 mã lực tại 6.600 vòng/phút, mô men xoắn 145 Nm tại 4.300 vòng/phút
Riêng Hyundai Accent dùng động cơ 1.4L cho công suất tối đa 100 mã lực tại 6.000 vòng/phút và mô-men xoắn cực đại 132 Nm tại 4.000 vòng/phút.
Như vậy công suất cực đại của Almera tương đương Accent và thấp hơn Vios, City từ 7-19 mã lực; trong khi mô men xoắn cao nhất.
Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý, các con số trên chỉ là công suất cực đại, đạt được ở vòng tua máy cao, tức là máy làm việc hết công suất, tốn nhiên liệu, không phải là điều kiện vận hành bình thường.
Xét về mặt này, tuy City và Vios có công suất cao hơn nhưng đạt được ở vòng tua máy lớn hơn Almera. Giả sử các điều kiện khác như nhau, khi công suất cực đại càng đạt sớm ở vòng tua máy thấp thì máy sẽ ‘bốc’ hơn (đạp ga xe phản ứng nhanh hơn), bền hơn và cũng tiết kiệm nhiên liệu hơn.
Vì thế nếu so ở vòng tua máy 5.000 vòng/phút, chắc chắn chênh lệch về công suất giữa Almera với Vios và City không cao như trên, còn so với Accent thì rõ ràng mạnh hơn.
Tuy vậy, điểm quan trọng hơn là mô men xoắn thì Almera lại vô đối. Không chỉ cao hơn các đối thủ từ 7-28 Nm mà mô men xoắn cực đại của xe đạt được ở vòng tua máy cực thấp, chỉ từ 2.400 vòng/phút và kéo dài tới 4.000 vòng/phút. Về lý thuyết, khả năng bứt phá và đặc biệt là sức mạnh của Almera ở tốc độ thấp sẽ vượt trội cả 3 đối thủ chính nêu trên.
Đặc biệt, theo công bố của Nissan, tiêu thụ nhiên liệu khi vận hành trên đường trường ở mức 4,2L/100km đối với bản Almera MT, 4,4L/100 km đối với bản Almera CVT cao cấp.
Công bằng mà nói, các thế mạnh của động cơ Almera cũng chính là đặc điểm của động cơ tăng áp. Điểm mà một số người có thể chưa thích là động cơ này có 3 xi lanh.
Thực tế trên thị trường Việt Nam, Ford Fiesta là mẫu xe đầu tiên được trang bị động cơ tăng áp 1.0L EcoBoost nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau, mẫu xe này chưa thực sự thành công về mặt doanh số. Trong khi đó, người tiền nhiệm với tên gọi truyền thống Nissan Sunny dùng động cơ 1.5L cũng loay hoay tìm chỗ đứng tại Việt Nam.
Về phần mình, nissan Almera vừa được giới thiệu tại Việt Nam với 3 phiên bản, giá niêm yết từ 469 - 570 triệu đồng. Xe có thiết kế lột xác so với thế hệ Sunny.
Ngoài những tính năng an toàn cơ bản như ABS, EBD, BA, cân bằng điện tử, hỗ trợ khởi hành ngang dốc, camera lùi, hệ thống kiểm soát lực kéo, 6 túi khí... Nissan Almera thế hệ mới còn có thêm một số tính năng như camera 360 độ, chức năng phát hiện vật thể di chuyển, cảnh báo điểm mù và cảnh báo phương tiện cắt ngang phía sau. Nhóm công nghệ an cao cấp này không có ở bất cứ mẫu sedan hạng B nào khác trên thị trường.
Hy vọng với những cải tiến mạnh mẽ về thiết kế, trang bị, tiện nghi, an toàn và khả năng vận hành, tiết kiệm nhiên liệu, Nissan Almera sẽ là một lựa chọn giá trị trong phân khúc và hứa hẹn là một trong những mẫu xe Nissan bán chạy nhất tại Việt Nam trong tương lai gần.