Nhóm bạn trẻ "vẽ" lại hoa văn thổ cẩm theo cách đặc biệt, để công nghệ thành dấu gạch nối giữa truyền thống và hiện đại

Ethnicity Vietnam là dự án ra đời nhằm bảo tồn và đưa nét đẹp trên hoa văn dệt thổ cẩm đến gần hơn với mọi người bằng cách áp dụng mỹ thuật số hóa.

Khi công nghệ trở thành dấu gạch nối giữa truyền thống và hiện đại

Văn hóa Việt Nam vẫn luôn mang trong mình sự độc đáo, đa dạng nhờ có sự tổng hòa từ nền văn hóa của 54 dân tộc anh em. Tuy nhiên trong đó, mới chỉ có văn hóa của tộc người Việt (người Kinh) - tộc người chiếm đa số được phổ biến và chú ý nhiều hơn cả. Chính vì lẽ đó, dự án Ethnicity Vietnam đã ra đời vào năm 2018 nhằm bảo tồn và đưa nét đẹp văn hóa các đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là hoa văn dệt thổ cẩm đến gần hơn với mọi người bằng hình thức mỹ thuật số hóa các hoa văn được dệt trên thổ cẩm.

Những bạn trẻ mang truyền thống hòa vào đời sống đương đại, để "người muôn năm cũ" chẳng nơi quá khứ  - Ảnh 1.

“Theo Ethnicity Vietnam, hoa văn là nét đặc trưng của mỗi dân tộc, mang tính kết nối, không những giảm khoảng cách giữa các thế hệ mà còn giảm khoảng cách giữa các quốc gia, từ đó đóng góp thêm vào bộ nhận diện thương hiệu của Việt Nam về hoa văn dân tộc” - chị Phương Quyên - thành viên của dự án chia sẻ.

Được biết, các thành viên của Ethnicity Vietnam đến từ nhiều ngành nghề khác nhau, trong số đó gồm các thành viên hoạt động trong lĩnh vực truyền thông và thiết kế sáng tạo. Trong quá trình học tập và làm việc, các bạn - đặc biệt là người thiết kế sáng tạo - nhận thấy hoa văn thổ cẩm truyền thống đang dần mai một và gặp khó khăn trong việc tìm kiếm cũng như thiếu thông tin về tên, ý nghĩa, câu chuyện, màu sắc… trên mỗi hoa văn rõ ràng cho từng thiết kế.

Những bạn trẻ mang truyền thống hòa vào đời sống đương đại, để "người muôn năm cũ" chẳng nơi quá khứ  - Ảnh 2.

Chị Phương Quyên - thành viên của dự án Ethnicity Vietnam

Chị Phương Quyên cho biết: “Chẳng hạn khi tìm hiểu về dân tộc H’Mông ở Việt Nam, mình luôn muốn tìm hiểu sự giống và khác nhau của người H’Mông ở các nước lân cận về mặt văn hóa lẫn trang phục để những thiết kế luôn được mang hồn Việt rõ ràng và thông tin đến với người xem, với khách hàng chính xác nhất.”

Chính động lực này đã giúp các thành viên kiên trì, bền bỉ với dự án. Bởi không chỉ nhằm mục đích bảo tồn, quảng bá, dự án còn mong muốn mang đến những hướng mới, phát triển các ứng dụng của hoa văn trong ngành thiết kế, sáng tạo hiện đại. Từ đó để các hoa văn thổ cẩm của các đồng bào dân tộc ít người được áp dụng ngày càng nhiều hơn vào cuộc sống đương đại. 

Những bạn trẻ mang truyền thống hòa vào đời sống đương đại, để "người muôn năm cũ" chẳng nơi quá khứ  - Ảnh 1.

Ngay bản thân tên gọi của dự án “Ethnicity” gồm hai thành tố - Ethnic là dân tộc và city là thành thị - đã bộc lộ toàn bộ mong muốn chính là mang những nét đẹp văn hóa dân tộc, đặc biệt là hoa văn thổ cẩm đến gần hơn với thành thị, với giới trẻ.

“Ngoài ra, bản thân mỗi chúng ta khi đón nhận một hoa văn, cũng là một câu chuyện, một ý nghĩa về văn hóa, đời sống, về nhân sinh quan của người địa phương để cùng học hỏi lẫn nhau và cùng nhau phát triển.” - Chị Quyên chia sẻ.

Những tấm thổ cẩm có thể cũ đi, những hình ảnh, hoa văn có thể phai mờ theo năm tháng, nhưng những hình ảnh, file vẽ được lưu trữ là hình thức bảo tồn cũng như lan tỏa và ứng dụng trong cuộc sống đương đại dễ dàng hơn.

Những bạn trẻ mang truyền thống hòa vào đời sống đương đại, để "người muôn năm cũ" chẳng nơi quá khứ  - Ảnh 2.

Bước 1 - Nghiên cứu:

Nhóm nghiên cứu đi thực địa để thu thập thông tin về các mẫu hoa văn thổ cẩm (bao gồm cả ý nghĩa và câu chuyện đằng sau chúng) và tìm hiểu về cuộc sống hằng ngày của người dân nơi đây, đặc biệt là gắn kết với những người trẻ tuổi - đối tượng tiềm năng của dự án.

Bước 2 - Minh họa và phát triển:

Quan vector hóa các mẫu họa tiết thổ cẩm thu thập được, tạo mẫu mới dựa trên mẫu truyền thống, phát triển các ứng dụng trong thiết kế sáng tạo. Đồng thời minh họa cuộc sống, văn hóa và lịch sử của các dân tộc thiểu số bằng hình thức mỹ thuật số.

Bước 3 - Quảng bá và ứng dụng:

Các tác phẩm sáng tạo bằng hình thức kỹ thuật số, thiết kế đồ họa, video chuyển động đồ họa được quảng bá trong các buổi triển lãm và hoạt động tương tác. Đồng thời, ứng dụng các mẫu hoa văn vào ngành công nghiệp sáng tạo cũng được tăng cường thực hiện qua các đối tác, cộng đồng và doanh nghiệp sáng tạo.

Trong đó, đặc biệt là chuỗi dự án "Chuyện người muôn năm cũ" được thể hiện qua những thước phim ngắn không chỉ nói về nghề dệt mà còn thể hiện ý nghĩa và vẻ đẹp của người làm nghề dệt qua công việc, tình cảm của họ, cũng lấy chuyện tử tế với nghề dệt để nói lên thực trạng truyền thống dần mất đi. Đồng thời cũng giúp lưu trữ những hình ảnh nội dung tạo tư liệu phục vụ cho công việc nghiên cứu văn hóa. 

Từng thước phim, câu chuyện của những người dệt vải dù trải qua bao năm vẫn trân quý từng sợi bông, tấm thổ cẩm ngay cả khi thời gian đã thay đổi nhiều thứ, đã mang đến niềm hy vọng nối tiếp nghề cho cộng đồng. Thông qua hình ảnh gieo hạt bông, "Chuyện người muôn năm cũ" đã mang tới thông điệp: “Chỉ cần còn hạt, niềm hy vọng về sự tiếp nối nghề dệt truyền thống vẫn còn đó.”

Những bạn trẻ mang truyền thống hòa vào đời sống đương đại, để "người muôn năm cũ" chẳng nơi quá khứ  - Ảnh 4.

Chia sẻ thêm về chuỗi dự án, chị Quyên kể lại: “Đến với nhân vật đầu tiên trong chuỗi dự án, chúng mình cảm nhận được rất nhiều sự yêu thương, tình cảm của người dân. Lần đầu đến, bà - nhân vật dự án và gia đình còn e ngại khi tiếp xúc, nhưng sau những buổi trò chuyện, chúng mình đã học hỏi được rất nhiều điều và được người dân nơi đây đón nhận.

Bản thân Quyên thực sự rất vui khi bà chia sẻ “Tụi con đến đây giúp bà nói tiếng Việt nhiều hơn, có thể xem phim, xem thời sự dễ hơn”. Hay được nghe câu chuyện của bà khi còn trẻ, về cuộc sống khi bom rơi đạn lạc và đó cũng chính là lý do những tấm thổ cẩm bà đan có hình ảnh của máy bay, súng, bom và cả người lính. 

Sau những chuyến đi, các thành viên lại có thêm nhiều kết nối ở mỗi địa phương, có thêm những người ông, người bà, người cô, người chú và những câu thăm hỏi nhau càng làm cho các thành viên và Quyên thấy thật vui và ấm lòng, thấy việc mình làm có ý nghĩa.”

Cùng sứ mệnh bảo tồn, Ethnicity Vietnam cũng chú trọng việc phát triển thanh niên đồng bào các dân tộc thiểu số thông qua nhiều chương trình trao đổi, huấn luyện nhằm trang bị các công cụ cần thiết, để thế hệ trẻ dần trở thành người dẫn dắt, phát triển cộng đồng, đặc biệt bảo tồn, gìn giữ những nét đẹp văn hóa.

Chạy đua cùng bước thời gian lưu giữ từng hoa văn

Dự án Ethnicity Vietnam khởi nguồn từ năm 2018, Ethnicity Vietnam được chọn là một trong 10 dự án trong khối ASEAN được trực tiếp trình bày với nguyên Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Chị Quyên cũng chia sẻ về những khó khăn bước đầu khi thực hiện dự án: “Sau chuyến đi đầu tiên, Ethnicity Vietnam cũng gặp một số khó khăn trong việc ghi chép, chụp hình, gỡ băng về thông tin của những hoa văn, sau đó các thành viên đã cùng nhau thực hiện những chuyến đi tiếp theo bằng kinh phí cá nhân và xin hỗ trợ từ một vài mạnh thường quân cùng đam mê văn hóa.”

Những bạn trẻ mang truyền thống hòa vào đời sống đương đại, để "người muôn năm cũ" chẳng nơi quá khứ  - Ảnh 8.

Tháng 04/2019, Ethnicity Vietnam được Quỹ ASEAN để cử và Tháng 08/2019, trở thành thành viên chính thức của Social Innovation Warehouse.

Tháng 06/2019, Ethnicity Vietnam được trình bày tại Diễn đàn thanh niên quốc tế UNESCO tại Trung Quốc.

Tháng 07/2019, Ethnicity Vietnam được giới thiệu tại Phiên họp của Ủy ban Di sản thế giới lần thứ 43 ở Baku, Azerbaijan.

Tháng 8/2020, Ethnicity Vietnam đã ra mắt bộ thư viện đầu tiên của dân tộc K’ho và Mạ. Đồng thời, dự án cũng nhận thấy rằng, chỉ với phiên bản thư viện bảo tồn bản dệt, các hoa văn có thể hơi khó tiếp cận với nghệ thuật đương đại, khó ứng dụng nên Ethnicity Vietnam ra đời các thư viện tiếp theo gồm thư viện hoa văn phát triển, thư viện hoa văn ứng dụng và thư viện minh họa.

Với 4 thư viện hiện có, các hoa văn dân tộc có thể tiếp cận với đời sống đương đại dễ dàng hơn bằng nhiều hình thức khác nhau và có thể truy xuất được nguồn gốc, ý nghĩa hoa văn của từng dân tộc. Đến 2023, Ethnicity Vietnam của 13 dân tộc với 500 hoa văn bảo tồn, 100 hoa văn phát triển, 100 ứng dụng hoa văn, 50 tranh minh họa đời sống dân tộc đã được lưu trữ.

Dự tính từ tháng 10/2023 - 01/2024, Ethnicity Vietnam thực hiện dự án nghiên cứu về thổ cẩm của 6 dân tộc ở Lạng Sơn (Nùng, Tày, Dao, Sán Chay, H'mông, Hoa).

“Với mỗi chuyến đi, mỗi dự án luôn có những điều Ethnicity Vietnam thực hiện được và mong muốn được tìm hiểu nhiều hơn. Tuy nhiên, chúng mình quan điểm, văn hóa là vô hạn và cũng không thể tìm ra đâu là văn hóa cổ xưa, chính xác nhất. Mỗi thông tin thu thập và giới thiệu với công chúng, Ethnicity Vietnam luôn ghi kèm về vị trí lấy mẫu và thông tin vì có thể có những giao thoa văn hóa chưa có cơ hội nghiên cứu.” - Chị Quyên chia sẻ.

Mục tiêu hiện tại của Ethnicity Vietnam là thực hiện được bộ hoa văn của 53 dân tộc trên 63 tỉnh thành của Việt Nam và xây dựng chuỗi phim câu chuyện về giá trị của những tấm thổ cẩm truyền thống, những tâm tư tình cảm của những người dệt yêu nghề, yêu văn hóa địa phương trong đời sống hiện nay.

Những bạn trẻ mang truyền thống hòa vào đời sống đương đại, để "người muôn năm cũ" chẳng nơi quá khứ  - Ảnh 8.

Chị Quyên cũng cho hay: “Hiện nay, nghề dệt còn khá ít trong cộng đồng và các thế hệ sau dần không còn dệt nữa nên những câu chuyện chỉ có thể nghiên cứu từ ông bà lớn tuổi trong làng. Đó là lý do Ethnicity Vietnam mong muốn hoàn thành thư viện đầy đủ của 53 dân tộc càng sớm càng tốt vì thời gian không đợi ai và càng lâu thì sẽ càng thất truyền và khó thu thập.

Với hình thức số hóa hoa văn bằng Adobe Illustrator, Ethnicity Vietnam mong muốn những người trẻ trong cộng đồng cũng có thể chung tay cùng vẽ để lưu trữ, bảo tồn các hình thức hoa văn của dân tộc mình.

Ngoài ra, tầm nhìn của Ethnicity Vietnam là xây dựng một thư viện số các vector hoa văn của người dân tộc thiểu số tại Việt Nam và ứng dụng chúng vào các thiết kế hằng ngày của người Việt. Ethnicity Vietnam cũng hợp tác với các đối tác trong lĩnh vực sáng tạo và phát triển cộng đồng để mang đến cơ hội cho thanh niên dân tộc thiểu số thông qua chương trình “Sáng kiến Lãnh đạo Thanh niên Dân tộc”. Bên cạnh đó, dự án cũng đặt mục tiêu trở thành mô hình kiểu mẫu có thể áp dụng với các nhóm dân tộc thiểu số khác trên toàn thế giới.

Những bạn trẻ mang truyền thống hòa vào đời sống đương đại, để "người muôn năm cũ" chẳng nơi quá khứ  - Ảnh 11.

Trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông kỹ thuật số, Ethnicity Vietnam đặt mục tiêu chia sẻ và mở rộng sự hiểu biết về tri thức bản địa và ý nghĩa sâu sắc của các hoa văn dân tộc, không chỉ đối với người trẻ tại Việt Nam mà còn đối với cộng đồng quốc tế. Qua đó, dự án mong muốn đóng góp vào việc bảo tồn và phát huy vẻ đẹp văn hóa độc đáo của các dân tộc anh em trên khắp lãnh thổ hình chữ S. 

Chị Vy - Nghiên cứu và hoạch định chiến lược dự án cũng là người đồng hành cùng Ethnicity Vietnam ngay từ ngày đầu thành lập chia sẻ:

 “Điều làm mình hạnh phúc nhất trong chặng hành trình cùng đi với Ethnicity Vietnam là kết nối và truyền cảm hứng được đến người trẻ như Quyên, người trẻ trong cộng đồng, các tổ chức cá nhân hiểu hơn về một dự án mang tính hỗ trợ và thấu cảm. 

“Cỗ máy thời gian” mang hoa văn truyền thống hòa vào đời sống đương đại, để những người muôn năm cũ chẳng chôn vùi nơi quá khứ  - Ảnh 10.

Một giá trị nữa mà Ethnicity Vietnam thực sự tự hào trong hành trình của mình là bài học về sự yêu thương của cộng đồng và tri thức bản địa. Các chuyến đi không chỉ thu thập, nghiên cứu mà còn mang tâm thế của người trẻ “đi học”, học về đời sống, nhân sinh quan, tôn trọng thiên nhiên, con người, tri thức và văn hoá bản địa. 

Ethnicity Vietnam mong được mở rộng và truyền cảm hứng nhiều hơn đến người trẻ không chỉ làm thiết kế sáng tạo, mà còn chính người trẻ của cộng đồng dân tộc để thúc đẩy sự tự hào, tự lưu giữ và bảo tồn văn hóa của chính dân tộc mình. Trong truyền thông, chúng mình cũng hướng tới cái nhìn bao dung trong sự quan sát về văn hoá của cộng đồng, học hiểu ý nghĩa hoa văn cốt lõi để yêu thương, tôn trọng và tử tế.”

"Giải thưởng hành động vì cộng đồng - Human Act Prize" do Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.

Với sự đồng hành tích cực của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; đơn cử như ngân hàng quân đội MBBank với dự án ứng dụng thiện nguyện minh bạch; trong quá trình truyền thông và tổ chức sự kiện, Human Act Prize sẽ tiếp sức tinh thần và những giá trị tri thức để mọi hoạt động cộng đồng tại Việt Nam được kiến tạo minh bạch, khoa học, hữu hiệu và nhân văn.

Rất mong giải thưởng có thể nhận thêm nhiều sự quan tâm cũng như đóng góp của cộng đồng!

Website chính thức: https://humanactprize.org/

Fanpage: https://www.facebook.com/HumanActPrize

TỪ KHÓA: Human Act Prize