Giờ này của năm ngoái, Subaru Forester vẫn còn là cái tên quá xa lạ. Đến nỗi, nhiều người vẫn còn nghĩ đây là xe Trung Quốc!? Một năm trôi qua với quyết định mang tính bản lề là chuyển từ nhập khẩu Nhật Bản sang nhập khẩu Thái Lan, cái tên tới từ xứ sở mặt trời mọc đã có chỗ đứng vững chãi hơn tại Việt Nam.
Ở phân khúc mà Honda CR-V và Mazda CX-5 đang có sức bán quá mạnh, Subaru Forester khó lòng thắng thế nhưng lần đầu tiên, nó rơi vào cảnh khan hàng, bán chạy được cho là gấp 10 lần năm ngoái. Con số cụ thể không được công bố nhưng thực tế dễ nhận thấy các tư vấn bán hàng và cả hệ thống đại lý còn chưa quen với sức bán mới, tốc độ chốt hợp đồng mới.
Ngần đó quá đủ lý do để tôi nhận lời tham gia chương trình lái thử mà ban đầu, nghe đã thấy cực kỳ vô lý. Hà Nội – Ninh Bình nhưng đi tới 3 ngày? Và lại còn đi qua Mộc Châu? Đang từ một đường thẳng, hãng xe Nhật bẻ cong lịch trình thành tam giác! Từ 70km đường quốc lộ đẹp đẽ chuyển thành 500km núi đèo khúc khuỷu, công trường rải rác. Nguyên nhân nội tại từ chính cái xe. Và cũng bởi, nếu đi đường đẹp thì xe nào chẳng giống nhau?
5 điểm cộng lớn trên Subaru Forester
Tôi khen trước vì đúng là chiếc xe này đáng được khen hơn là chê.
1. Tầm nhìn thông thoáng nhất phân khúc
Tôi không đánh giá cao thiết kế ngoại thất của mẫu xe này và sẽ chê ở phần sau của bài viết. Vì không còn là xe mới nên tôi nhanh chóng bước lên xe để khởi hành. Tuy nhiên, khi bước lên xe, 2 điều đầu tiên dễ tác động trực tiếp tới cảm xúc của người lái là tầm nhìn thoáng và độ rộng rãi.
Nói về tầm nhìn, Subaru Forester bố trí cột A nhỏ nhất có thể, qua đó góp phần mở rộng khu vực kính chắn gió. Tinh tế hơn, gạt mưa còn được lắp ở vị trí ngoài để tránh vướng tầm nhìn. Ngồi ở ghế lái, bạn dễ dàng quan sát hầu hết không gian trước mặt, xung quanh và phía sau nhờ gương chiếu hậu bản lớn.
Nhà sản xuất Nhật Bản còn chăm chút tới cả camera quan sát hông xe bên cạnh camera lùi và camera 360 độ đi kèm với màn hình sắc nét. Ngần đó đủ giúp người lái chỉ cần ngồi một chỗ và hướng mắt về phía trước là đủ kiểm soát được toàn bộ những thứ đang diễn ra xung quanh, triệt tiêu điểm mù nhiều nhất có thể, ghi điểm cộng lớn với những “tài non”. Thậm chí, tới cả cảnh báo điểm mù cũng làm rất lớn cạnh gương thay vì một đèn báo nhỏ tí ti khó phát hiện ra trên nhiều xe hiện nay.
2. Không gian rộng rãi bậc nhất phân khúc
Cùng với tầm nhìn thoáng, sự rộng rãi trong xe là điểm cộng rất lớn trên Subaru Forester. Đây là điểm bám vững chắc của các tư vấn bán hàng khi thuyết phục các gia đình Việt. Khi mà bạn không còn di chuyển đơn độc trên các hành trình mà còn đồng hành với vợ, con hay bạn bè, người thân thì một chiếc xe chở được nhiều người cùng hành lý sẽ luôn là ưu tiên hàng đầu.
Trải nghiệm Subaru Forester trên cung đường 500km trong 3 ngày khiến ai trong đoàn cũng phải mang theo vali cỡ cabin, nhất là thời tiết miền Bắc trở lạnh nhanh khi lên núi, quần áo sẽ đầy lên nhanh chóng vì độ dày. Cùng với đó, giới phóng viên, nhà báo còn phải vác theo đồ đạc, thiết bị media cồng kềnh. Song, đó không phải bài toán khó đối với mẫu SUV Nhật. Sau khi chất đủ ở cốp sau, 4 người vẫn còn đủ không gian để xoay xở trên 2 hàng ghế. Thậm chí, nếu có thêm người thứ 5 ở hàng sau, xe vẫn có thể “cân” được hết. Tất nhiên, điều này không xảy ra vì Subaru muốn đoàn có được sự thoải mái tối đa.
Ngồi ở ghế lái, tài xế có đủ cách để điều chỉnh ghế lái lên, xuống, ngả thoải mái bằng chỉnh điện mà không ảnh hưởng lớn tới người ngồi sau. Ghế da mềm, ôm người giúp cơ thể không mỏi mệt trên hành trình dài. Khoảng trần ở mức “vô tư”. Điều đó cũng tương đồng ở ghế phụ.
Trong khi đó ở hàng sau, mỗi người đều có không gian dư thừa cả chân và khoảng trần để nghỉ ngơi, ngắm cảnh. Thực tế cho thấy, các bạn đồng hành của tôi ngủ trên hầu hết chặng đường mà không lời than vãn.
3. Eye Sight không làm bạn thất vọng
Điểm đáng khen thứ 3 và cũng là đáng khen nhất trên Subaru Forester là Eye Sight - hệ thống được mệnh danh là mắt thần. Hiểu một cách dễ nhất, đây là cụm camera gắn ngay ở vị trí gương chiếu hậu trong xe và đóng vai trò như một con mắt bao quát hệ thống giao thông trước mắt.
Nó làm được gì? Câu trả lời nhận được ngay khi lăn bánh.
Đầu tiên là phanh tự động. Hệ thống sẽ phanh cưỡng bức nếu phát hiện ra phương tiện ngay sát xe, tiềm ẩn nguy cơ va chạm. Kẹt một tiếng lớn, cả khối kim loại hơn 1 tấn rưỡi lập tức đứng khựng lại. Điều này có thể gây ra một chút sợ hãi cho người lần đầu trải nghiệm nhưng sẽ đáng sợ hơn nếu công nghệ không can thiệp kịp thời.
Chưa dừng lại ở đó, Eye Sight sẽ tỏ ra hữu ích hơn hẳn nếu bạn lái Subaru Forester ở những đoạn đường thẳng, đặc biệt là cao tốc. Hiểu như kiểm soát hành trình thích ứng, mắt thần sẽ bắt theo xe phía trước và bám theo đúng tốc độ của xe đó. Bạn hoàn toàn có thể điều chỉnh được tốc độ tối đa để không vượt quá mức quy định cho phép. Lái cao tốc nhàn hạ hơn thấy rõ nhưng hãy nhớ, dù công nghệ có hiện đại tới đâu, luôn để chân ở chân phanh để kịp lấy lại kiểm soát xe khi bất chắc.
Những ưu điểm khác của Eye Sight còn ghi điểm với người lái gồm Kiểm soát bướm ga, Cảnh báo đảo làn và Cảnh báo xe trước di chuyển. Tính năng số 3 được hiểu là nếu bạn không di chuyển khi xe phía trước đã di chuyển (vì bạn còn đang mải ngắm ai đó ven đường? hoặc còn bận check nốt tin nhắn khi chờ đèn đỏ) thì xe sẽ lên tiếng báo hiệu để bạn tập trung trở lại cung đường đang di chuyển.
4. Động cơ chuẩn “Porsche châu Á”
Boxer - động cơ đã trở thành trứ danh của Subaru. Hiếm có chương trình quảng bá nào của hãng xe Nhật không nhắc tới kiểu động cơ này. Chuyến trải nghiệm 500km vừa qua càng cho thấy lý do họ có quyền tự hào về điều đó.
Về cơ bản, mượt mà và ổn định là hai thứ dễ cảm nhận nhất. Nói một cách kỹ thuật, kết cấu xy-lanh nằm ngang và đối xứng giúp lực thừa sẽ tự triệt tiêu lẫn nhau. Còn nói một cách dễ hiểu, êm ái khi vận hành là đặc sản của Subaru nói chung và Forester nói riêng. Ngay cả khi đi qua các ổ gà hay đường xấu, đặc biệt là các công trường đang xây dựng dở dang trên hành trình, xe cũng không quá rung lắc để phục vụ các hành khách phía sau được yên giấc nồng.
Còn nếu bạn muốn “hard-core” hơn? Ban tổ chức bố trí cung đường đèo để chế độ S có dịp thử tài. Chân ga ngay lập tức “cứng hơn”, phản hồi nhanh nhạy hơn và chiếc xe trở nên “gắt gỏng” hơn.
5. Khoảng sáng gầm tốt nhất phân khúc
Điểm cuối cùng tôi muốn khen Subaru Forester là khoảng sáng gầm. Cũng phải vì con số 220mm đang là tốt bậc nhất phân khúc. “Gầm cao máy thoáng” luôn là câu cửa miệng của giới tài xế thích lái và đi nhiều. Forester là vậy nhưng nó ghi điểm hơn khi động cơ đặt thấp, cân bằng lại trọng tâm xe, khiến mẫu SUV không chơi vơi khi vào cua gắt.
5 điểm trừ trên Subaru Forester
1. Thiết kế già dặn, khó nhận diện
Như đã nói ở trên, thiết kế của Subaru Forester không chiều được gu một cách chủ quan của người viết. Nhưng điều này không mang tính đơn lẻ. Nó quá an toàn theo đúng kiểu Nhật truyền thống. Điều này ghi điểm ở khả năng bền dáng nhưng khó đột phá khi thuyết phục giới trẻ - thế hệ đang trở thành khách hàng chính mua xe.
Đơn cử như trường hợp của Mazda CX-5. Ngôn ngữ Kodo bắt mắt giới trẻ và phụ nữ giúp mẫu xe này gạt được gần như rất nhiều lỗi vặt về lắp ráp để tới được số đông. Từ một tân binh vô danh, nó nhanh chóng trở thành 1 trong 2 chủ lực của THACO và đang đe doạ ngôi vua doanh số của Honda CR-V.
Vậy liệu Subaru - hãng xe Nhật đồng hương liệu có muốn thay đổi để đón đầu “thượng đế” mới hay mải mê phục vụ người tiêu dùng trung thành? Tìm ra câu trả lời cân bằng không phải thử thách dễ vượt qua với bất kỳ người đứng đầu nào ở mảng thiết kế.
2. Trễ chân ga
Đây là điều rất dễ nhận ra khi cầm lái Subaru Forester. Điều này càng thể hiện rõ khi người lái muốn vượt xe phía trước. Nếu không chuẩn bị nhồi ga từ trước, có thể chiếc SUV 5 chỗ sẽ gặp chút bất lợi về tốc độ để vượt lên một cách dứt khoát.
3. Thiếu vắng cửa sổ trời
Đắt hơn Honda CR-V và Mazda CX-5 khoảng 200 triệu để Subaru Forester bù đắp vào công nghệ nhưng bỏ quên những option biết cách nịnh khách hàng Việt như cửa sổ trời. Đây là trang bị được nhiều khách hàng đánh giá là “ít dùng nhưng khó chịu khi không có”. Nhất là khi, số tiền bỏ ra mua xe trên 1 tỷ mà “xe nhà bên có mình lại không có” thì hẳn là chủ xe Forester có phần “ấm ức”.
Về cơ bản, việc có hay không có cửa sổ trời không đóng vai trò quyết định tới việc xuống tiền mua xe hay không nhưng nó lại tác động lớn tới yếu tố cảm xúc và trải nghiệm sau khi mua xe. Giống như nhiều nhà thiết kế Ý từng nói, “trang sức có thể không có nhưng khi đeo vào, phong thái tự tin lên vài phần”.
4. Thiếu vắng một số công nghệ
Mắt thần có thể là điểm sáng chắc-chắn-không-thể-bỏ-qua trên Subaru Forester. Nhưng có lẽ, chính vì thế mà các tính năng nó tạo ra lại bị soi xét kỹ hơn. Cảnh báo đảo làn, lệch làn nhưng Forester sẽ không có hệ thống tự động về làn như các xe chơi công nghệ khác. Ở đó, người dùng được trải nghiệm thú vị hơn và phần nào an toàn hơn khi xe can thiệp đánh lái trở lại khi xe có xu hướng lệch làn. Điều này sẽ không diễn ra khi tài xế chủ động bật xi nhan.
5. Hệ thống đại lý mỏng
Tính cả đại lý mới nhất ở Vinh, Subaru mới có tổng cộng 9 showroom trên toàn Việt Nam. Hệ thống còn yếu về số lượng tất yếu tạo nên những khó khăn trong tiếp cận khách hàng của hãng xe Nhật. Bởi ngoài việc tìm nơi mua xe ở đâu cho tiện, người dùng còn quan tâm nhiều tới chuyện: Sửa xe, thay đồ ở đâu khi có sự cố?
Một chuyên gia trong ngành từng trêu đùa rằng, những yếu tố như vậy đang làm lung lay những ai định mua xe nào đó không phải Toyota rồi lại quay về với Toyota. Nhưng suy xét kỹ hơn, điều đó không phải không có logic.
Tuy nhiên, đà tăng trưởng của Subaru nhờ Forester rất có thể sẽ là đòn bẩy để hãng xe Nhật tin tưởng hơn vào tiềm năng ở Việt Nam để mở rộng đầu tư mạnh tay hơn nữa và có những điều chỉnh hợp lý về chính sách kinh doanh. Trong lúc đó, hoàn thiện từng bước để đợi chờ sự quen việc của cả hệ thống cũng là điều cần phải làm và chắc chắn người đứng đầu Subaru Việt Nam biết cần phải làm gì khi bà đã có kinh nghiệm ở rất nhiều hãng xe nổi tiếng khác trước khi “dạm ngõ” với Subaru.