"Nhanh" có lẽ là trải nghiệm dễ nhận thấy nhất khi cầm cương Porsche Taycan, không chỉ ở tốc độ mà có lẽ là mọi phương diện. Khởi động xe, sẵn sàng và nhấn ga, hệ thống truyền động điện 670 mã lực trên Taycan Turbo sẽ đưa chiếc sedan lên ngưỡng 100 km/h chỉ trong chớp mắt.
Không ít mẫu xe hiệu suất cao có chế độ khởi động tối ưu khả năng tăng tốc giúp xe vọt lên trong chớp mắt ngay từ những giây nhấn ga đầu tiên, điển hình là Tesla Model S – mẫu xe có lẽ có nhiều điểm tương đồng nhất với Porsche Taycan trên thị trường.
Dù vậy, ít dòng tên nào mang lại cảm giác đột ngột một cách mạnh bạo như Taycan. Ngồi trên ghế lái Taycan, cảm giác khi nhấn lút chân ga đem lại giống như ngồi trên ná cao su giương hết cỡ rồi phóng đi vậy. Ở điểm này, Porsche làm cực tốt khi giữ đúng lời hứa của mình là đem lại trải nghiệm "y như xe xăng" bất chấp hệ thống truyền động mới toàn diện.
Tuy nhiên, sau khi được đưa lên mây với cảm giác thích thú khi bị áp chặt vào lưng ghế, không ít người dùng sẽ cảm nhận được một sự trống vắng đến kỳ lạ khi nhận ra xung quanh là một sự yên lặng, nhẹ và êm tới đáng sợ - một cảm giác phần nào đó mang đến thái cực đối lập khi cầm lái 911 với động cơ 3.0L tăng áp kép kèm theo. Không nhiều người có thể làm quen ngay với yếu tố (không hẳn là xấu, nhất là với khách hàng phổ thông) này.
Thực sự, nếu muốn, bạn có thể bỏ ra 500 USD để tích hợp hệ thống âm thanh "fake" truyền tải tiếng mô tơ điện nửa thật nửa phóng đại vào cabin. 500 USD cho một hoặc một vài đoạn file nhạc .mp3 được chỉnh sửa sẵn…
Cầm lái Taycan cũng không phải là một trải nghiệm hoàn hảo từ A tới Z, chiếc sedan Đức có một điểm yếu chết người tạo ra bởi phương án thiết kế gây tranh cãi tới từ Porsche.
Hãy nói về xe điện thông thường – gần như mọi dòng sản phẩm bạn tìm được trên thị trường hiện tại đều trang bị công nghệ phanh tái sinh. Hiểu theo cách đơn giản thì khi người dùng nhấc chân khỏi chân ga, mô tơ điện trên xe sẽ quay ngược vừa để truyền năng lượng ngược về phía ắc quy (tăng tầm vận hành tối đa), vừa giúp hãm tốc độ xe. Một số hãng xe cho phép người lái chỉnh sửa chi li hệ thống này để cân bằng giữa hiệu suất vận hành/tầm hoạt động.
Riêng về Porsche, để mang lại trải nghiệm lái chân thực giống xe hiệu suất cao dùng động cơ đốt trong nhất, hãng quyết định sử dụng hệ thống phanh tái sinh ở một tầm rất nhẹ và chỉ có thể tắt/bật bằng nút bấm trên vô lăng thay vì tự điều chỉnh. Hệ thống này chỉ kích hoạt thực sự khi bạn đạp chân phanh.
Với cơ cấu trên, không phủ nhận người lái Taycan có thể vi vu tận hưởng cảm giác lướt trong gió không kém 911 đỉnh cao nhưng cũng mang tới một nhược điểm không thể khỏa lấp (đã bị phàn nàn từ phiên bản lái thử hồi giữa năm nhưng chưa – hoặc không thể sửa) do phanh.
Nếu thử nhấn nhá phanh trên Taycan, bạn sẽ thấy trang bị này mang lại cảm giác giống… Toyota Prius – chậm rãi, từ từ và thiếu cảm xúc. Trọng lượng không thấp của xe (yếu tố không thể tránh khỏi vì ắc quy điện) càng khiến Taycan nhạt nhòa khi nhá phanh vào cua – yếu tố "trượt" thường thấy hoàn toàn không có. Điểm cộng duy nhất, có chăng, là cảm giác đầm, ổn định – lại là một yếu tố ăn điểm cho người dùng phổ thông nhưng không được đánh giá quá cao bởi fan tốc độ chân chính.
Phản hồi mà người lái cảm nhận được từ vô lăng và hệ thống truyền động bên dưới, đôi lúc, cũng đem lại cảm giác bất nhất, thiếu đồng điệu. Những yếu tố này khiến cảm giác lái của Taycan chỉ rơi vào mức tốt thay vì tuyệt vời mà nếu không có khả năng tăng tốc nhẹ nhàng, thanh thoát vượt ngoài kỳ vọng có lẽ còn bị chấm thấp hơn.
Tạm thời, phiên bản thử nghiệm của Taycan Turbo mà báo giới có thể chạm tới chưa được hoàn chỉnh phần mềm nên vẫn thiếu sót không ít tính năng, nổi bật nhất là trình chơi nhạc online Apple Music mà thương hiệu Đức tự hào Taycan là mẫu xe đầu tiên trên thế giới trang bị tiêu chuẩn.
Trợ lý ảo của xe cũng thường tự khởi động ngay cả khi không dùng cụm từ "Hey Porsche" có lẽ vì nhanh nhạy quá, dù vậy cũng không thể phủ nhận sự tiện dụng của trình điều khiển qua giọng nói nhất là khi đang tập trung cầm lái và cần thao tác điều gì đó.
Giao diện thiết kế cabin thực tế còn ấn tượng hơn trong ảnh. Bảng đồng hồ kỹ thuật số hình boomerang đằng sau vô lăng đem lại ấn tượng mạnh qua thiết kế mới lạ và đồ họa độ phân giải cao, hình ảnh trong, rõ ràng, chưa kể khả năng tùy biến cao.
Màn cảm ứng trung tâm dù không quá lớn (10,2 inch) cũng mang lại cảm giác hiện đại và sang trọng nhất định nhờ tích hợp liền mạch tới hoàn hảo vào bên trong táp lô. Đáng tiếc là vẫn còn 2 chi tiết nhỏ có thể khiến người dùng phổ thông không hài lòng với hệ thống thông tin giải trí tại đây: không có Android Auto và menu vẫn khá rườm rà để thao tác.
Bên cạnh 2 màn hình trên, toàn bộ xe Taycan còn một màn hình cảm ứng 8,4 inch thứ 3 nằm ở cụm điều khiển trung tâm với chức năng chính là điều chỉnh điều hòa. Chưa bàn tới khả năng cảm ứng đời cũ chậm và thiếu nhạy hơn, thiết kế khu vực này là một điểm trừ lớn với phần viền dày tới 1,5 cm – thua xa khu vực tương đồng trên Panamera bất chấp việc dòng tên này vẫn giữ lại một số nút bấm truyền thống. Chúng tôi cũng chưa có cơ hội dùng màn hình thứ 4 bên ghế hành khách trước do Porsche chưa trang bị.
Là xe điện đầu tiên của Porsche, Taycan vẫn còn cần thêm thời gian để hoàn hảo hệ thống ắc quy điện của mình. Công nghệ sạc nhanh khi được thử nghiệm thực tế mất 20 phút để sạc từ 25 lên 75% - thua khá xa hứa hẹn ban đầu của thương hiệu Đức. Mức tiêu thụ năng lượng trung bình cũng cao hơn dẫn tới khoảng cách tối đa xe có thể vận hành bị ảnh hưởng, đặc biệt là khi vận hành nặng như leo núi. Rất may là khi xuống dốc, công nghệ phanh tái sinh cũng giúp sạc lại ắc quy hiệu quả.
Nếu phải chấm điểm cụ thể, có thể nói Taycan truyền tải đúng 80% chất Porsche truyền thống – một điểm số không tồi đối với mẫu xe mang trọng trách tiên phong. Tổng thể chất lượng xe cũng tốt hơn các dòng xe điện khác trong lần đầu ra mắt thị trường. Với những bản nâng cấp và chỉnh sửa trong thời gian 2, 3 năm tới, rất sớm thôi Taycan sẽ có thể hoàn thành nhiệm vụ mà Porsche và xa hơn là tập đoàn Volkswagen giao cho mình.
Cận cảnh quá trình lắp ráp Porsche Taycan trong nhà máy
Tham khảo: The Verge