Trong tầm giá khoảng 1 tỷ đồng, VinFast Lux A2.0 đang là mẫu sedan có doanh số ấn tượng nhất. Trong năm 2021, có đến 5.729 chiếc Lux A2.0 bán ra thị trường. Trong khi đó, một mẫu sedan hàng "hot" khác trong tầm giá 1 tỷ đồng là Toyota Camry có doanh số chỉ 3.584 xe.
Trong số những người mua Lux A2.0 có những người mua xe lần đầu, có người đổi từ phân khúc thấp lên và thậm chí có người đổi từ... xe sang để sử dụng mẫu xe Việt này. Anh Nguyễn Văn Linh (Hà Nội) là một người như vậy.
Dưới đây là chia sẻ của anh Linh về lý do đổi từ chiếc Mercedes-Benz C 200 đời 2020 sang một chiếc VinFast Lux A2.0 bản "full option".
Hành trình đổi qua 3 chiếc xe trong 3 năm
Trước đây, tôi có sở hữu chiếc Hyundai Elantra Sport 2018. Đây là chiếc xe đầu tiên của tôi và tôi dành nhiều thời gian để nghiên cứu, đã chạy thử qua nhiều dòng xe khác nhau mới đi đến quyết định lấy chiếc xe này. Chiếc xe này gắn bó với tôi trong khoảng thời gian 2 năm, cũng có nhiều kỷ niệm và một mẫu xe như Hyundai Elantra Sport cũng khá thú vị với một người trẻ tuổi như tôi. Xe cho cảm giác lái thể thao, tiện nghi cũng khá dồi dào nhưng tôi có nhu cầu lên đời một chiếc sedan lớn hơn nên đã chia tay mẫu xe này.
Đầu năm 2020, tôi quyết định chuyển sang một dòng xe sang khá phổ biến ở Việt Nam là Mercedes-Benz C-Class. Hồi đó, tôi thấy trong tầm giá khoảng 1,5 tỷ đồng để lên đời một chiếc sedan lớn hơn, lại thoả mãn cảm xúc của một người trẻ thì C 200 là lựa chọn đáng lưu tâm hơn cả. Cả 2 chiếc Hyundai và Mercedes này đều mua mới hoàn toàn.
Sau khoảng 1 năm sử dụng, đầu năm 2021, tôi lại chuyển sang mua VinFast Lux A2.0. Có lẽ đây là lần đổi xe gây nhiều tranh cãi nhất của tôi. Nhiều người cho rằng quyết định này “buồn cười”, tuy nhiên chỉ có người đã lái cả 2 dòng xe này mới hiểu lý do.
Lý do đổi từ xe Đức sang xe VinFast
Trước khi có quyết định này, tôi đã chạy thử VinFast Lux A2.0 và cảm thấy chiếc xe này đầm chắc hơn hẳn. Theo tôi tìm hiểu, VinFast Lux A2.0 được phát triển dựa trên khung gầm BMW 5-Series, động cơ sử dụng chung và dẫn động cầu sau nên khi lái cảm nhận rõ được sự khác biệt so với chiếc Mercedes-Benz C 200 của tôi. Sự khác biệt về độ chắc chắn của khung gầm khi cầm lái theo tôi là điều hiển nhiên, khi Lux A2.0 dùng khung gầm 5-Series là ngang cỡ E-Class, hơn C-Class một bậc.
Một lý do nữa khiến tôi quyết định đổi từ C 200 sang Lux A2.0 là bởi không gian bên trong. Tôi vốn thích sedan rộng nên mới quyết định đổi chiếc Elantra lên trên một phân khúc. Sau đó, khi ngồi lên Lux A2.0, tôi thấy không gian C 200 chưa là gì cả. Bên trong chiếc Lux A2.0 này ngồi rất thoải mái. Điều này cũng dễ hiểu khi C 200 là phân khúc D còn Lux A2.0 là phân khúc E.
Ngoài ra, chi phí bảo dưỡng Mercedes-Benz C 200 cũng khiến tôi “đau đầu”. Thời điểm năm 2020, tôi đang kinh doanh nhà hàng khó khăn do ảnh hưởng có dịch bệnh nên phải cân nhắc lại các chi phí, trong đó việc bảo dưỡng cao khiến tôi phải đổi xe. Mỗi lần bảo dưỡng nho nhỏ cũng mất vài triệu đồng, rồi đến kỳ bảo dưỡng cấp lớn thì theo tôi biết, con số lên đến hàng chục.
Trong khi đó, theo tôi tìm hiểu trước khi mua, chi phí bảo dưỡng VinFast Lux A2.0 tôi cảm thấy phù hợp hơn, chỉ ngang xe Hyundai Elantra hồi trước sử dụng, mà xe Hàn thì nổi tiếng với chi phí bảo dưỡng rẻ nhất trên thị trường rồi. Đến khi sử dụng, tôi càng thấy điều đó đúng. Mỗi lần thay dầu Lux A2.0 chỉ mất hơn 1 triệu đồng, trong khi đó C 200 là hơn 4 triệu đồng - sự chênh lệch rất đáng để suy nghĩ.
Đánh giá ưu, nhược điểm VinFast Lux A2.0 sau một thời gian sử dụng
Sau một thời gian sử dụng, tôi thấy về vận hành thì chiếc Lux A2.0 này hơn hẳn chiếc C 200. Hệ thống khung gầm đầm chắc hơn, động cơ bốc hơn. Ở bên trong, tuy thiết kế các chi tiết chưa sang bằng xe "Mẹc" nhưng Lux A2.0 có tiện nghi đủ dùng cùng không gian ngồi rộng rãi, ghế ngồi êm ái. Sử dụng chiếc Lux A2.0 này, tôi có cảm giác như mình đang dùng xe Đức thực sự vậy.
Tuy nhiên, chiếc xe cũng có một số nhược điểm, trong đó điểm dễ nhận ra nhất khi mới ngồi vào xe là độ hoàn thiện nội thất chưa được tốt. Đây cũng là điểm yếu mà người dùng không ưa VinFast thường xuyên vin vào đó để chê. Cụ thể, bên trong khoang nội thất của xe, tôi dễ dàng nhìn thấy những khớp nối chưa được khít hoàn toàn, các chi tiết có độ hoàn thiện chưa cao lắm như nút bấm trên vô-lăng chẳng hạn.
Bên cạnh đó, sau thời gian sử dụng tôi cũng thấy xe có một số nhược điểm khác như khi chạy tốc độ cao, nắp ca-pô xe chưa khít nên có tiếng “huýt sáo” nho nhỏ, màn hình camera thỉnh thoảng bị tối đen, sau đó vào lại số thì hết (tôi đoán có thể là do lỗi phần mềm). Về cơ bản thì những điểm này với những ai không quá khó tính thì không cảm thấy phiền lắm.
Còn nhớ, một lần tôi có xem YouTube có một video về chiếc Mercedes-Benz E 300 đời cũ khi ấn thử nhiều chỗ khu vực nhựa của xe này cũng khá ọp ẹp và không được chắc chắn lắm. Cũng có thể của bền tại người, chủ chiếc Mercedes đó không giữ gìn xe cẩn thận, nhưng qua cũng thấy được rằng không phải cứ xe Đức là hoàn hảo và có lẽ mọi người đang quá khắt khe khi đánh giá chất lượng hoàn thiện của Lux A2.0. Hiện nay, có rất nhiều thương hiệu nổi tiếng bền bỉ như Toyota cũng thường xuyên phải triệu hồi xe do lỗi trong quá trình sản xuất nên những vấn đề trên với tôi cũng chẳng đáng bận tâm quá nhiều.
Với một chiếc xe hạng E, nhưng giá bán ngang, thậm chí rẻ hơn xe hạng D như Toyota Camry ở Việt Nam mà người dùng vẫn chưa hài lòng về những chi tiết nhỏ như vậy, tôi nghĩ đó cũng là một sự bất công.
Nói tóm lại, khi mua một chiếc xe, tôi quan trọng nhất khung gầm và động cơ thì Lux A2.0 là một chiếc xe đáp ứng rất tốt. Khung gầm mang đến sự đầm chắc, an toàn khi chạy tốc độ cao, động cơ mạnh mẽ với khả năng tăng tốc tốt là những gì mà Lux A2.0 mang lại. Một số nhược điểm mà tôi đề cập phía trên nếu được cải thiện thì Lux A2.0 sẽ khó có điểm gì chê. Tất nhiên với một mẫu xe hoàn toàn mới lần đầu bán ra thị trường thì những sai sót nhỏ là khó có thể tránh khỏi.
Hiện tại, tôi cảm thấy hài lòng với VinFast Lux A2.0 và trong thời gian tới có kế hoạch mua thêm xe điện VinFast VF 8. Tôi đã đặt hàng và chờ giao xe thôi.
Một số hình ảnh VinFast Lux A2.0 của anh Linh: