Anh Trương Hoàng Hải (34 tuổi) đang sở hữu một chiếc Mitsubishi Outlander 2.0 Premium 2020. Anh Hải là CEO của một công ty về giáo dục, mua chiếc xe này để sử dụng hàng ngày đi làm và đưa đón vợ con đi xa vào mỗi cuối tuần.
Đến nay, anh Hải đã có 7 tháng trải nghiệm chiếc xe. Quãng thời gian này đủ để anh hiểu về những ưu và nhược điểm của xe, cũng như đưa ra những đánh giá từ góc nhìn của một người làm văn phòng về chiếc Outlander.
Mình mua chiếc Mitsubishi Outlander này được hơn 6 tháng, gần 7 tháng rồi. Hiện tại đã chạy được 7.000 km. Đây là chiếc xe thứ hai của mình. Trước đó mình sử dụng một chiếc Ford Focus đời trước được 6 năm.
Thật ra mình vẫn thích chiếc Focus lắm nhưng chiếc xe này có nhược điểm là chật, không phù hợp với gia đình. Đến khi gia đình mình có em bé, mình thấy cần một chiếc xe rộng rãi hơn để thỉnh thoảng đi về quê, thoải mái cho mọi người ngồi và đặc biệt có thêm chỗ chứa đồ. Do đó, mình đã quyết định đổi từ chiếc Focus lên chiếc Outlander này.
Đúng là trước khi đổi xe mình có băn khoăn một vài chiếc, không chỉ Honda CR-V, Mazda CX-5 mà còn đặc biệt quan tâm cả Peugeot 3008 và Subaru Forester.
Mình đã trải nghiệm thử cả chiếc 3008 và Forester. Mình từng có quãng thời gian sinh sống tại Pháp nên khá thích chiếc 3008 - một chiếc xe Pháp, đặc biệt là kiểu dáng chiếc xe này. Tuy nhiên, theo mình tìm hiểu thì hệ thống treo sau của xe không tốt lắm, khoang cabin xe thì chật và xe còn có vấn đề liên quan thước lái. Đến chiếc Forester thì mình thấy điểm hay là hệ dẫn động 4 bánh của chiếc xe này. Đến khi hai vợ chồng mình xem xe thực tế thì cả hai đều lắc đầu vì thiết kế ngoại thất chiếc xe này lỗi mốt quá, không vừa mắt.
Về phần CX-5 thì mình thấy nó quá bóng bẩy, mà mình lại không thích cái gì bóng bẩy quá. Mình có tìm hiểu và thấy chất lượng nội thất dòng xe này cũng chưa thực sự ổn. Đến CR-V thì mình nhận định đây là một chiếc xe hay. Thế nhưng, điểm trừ của CR-V là ồn - đặc sản của xe Honda. Một lý do nữa khiến mình không lấy CR-V là giá xe đắt. Dù xe có nhiều trang bị thật nhưng giá cao quá, so với Outlander mình lấy thì chênh phải hơn 200 triệu đồng, tức là khoảng 20%. Mình thấy mức chênh này là không đáng để đánh đổi.
Sau khi tổng hòa, cộng trừ lại các yếu tố thì mình đánh giá Outlander là chiếc xe phù hợp nhất. Với mình 5 chỗ cũng được, 7 chỗ cũng được, không quá quan trọng, nhưng dù sao đến khi sử dụng thấy 7 chỗ vẫn tốt hơn. Giá chiếc Outlander ổn, vừa túi tiền, mà trang bị với mình như thế là đầy đủ.
Anh em chạy xe có nhắc đến khái niệm là "giá trị cốt lõi". Giá trị cốt lõi của Outlander thứ nhất ở đây là tiết kiệm nhiên liệu. Máy 2.0L mà lại hộp số CVT nữa nên chiếc xe này rất tiết kiệm.
Giá trị thứ hai là điều hòa. Từ trước đến giờ, khi còn dùng chiếc Focus và đã trải nghiệm qua nhiều xe của bạn bè, mình chưa thấy có chiếc xe nào có điều hòa mát như Outlander. Có những hôm trời bên ngoài nóng đến 40 độ C mà điều hòa mình chỉ để ở mức 27 độ C là đã thấy mát lắm rồi. Cũng phải thôi, vì Mitsubishi họ có nền công nghiệp sản xuất điều hòa rất mạnh.
Giá trị thứ 3 là sự rộng rãi.
Điểm thứ 4 là cách âm tốt.
Cuối cùng là chi phí sử dụng, bảo dưỡng rẻ. Mình đang sử dụng xe phổ thông chứ không phải xe sang nên những giá trị như vậy trên chiếc Outlander là rất hợp lý.
Có những hôm mình đưa anh chị em công ty đi ăn trưa, đã ngồi đầy đủ cả 7 người lớn trên xe, thì thấy rất rộng rãi. Mình đã từng thử ngồi sau các xe như CR-V, 5008 trước khi mua chiếc Outlander này thì đánh giá hàng ghế sau của Outlander rộng hơn khá nhiều. Cảm giác ngồi sau Outlander thậm chí còn dễ chịu hơn khi ngồi trên Everest - một mẫu xe có kích thước lớn hơn hẳn.
Một điểm cộng nữa của chiếc xe khi chở đông người là điều hòa tương đối mát cho dù ngồi kín người bên trong. Đến bản mới này của Outlander, mình đánh giá cao việc bổ sung cửa gió điều hòa hàng ghế thứ hai. Với khả năng làm mát nhanh thế này thì không cần đến cửa gió hàng cuối cũng đủ làm mát toàn khoang cabin rồi.
Ngoài rộng rãi thì chiếc xe này còn tiết kiệm nhiên liệu nữa. Mình thì hàng ngày di chuyển trong nội đô để đi làm, thỉnh thoảng có đi tỉnh. Khi đi tỉnh thì nhiên liệu tiêu thụ của xe khoảng 7 lít/100 km. Nhiên liệu tiêu thụ trong nội đô Hà Nội khi mình đi làm là khoảng 10-12 lít/100 km.
Phải nhấn mạnh thêm rằng mình thường xuyên đi vào giờ cao điểm, tắc đường, thì con số như vậy là hoàn toàn chấp nhận được với một chiếc xe 7 chỗ với khối lượng khoảng 1,7 tấn. Thêm nữa, mình là người đi chân ga rất thoải mái chứ không phải rón rén. Có một số anh em chạy được 5-6 lít/100 km, mình đánh giá con số đó đúng thôi, nhưng chạy khổ như vậy chỉ để tiết kiệm chút xăng thì mình thấy không cần thiết. Bản thân chiếc xe này đã tiết kiệm rồi.
Chi phí sử dụng xe thì chủ yếu nằm ở bảo dưỡng định kỳ. Chi phí bảo dưỡng mình thấy là rẻ. Chiếc xe đến này chưa có hỏng hóc phát sinh nào cảm, một phần cũng vì xe còn mới, mà phần nữa là dòng xe này thực sự bền.
Thực ra trước khi mua Outlander, mình có xem thông số kỹ thuật trên giấy tờ thì thấy có chút thất vọng. Lý do là bởi trước đây mình dùng chiếc Focus là chiếc hatchback 5 chỗ thì động cơ khá mạnh, chạy rất bốc, mà lại chuyển sang một chiếc xe 7 chỗ có thông số nhìn qua có vẻ yếu như vậy thì sợ là không đủ dùng.
Đến khi trải nghiệm thực tế thì thấy máy Outlander yếu hơn thật. Khi mình đi tham khảo ý kiến của anh em thì được dặn lại là hộp số CVT thì phải nhấp nhả chân đúng cách mới tối ưu được. Mình đã làm và thấy đúng là có ổn hơn. Thêm nữa, Outlander có lẫy số sau vô-lăng nên những lúc cần mạnh thì mình cưỡng bức xe xuống số thấp là được. Mình thấy để đi 7 người với động cơ này là vừa phải với những ai đi kiểu điềm đạm. Ai thích đạp ga dính lưng thì chắc chắn Outlander không chiều được. Mình cũng đã từng đi đường đèo với cả gia đình rồi và thấy không có vấn đề gì với động cơ 2.0L này cả.
Chuyến đi xa nhất của mình là Hà Nội - Thanh Hóa với tổng quãng đường khoảng 500 km trong ngày. Quãng đường từ Hà Nội tới Thanh Hóa là tầm 300 km, và thêm 200 km mình chạy loanh quanh tỉnh nữa. Đến tối muộn khoảng 11 giờ mình về đến nhà và cảm thấy không mệt lắm. Nói không mệt thì không phải, nhưng với chuyến đi 500 km liên tục như vậy thì mình cảm thấy hoàn toàn ổn.
Về vận hành của chiếc xe thì mình thấy nó rất bền bỉ. Sau cả chuyến đi 500 km gần như chạy liên tục không ngừng, có việc vội nên nhiều lúc mình đạp ga gắt kiểu cưỡng bức, có cả những đoạn đường đèo mà mình phải liên tục ga lớn, mà xe vẫn hoạt động ổn định trong suốt quãng đường ấy. Với mình, bền bỉ là một trong những yếu tố quan trọng khi mình chọn xe.
Trong những chuyến đi xa mình nhận ra một ưu điểm nữa của Outlander là cốp xe rất rộng. Mình có con nhỏ. Trong lúc nghỉ ngơi giữa đường, mình và con có thể ngồi trong cốp xe chơi với nhau thoải mái.
Trong tương lai, mình vẫn ấp ủ một chuyến xuyên Việt với Outlander. Do ảnh hưởng của dịch nên kế hoạch này của mình vẫn chưa thực hiện được. Khi còn dùng Focus, mình đã từng một lần chạy xuyên Việt rồi.
Hiện nay trong phân khúc SUV khoảng 1 tỷ đồng, nhiều hãng xe chạy đua trang bị an toàn với các tính năng hỗ trợ người lái tiên tiến như hỗ trợ giữ làn đường, ga tự động thích ứng… Tuy nhiên, Outlander chỉ có tính năng là cảnh báo điểm mù và báo phương tiện cắt ngang phía sau. Là người có đủ trải nghiệm từ trong phố ra đến đường trường, đường đèo, anh thấy những công nghệ hiện đại đó có cần có trên Outlander không?
Hai tính năng an toàn nâng cao mà mình cần nhất ấy là cảnh báo điểm mù trên gương và báo phương tiện cắt ngang phía sau khi lùi thì đều có trên chiếc Outlander này rồi. Hai tính năng ấy với mình là tương đối đủ rồi.
Nói về tính năng giữ làn đường hay hỗ trợ phanh tự động thì mình thấy nó không hiệu quả tại Việt Nam. Ở cao tốc, mình thấy nhiều khi anh em chạy cũng hơi ghê, nên nếu có các tính năng hỗ trợ trên thì mình cũng tắt đi và muốn tự mình kiểm soát chiếc xe, có chăng thỉnh thoảng bật lên thử trải nghiệm cho vui thôi. Đặc biệt là với những người đi nhiều trong phố thì những tính năng giữ làn hay hỗ trợ phanh không có tác dụng gì cả.
Khi ra đường cao tốc thì mình hay dùng nhất là Cruise Control. Có một tính năng an toàn mà mình rất mong muốn có trên Outlander là giới hạn vận tốc (LIM). Tính năng này thường đi kèm Cruise Control nhưng trên chiếc xe này không có.
Chạy Outlander thì mình phải chấp nhận nội thất nhìn chưa bắt mắt cho lắm, nói xấu thì không phải mà có lẽ chính xác hơn là trông hơi cổ điển. Rồi thì nhìn nhiều cũng quen. Bản thân mình cũng không phải là người thích sự bóng bẩy. Thôi thì mình đánh đổi cái nét cổ ấy lấy lại chất lượng nội thất tốt là được.
Trong quá trình sử dụng thì mình cũng thấy phát sinh một vài điểm khác tạo cảm giác chưa thoải mái lắm. Thứ nhất là phần đỡ tay ở táp-pi cửa và bệ đỡ "yên ngựa" ở giữa hơi thấp. Mình mong muốn nó cao hơn một chút để đi đường dài có chỗ kê tay đỡ mỏi hơn. Điểm thứ hai mình chưa ứng ý là cổng cắm USB kết nối Apple CarPlay đặt ở ngay trên màn hình, khi cắm điện thoại vào sẽ lộ dây ra trông thiếu thẩm mỹ. Chi tiết này thì mình đã khắc phục bằng cách chuyển cổng USB xuống dưới và dùng chiếc dây xoắn để nhìn gọn gàng hơn.
Từng là dân kỹ thuật, mình đánh giá chất lượng hoàn thiện nội thất và linh kiện của Outlander ở mức tốt. Mình có thể khẳng định chất lượng linh kiện nội thất của Outlander chắc chắn không kém gì xe Mỹ cả vì mình cũng từng sử dụng chiếc xe Ford rồi. Nhìn chung, các linh kiện này tốt hơn mặt bằng chung trên thị trường. Mình không so với xe Đức vì dòng xe đó ở đẳng cấp khác rồi. Hơn nữa, mình cũng được biết là chất lượng linh kiện, phụ tùng của Outlander lắp ráp tương đương với trên xe nhập từ Nhật.
Đổi lại, linh kiện tốt thì khi thay thế cũng phải chấp nhận mức giá cũng cao hơn. Mình nhận thấy giá linh kiện của Outlander cũng cao như linh kiện của xe Ford. Tuy nhiên, chi phí bảo dưỡng Outlander lại thấp hơn đáng kể so với chi phí bảo dưỡng chiếc Focus trước đây, mà theo mình ước tính là chỉ bằng khoảng 60%. Đó là khoản chi phí hợp lý.
Nói chung, Outlander nó đúng với các tiêu chí của một chiếc xe Nhật là bền bỉ, tiết kiệm và chi phí sử dụng thấp. Ngoài những nhược điểm nho nhỏ mà mình vừa kể thì mình hoàn toàn hài lòng với sự lựa chọn này, và cho dù có chọn lại thì mình vẫn sẽ lấy Outlander thôi.
Cảm ơn anh đã chia sẻ.