Ngày 2/4 hàng năm, trên thế giới và Việt Nam hướng về người rối loạn phổ tự kỷ, đặc biệt là trẻ em. Thế nhưng, trên thực tế ở Việt Nam, cộng đồng vẫn chưa hiểu sâu và chuẩn xác về hội chứng rối loạn phổ tự kỷ, cũng như gia đình của nhiều em "VIP" (tên gọi thân thương dành cho các bé mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ) vẫn chưa được trang bị kiến thức khoa học để có thể đồng hành cùng con vượt qua và sớm hội nhập với xã hội.
Nhiều trẻ em và gia đình vẫn phải gánh chịu những ánh mắt kỳ thị, sự phân biệt đối xử trong hành động và nhìn nhận của những người xung quanh. Vì thế, đã có vô vàn những giọt nước mắt rơi xuống, vô vàn những nỗi đau của người làm cha làm mẹ, vô vàn những cánh cửa cơ hội đã đóng lại, vô vàn những ước mơ trẻ thơ bị bỏ quên, vô vàn những nụ cười lịm tắt,...
Bên cạnh đó, tình trạng hoạt động của các Trung tâm bảo trợ trẻ em tự kỷ vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong cơ sở vật chất, hoạt động, tuyên truyền kiến thức,... Chính vì vậy, trong bối cảnh đó, các trung tâm tổ chức cần sự kết nối đồng lòng thực hiện các chương trình chiến dịch tuyên truyền bổ ích, ý nghĩa và thiết thực có tác động mạnh mẽ và sâu rộng đến cộng đồng.
Để từ đó, nâng cao nhận thức của mọi người về hội chứng này, xóa tan ánh nhìn định kiến, và hơn hết, giúp gia đình các em VIP được chăm sóc kịp thời, và các em có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Rối loạn phổ tự kỷ được xếp vào nhóm rối loạn phát triển thần kinh. Tức là, trẻ bị rối loạn chức năng sớm của não, có thể liên quan yếu tố gen do di truyền trong gia đình hay đột biến trong quá trình mang thai, ảnh hưởng đến chức năng căn bản của não bộ như: động cơ xã hội, giao tiếp cử chỉ, giao tiếp mắt, biểu hiện cảm xúc trên khuôn mặt, phối hợp lời nói và cử chỉ,... Cha mẹ lớn tuổi sinh con cũng có nguy cơ trẻ bị tự kỷ cao hơn. Thông tin cha mẹ nuôi con không tốt hay ông bà cho cháu coi thiết bị điện tử làm trẻ bị tự kỷ là sự tự gán ghép, cho đến nay chưa có chứng cứ khoa học.
Nhờ có nhiều thông tin khoa học mà cha mẹ và cộng đồng ngày càng sáng suốt tìm các giải pháp có chứng cứ khoa học, có chiến lược hành động để đồng hành cùng con. Phát hiện sớm, can thiệp sớm và đúng khoa học có thể giúp trẻ tiến bộ nhiều.
Thấu hiểu điều đó, PNJ luôn đặc biệt quan tâm đến những "nhóm người yếu thế" trong xã hội về các vấn đề giáo dục, y tế cộng đồng, con người, môi trường,.. Một cách nhân văn, khoa học và bền vững, Dự án "Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam" đã được triển khai rộng khắp trên toàn quốc bền bỉ trong 5 năm qua (2019 - 2023). Chương trình do Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) kết hợp cùng Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam (Quỹ BTTE Việt Nam) - trực thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đồng khởi xướng và tổ chức thực hiện.
Trong suốt 5 năm qua, PNJ cùng Quỹ BTTE VN luôn có chiến lược cụ thể và kế hoạch triển khai minh bạch. Theo đó, sẽ có 1-2 sự kiện trọng điểm được tổ chức vào ngày 2-4 (ngày thế giới hướng về người rối loạn phổ tự kỷ) và ngày 1-6. Bên cạnh đó, các hoạt động về chuyên môn sẽ được diễn ra xuyên suốt trong năm như sau: Tập huấn nâng cao năng lực cho kỹ thuật viên nguồn tại trung tâm can thiệp cho trẻ em tự kỷ, gặp gỡ tiếp xúc và lắng nghe phụ huynh có con rối loạn phổ tự kỷ, các workshop tọa đàm cùng bác sĩ, chuyên gia,.. mang tính khoa học để cập nhật về hội chứng này.
Đặc biệt, fanpage Chong chóng sắc màu do PNJ xây dựng và duy trì hoạt động truyền thông đã trở thành diễn đàn mở và trang kiến thức khoa học dành cho tất cả mọi người quan tâm đến hội chứng rối loạn phổ tự kỷ. Nhờ những hoạt động giàu tính nhân văn, trong 5 năm qua, chương trình "Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam" đã triển khai và thực hiện, tạo được sự tin cậy và uy tín đối với phụ huynh, bác sĩ, nhà chuyên môn, giáo viên, kỹ thuật viên,....
Tuy nhiên, trong đợt dịch COVID-19, dự án cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Tình hình dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các hoạt động của dự án. Những hoạt động bắt buộc phải có sự tham dự của nhiều đại biểu nhằm lan tỏa hoạt động của dự án không thể tổ chức và phải chuyển sang thực hiện trong năm tiếp theo. Các kế hoạch tổ chức hoạt động truyền thông tại các trung tâm và tổ chức kiểm tra, giám việc thực hiện phải lùi thời gian hoặc không thể tổ chức như kế hoạch đặt ra, phải chuyển sang hình thức tổ chức trực tuyến.
Từ những thuận lợi và thử thách, PNJ không ngừng nỗ lực để sáng tạo nên nhiều phương thức tiếp cận và thực thi dự án. Năm 2019, bộ tài liệu quốc gia đầu tiên về hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ chính thức được công bố đã cung cấp cho các giáo viên, kỹ thuật viên, nhân viên hỗ trợ và các bậc cha mẹ đang chăm sóc trẻ em tự kỷ những kiến thức toàn diện về dấu hiệu nhận biết, phương pháp can thiệp, cũng như xây dựng chương trình can thiệp phù hợp để trẻ cải thiện hành vi.
Bên cạnh đó, dự án không ngừng tổ chức các buổi tập huấn nâng cao năng lực cho các giáo viên, kỹ thuật viên đang trực tiếp hỗ trợ trẻ em tự kỷ tại các trung tâm/cơ sở hỗ trợ trẻ em tự kỷ, có đủ năng lực làm kỹ thuật viên nguồn nhằm tuyên truyền lại kiến thức cho kỹ thuật viên khác tại trung tâm. Nội dung tập huấn tập trung vào việc hướng dẫn cho cán bộ nòng cốt về phương pháp tiếp cận, can thiệp, hỗ trợ trực tiếp trẻ em tự kỷ; Hướng dẫn cán bộ truyền tải hoặc tập huấn lại cho các đồng nghiệp khác và cha mẹ, người nuôi dưỡng trẻ em bị tự kỷ tập huấn cho phụ huynh có con bị rối loạn phổ tự kỷ các kiến thức cơ bản về hỗ trợ phục hồi chức năng để họ có thể áp dụng kiến thức này hàng ngày với trẻ ở gia đình và nhà trường.
Từ năm 2019-2021, dù dịch Covid-19 diễn ra khiến vận hành dự án diễn ra vô cùng khó khăn, song BTC vẫn duy trì và phát huy mạnh mẽ thông qua nhiều hoạt động tập huấn, workshop online. Hàng ngàn cuộc điện thoại chia sẻ tư vấn giữa Trung tâm và phụ huynh, cuộc họp trực tuyến đã được diễn ra.
Trong 5 năm qua, với kinh phí 10 tỷ đồng và quyên góp thêm 4,4 tỷ đồng, PNJ liên tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ trẻ tự kỷ tại Việt Nam. Do đó năm 2022, doanh nghiệp được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vinh danh xuất sắc trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
PNJ luôn kiên trì và bền bỉ thực hiện dự án "Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam", xem đó là hoạt động trọng yếu thể hiện rõ triết lý "đặt lợi ích xã hội và lợi ích khách hàng vào lợi ích doanh nghiệp" và văn hóa "phụng sự xã hội". Dự án nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam do PNJ phối hợp dùng Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đồng khởi xướng và tổ chức, được thông qua bởi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cùng Ủy ban Xã hội của Quốc Hội.
Nhờ hành trình bền bỉ suốt 5 năm qua mà PNJ đã hỗ trợ được 10.000 phụ huynh, 4.000 trẻ tại 82 trung tâm đặc biệt trong 5 năm, với chi phí 10 tỷ đồng; 01 bộ tài liệu chuẩn về hỗ trợ trẻ em tự kỷ ở Việt Nam được ban hành với số lượng 10.000 cuốn; 100 cán bộ nòng cốt được đào tạo về tuyên truyền và hỗ trợ trẻ em tự kỷ; 10.000 phụ huynh, người chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em tự kỷ, người làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và cộng đồng được phổ biến kiến thức về tự kỷ; 10.000 giáo viên, cán bộ dự án, cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được tiếp cận với các kiến thức được chuẩn hóa về trẻ em tự kỷ.
Khoảng 4.000 trẻ em tự kỷ được hưởng lợi gián tiếp từ dự án để hòa nhập cộng đồng và 300 trẻ em được hỗ trợ can thiệp trực tiếp thông qua hoạt động hỗ trợ của Quỹ BTTE Việt Nam; Hơn 30 lớp tập huấn online được tổ chức trên page Chong chóng sắc màu. Và rất nhiều bài báo khoa học, chia sẻ chuẩn mực của bác sĩ chuyên trách để tăng cường sự hiểu biết của cộng đồng, nhằm giảm đi sự kỳ thị, phân biệt đối xử dành cho trẻ mắc hội chứng tự kỷ, gia đình các cháu.
Nhờ đó, các em sớm được can thiệp, phục hồi cũng như hòa nhập cộng đồng và có cuộc sống tốt đẹp hơn,...
"Giải thưởng hành động vì cộng đồng - Human Act Prize" do Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.
Các dự án tham gia giải thưởng sẽ được đánh giá dựa trên 5 tiêu chí đại diện cho các giá trị và Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize đang thúc đẩy, bao gồm tính cam kết, tính bền vững, tính sáng tạo, tính tác động, tính lan tỏa.
Rất mong giải thưởng có thể nhận thêm nhiều sự quan tâm cũng như đóng góp của cộng đồng!
Website chính thức: https://humanactprize.org/