Phú là nhân viên văn phòng tại Hà Nội. Chàng trai sinh năm 1993 có công việc ổn định, dùng ô tô vào mục đích chính là di chuyển hàng ngày và đã gắn bó với Mazda3 2018 phiên bản 1.5L gần 2 năm với số odo khoảng 16.000km. Dưới đây là chia sẻ của anh về mẫu sedan hạng C đang có doanh số tốt nhất thị trường Việt Nam và những nhận định của chàng trai trẻ về thế hệ mới vừa ra mắt và đang tạo nên những nhận định trái chiều.
Quyết định chọn mua Mazda3 1.5L vào năm 2018 đến khá đơn giản. Mình có nhu cầu sở hữu một chiếc xe sedan, tài chính có hạn nên nhắm tới một số mẫu xe ở phân khúc hạng C. Lúc đó mình 26 tuổi, "thanh niên" hơn bây giờ, nên thích xe phải nổi bật một chút, thể thao một chút. Vừa mắt trong phân khúc thời điểm đó chỉ thấy có Mazda3 1.5L và Kia Cerato. Nhóm bạn của mình quá nhiều người chạy Cerato rồi, cộng với việc thích nổi bật hơn, và quan trọng không kém là vì muốn chiều theo thẩm mỹ của bà xã, thế nên quyết định chọn Mazda3.
Với Toyota Altis và Ford Focus, mình có những lý do để chối từ. Ví dụ như Ford Focus, mình không lựa chọn vì động cơ quá mạnh, thừa nhu cầu mà quá hao xăng. Rõ ràng đó là một lựa chọn rủi ro hơn nhiều so với Mazda3 khi mà tài chính của mình không quá vững. Dẫu sao đây cũng là lần đầu tiên mua xe. Còn Toyota Altis thì quá chững chạc, ngày đó mình mới bước 26 tuổi, chứ nếu mình 36 tuổi thì chắc sẽ chọn Altis.
Trước khi mua xe cũng nghe nhiều anh em bạn bè rồi mạng xã hội nói Mazda3 là xe "trẻ trâu" hay "trẻ trâu" mới mua Mazda3, nhưng mà mình cũng ậm ờ rồi cho qua, vì đôi lúc mình cũng có cảm nhận tương tự như vậy về bản thân (cười).
Nếu chỉ nói đến thu nhập, không bàn tới tiền mua xe thì bạn chỉ cần có thu nhập 10 triệu/tháng là đã có thể nuôi Mazda3 rồi. Lấy ví dụ như mình, một tháng ngày nào cũng chạy xe đi làm 25km, chỉ tốn khoảng 2 triệu tiền xăng, đó là đi nhiều mới hết vậy. Đã có những tháng mình đổ 1,5 triệu tiền xăng mà chạy mãi chẳng hết. Cộng thêm chi phí gửi xe rồi phát sinh nhỏ lẻ, tổng thiệt hại mỗi tháng 5 triệu là ổn. Nên nếu bạn độc thân, thu nhập 10 triệu/tháng là đã có thể nuôi xe. Nếu bạn có gia đình và có con thì thu nhập chắc sẽ phải khác, nhưng lo gì vì bạn còn có thêm thu nhập từ vợ nữa mà, 2 vợ chồng nuôi xe cũng đơn giản thôi.
Nhiều người cho rằng tiền nuôi xe thì dễ, đi ít thì 10 triệu/tháng nuôi "Mẹc" cũng được, lúc hỏng hóc đột ngột, cần sửa chữa, thay đồ mới là vấn đề. Nhưng thật lòng trong suốt 2 năm sử dụng xe và đi 16.000km, mình chưa bao giờ gặp phải tình huống hỏng hóc nào mà phải vào hãng rồi được báo một hoá đơn với tổng tiền "siêu to khổng lồ". Xe Nhật mà, Mazda3 rất lành. Năm 2018 mình mua xe thế nào thì cái xe chạy đến bây giờ vẫn vậy. Có ghế da ôm người quá thì hơi nhàu một chút thôi. Còn với một người dùng xe cho việc di chuyển đô thị nhẹ nhàng như mình, Mazda3 không có cơ hội để hỏng hóc.
Cuối năm nay, mình tính cho xe vào xưởng sơn lại cản trước/sau và một số chi tiết nhỏ là ổn. Chi phí không quá 3 triệu đồng. Nếu bạn hỏi lý do vì sao mình phải sơn lại thì đơn giản là vì đường Hà Nội đông đúc, tay lái dù cứng thế nào thì cũng dễ va quệt. Sơn của Mazda3 cực mỏng. Ngày nhận xe, chất lượng sơn cũng là điều mà mình không thực sự ưng ý. Nếu nhìn kỹ, lớp sơn giữa cản trước/sau và thân xe thậm chí còn không có được chất lượng và độ bóng tương đồng. Nhiều khi chỉ xước nhẹ thôi mà xem kỹ thấy xước qua cả lớp bả, tới luôn cả kim loại. Xe máy đi qua mà quệt nhẹ chỗ để chân cũng thành một vết xước sâu rồi.
Nhận định này mình nghe rất, rất nhiều, nhất là từ mấy anh em chạy Mazda3 tự kháo với nhau. Mình công nhận rằng cảm giác vần vô-lăng của Mazda3 vượt trội hơn hẳn so với những anh em khác trong phân khúc. Chính xác và tin cậy dù hơi nhẹ là những cảm nhận dễ thấy.
Nhưng để nói lái hay như BMW thì… xa quá. Động cơ của Mazda3 thực sự rất yếu ớt. Cỗ máy 1.5L với đâu đó hơn 100 mã lực vận hành quá nhẹ nhàng so với vẻ bề ngoài đầy thể thao. Nếu chỉ chạy xe trong phố, động cơ này là hợp lý và đáp ứng đủ. Nhưng nếu chạy đường dài sẽ bộc lộ ngay sự hụt hơi.
Mỗi lần mình chở cả nhà về quê, trên xe chỉ cần có thêm người, hoặc thêm đồ là cảm giác xe ì ạch thấy rõ. Mazda3 thế hệ này được bổ sung thêm chế độ lái, mình thường cũng phải bật chế độ Sport khi tải lớn. So với phiên bản cũ mình từng cầm lái, chế độ này giúp xe duy trì vòng tua cao hơn, cũng có một chút gọi là khác biệt. Nhưng để xét về độ bốc, khả năng bứt tốc thì có lẽ vẫn vậy, để vượt ở tốc độ cao thì người lái Mazda3 1.5L cần biết tính toán để lấy đà và nhồi ga từ trước.
Nhưng mình sẽ không phản đối nếu ai đó nói nội thất của Mazda3 như xe châu Âu. Đây cũng là một điều mình ưng ý và là một trong những yếu tố khiến mình lựa chọn Mazda3. Phía trước mặt bạn, tầm nhìn của bạn có thể là khung cảnh của châu Á, nhưng xung quanh bạn là khung cảnh của châu Âu. Dù gì thì nội thất cũng chính là một phần ảnh hưởng tới cảm xúc của người lái.
Mazda3 cách âm kém, đó là một khẳng định chắc chắn và không hề giấu diếm. Nếu chỉ đi xe có 2 vợ chồng, vợ mình thường chủ động ngồi ghế bên phụ. Độ ồn vọng vào và tiếng ù ở hàng ghế sau thực sự đáng quan ngại. Có nhiều anh em chia sẻ rằng đi phủ gầm, lót lớp này lớp kia cho kín để cách âm, nhưng với quan điểm của mình thì đó không phải là cách mà vấn đề được giải quyết.
Khả năng chống ồn đến từ chất lượng vỏ, khung gầm mà nhà sản xuất sử dụng. Còn nếu bây giờ dùng cách dán chống ồn, mình nghĩ càng kín, tiếng ù sẽ càng lớn. Nói hơi quá nhưng nếu bạn ngồi trong một chiếc hộp kín bưng, bạn thở cũng có thể tạo ra riếng vang. Thế nên anh em nào đi Mazda3 thì nên biết chấp nhận.
Với mình, khả năng cách âm của xe cũng được đánh giá dựa vào nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Ví dụ hôm nào đó đó đang đau đầu, công việc mệt mỏi, bề bộn, thì lên xe có nghiêng tai ra phía nào cũng thấy ồn hết. Nhưng nếu công việc thuận lợi, thể trạng thoải mái, mặt đường lại đẹp, cộng thêm một bản nhạc nhẹ nhàng, trong một vài khoảnh khắc bỗng dưng lại thấy xe mình cũng không kém xe sang là bao.
Kỷ niệm đau lòng nhất vừa mới xảy ra gần đây thôi. Mazda3 1.5L không được trang bị các cảm biến ở phía sau. Mình còn chưa kịp lắp bổ sung thì đã nhỡ chân lùi vào mép cột rồi. Đây là điều mà mình tin là sẽ không xảy ra nếu xe có cảm biến.
Nhưng đó chưa phải là chi tiết duy nhất khiến mình cảm thấy thiếu an toàn khi cầm lái Mazda3. Cụm đèn chiếu sáng phía trước chưa có được cường độ như mình mong muốn. Nếu đi trong đô thị và có hỗ trợ ánh sáng từ đèn đường thì còn được. Chứ nếu lái Mazda3 1.5L lên cao tốc vào buổi tối thì không ổn. Nếu gặp mưa nữa thì đúng là không dám mạnh chân ga chút nào.
Nói đi thì cũng phải nói lại, mình chủ yếu dùng xe trong phố nên với những trang bị cơ bản theo xe, mọi chuyện vẫn ổn. Nếu có cho mình chọn lại, mình vẫn sẽ mua Mazda3, nhưng sẽ cố gắng để mua bản cao cấp hơn. Mình không quá đam mê chuyện độ xe, đặc biệt là đèn đóm và động cơ. Việc nâng cấp đơn lẻ đem đến cho người dùng những niềm vui thú không thể phủ nhận. Nhưng cá nhân mình không thích rơi hoàn cảnh những nâng cấp đó bị lỗi do thiếu đồng bộ, để rồi phải than ôi: "Biết vậy chẳng lắp nữa cho nhàn".
Để bổ sung trang bị an toàn, mình chỉ lắp thêm bộ cảm biến áp suất lốp, đó cũng là can thiệp sâu nhất mà mình từng làm với chiếc Mazda3 này tính tới thời điểm hiện tại.
Dù có chê bai về cách âm, chất lượng hoàn thiện hay động cơ yếu ớt đi chăng nữa thì cũng không thể phủ nhận một sự thực rằng người Việt thích Mazda3, và Mazda3 bán rất chạy tại Việt Nam.
Một người bạn của mình từng nói rằng, xe nào mà người Việt mua nhiều thì 1 là do đẹp, 2 là do xe tiết kiệm. Cái hay là Mazda3 có cả 2 ưu điểm này. Thế nên dễ hiểu vì sao nhiều người lại mua nó đến vậy bất chấp tất cả những nhược điểm (thậm chí chưa đầy đủ) mà mình vừa nêu trên.
Dẫu nằm ở 2 phân khúc khác nhau và chênh nhẹ về giá nhưng với khả năng tiêu thụ khoảng 7 lít/100 km thì thực sự, Mazda3 1.5L tiết kiệm chẳng khác nào một chiếc Toyota Vios, nhưng lại đẹp, bền bỉ và có tràn ngập trang bị so với chiếc sedan hạng B của Nhật Bản.
Với những khiếm khuyết của đời cũ, mình quá bất ngờ ở phiên bản hoàn toàn mới vừa ra mắt. Mazda3 2020 hoàn hảo về mặt thiết kế, đẹp hơn cả những gì mình tưởng như đã quá đẹp ở đời mình đang sở hữu. Nhưng đó không phải điểm mình quan tâm nhất. Option mới quan trọng.
Đến khi có cơ hội lái thử, mình nhận ra thêm những cải tiến mà THACO đã làm để thay đổi dòng xe này một cách tích cực hơn. Khả năng cách âm của xe có cải thiện đôi chút, mình chưa đánh giá được thân vỏ nhưng có lẽ thay đổi đến từ bộ lốp mới. Chân ga cũng đã tinh chỉnh để nước ga đầu nhạy và phấn khích hơn.
Nhưng càng lái, mình càng nhận ra rằng mình không nên tiếc nuối và không cần đổi xe. Những giá trị cốt lõi mà mình có được trên chiếc Mazda3 2020 như sự thoải mái của ghế ngồi, tầm nhìn hay cảm giác đánh lái vô-lăng, mình vẫn có thể tìm kiếm ở chiếc Mazda 2018 của mình. Xe mới có bớt ồn hơn, nhưng vẫn còn bị ù khá nhiều. Chân ga mới cũng nhạy hơn, nhưng qua ngưỡng nhạy đó, thì đâu lại vào đấy, vì công suất động cơ vẫn vậy mà.
Hơn nữa, mức giá để sở hữu một chiếc Mazda3 phiên bản full option là quá cao nếu không muốn nói là ngoài tầm với. 10 phiên bản với nhiều mức giá của Mazda3 sẽ còn gây tranh cãi. Theo mình, phần đông những khách hàng nhắm tới Mazda3 sẽ là đối tượng trẻ, mà đối tượng trẻ thì không quá dư về tài chính. Nếu đã nhắm tới phân khúc xe hạng C, số tiền mà họ sẵn sàng bỏ ra chỉ loanh quanh ở mức 700 triệu đồng. Còn trẻ tuổi mà có dư tài chính thì có lẽ họ sẽ nhắm tới những dòng xe khác. Lượng khách hàng mua Mazda3 phiên bản cao cấp nhất với giá gần 1 tỷ đồng có lẽ sẽ rất nhỏ, đó là những người có nhu cầu mua xe để thoả mãn đam mê, hoặc đơn giản là muốn khác biệt.
Mình không tán dương Mazda, mình cũng không thần tượng thương hiệu này đến vậy. Nhưng nếu xét về yếu tố tài chính, việc lắp ráp trong nước khiến Mazda có lợi thế mạnh mẽ đối với người tiêu dùng Việt. Nếu nhu cầu đơn thuần cần một chiếc sedan hạng D để nhìn sang trọng, rộng rãi, ra dáng doanh nhân hơn, thì Mazda6 rõ ràng là cái tên sở hữu mức giá khởi điểm dễ chịu và dễ tiếp cận. Tương tự nếu không xét đến những nhu cầu khác, và câu chuyện tài chính là yếu tố được đặt lên hàng đầu, thì ở phân khúc SUV cỡ nhỏ, mình sẽ chọn một chiếc Mazda CX-5 phiên bản tiêu chuẩn thay vì xuống tiền lựa chọn Honda CR-V.