Ở huyện Quế Sơn (Quảng Nam) hơn một năm nay xuất hiện không gian học tập thú vị mang tên Thư viện Xanh. Đến nay, thư viện đã huy động được khoảng 5500 đầu sách và cấp “vé thông hành” cho gần 400 thành viên. Không gian học tập này rất sôi động với các hoạt động do chính các bạn học sinh cấp 2 khởi xướng và vận hành: “Lớp học an toàn trên không gian mạng, nhà truyền thông tài ba”; Trải nghiệm Tiếng Anh - chủ đề “Châu lục và các quốc gia trên thế giới”; Thư viện Xanh tour…”.
Đây là dự án do bạn Nguyễn Thị Ngọc Linh - một trong những nhà giáo dục tiên phong (Fellow) của Doanh nghiệp Xã hội Teach For VietNam (TFV - Giảng dạy vì Việt Nam) triển khai. Trong khoảng thời gian hai năm “bước ra khỏi vùng an toàn” để đến điểm trường ở Quế Sơn, ngoài các dự án như thư viện nói trên, Linh còn phụ trách dạy học.
17 nhà giáo dục tiên phong hiện tại của TFV đang công tác ở 15 trường công lập, vùng biên giới còn nhiều khó khăn tại Quảng Nam và Đồng Tháp cũng đang hoạt động theo cách như thế. Họ sẽ làm việc và tham gia các hoạt động như một giáo viên ở trường công lập trong 2 năm, với các tiết dạy “phi lợi nhuận”, song song đó sẽ thực hiện các sáng kiến, dự án phát triển cộng đồng.
Mong muốn và mục đích của họ chính là làm sao để trẻ em nông thôn, vùng xa xôi cũng có thể nâng cao được năng lực tiếng Anh, STEM (Science - Khoa học, Technology - Công nghệ, Engineering - Kỹ thuật, Mathematics - Toán), có tư duy khởi nghiệp. Làm sao để các em trau dồi được năng lực giao tiếp, hợp tác, sáng tạo, giải quyết vấn đề, tư duy cầu tiến và chính cộng đồng có thể giúp các em phát triển những năng lực đó bền vững…
Đó tất nhiên không phải là câu chuyện của vài ngày hay vài tháng. Đó là cả một hành trình dài, bắt đầu từ năm 2016. Từ 14 nhà giáo dục tiên phong đầu tiên với những bước đi “chập chững” tại các điểm trường ở Tây Ninh, đến nay TFV đã tác động đến hơn 36.000 học sinh, 3.000 giáo viên, 2.000 phụ huynh thông qua các dự án cộng đồng.
Những con số ấn tượng đó là minh chứng cho nỗ lực kiên trì, bền bỉ. Từng hành trình đã đi qua nhiều thử thách, nhưng họ đã cùng nhau, chậm rãi chinh phục từng cột mốc một với niềm tin: Chất lượng giáo dục có thể thay đổi cuộc sống của một đứa trẻ.
Nếu tính từ thời điểm ra đời rồi được tiếp nhận ở những điểm trường đầu tiên, thì đến nay, TFV đã có tổng cộng 97 nhà giáo dục tiên phong. Họ là những người trẻ, đến từ nhiều ngành nghề. Điều mà TFV cần ở các ứng viên của mình, đó là phải cam kết với việc giải quyết bất bình đẳng giáo dục. Họ cần phải có sự thấu cảm với các vấn đề trong cộng đồng và khiêm tốn, có năng lực giao tiếp tốt, kinh nghiệm làm việc với cộng đồng, có khả năng phản tư và học hỏi.
Để chuẩn bị cho hành trình 2 năm ở một điểm trường công lập, ứng viên sẽ được đào tạo qua hai giai đoạn. Giai đoạn một có 6-8 tuần đào tạo chuyên sâu, gồm học và thực hành với các chuyên gia trong và ngoài nước. Giai đoạn hai là thực hành giảng dạy với các em học sinh tại địa phương với sự theo dõi và phản hồi từ các chuyên gia và chuyên viên đào tạo.
Các fellow của Teach for Vietnam là những người trẻ đến từ nhiều ngành nghề khác nhau
Ngoài giảng dạy trong lớp học, các giáo viên sẽ tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa cho học sinh có liên quan đến tiếng Anh (hát, kịch, đọc sách, tự quay phim và phỏng vấn nhau, thi tiếng Anh...); Triển khai các hoạt động khác như: Tổ chức chiếu phim khoa học; Ngày hội gia đình; Nông dân tí hon; Vườn rau 4.0…
Có sự khó khăn khi phải thay đổi môi trường sống, khác biệt về văn hóa, thời tiết, rồi thách thức trong việc thay đổi tư duy. Nhưng chính những tâm hồn trong trẻo và khao khát tìm tòi học hỏi của các bạn nhỏ đã tạo nên động lực giúp các fellow tiếp tục vững bước.
Nụ cười của học sinh là động lực lớn đối với đội ngũ Teach for Vietnam
Trần Thị Thu Giang, một fellow của TFV cho rằng, khoảng thời gian dạy học, chị chưa bao giờ thấy mình là một người giàu có về tiền bạc. Nhưng chị, và những người bạn của chị, đã giàu lên nhờ những thứ khác: Về kiến thức, kỹ năng và thái độ - nhờ vào hai năm liên tục được học về quản lý dự án, tổ chức sự kiện. “Tụi mình cũng giàu về mối quan hệ. Khoá của mình bạn nào cũng giỏi. Khi mình ở một cộng đồng toàn người tài năng, mình sẽ có cảm giác như đang đứng trên vai người khổng lồ, làm gì cũng được trợ giúp. Không chỉ khi còn là một fellow, mà còn sau đó rất lâu nữa”, Giang nói.
Trần Thị Thu Giang, một fellow của TFV cho rằng, khoảng thời gian dạy học, chị chưa bao giờ thấy mình là một người giàu có về tiền bạc. Nhưng chị, và những người bạn của chị, đã giàu lên nhờ những thứ khác: Về kiến thức, kỹ năng và thái độ - nhờ vào hai năm liên tục được học về quản lý dự án, tổ chức sự kiện. “Tụi mình cũng giàu về mối quan hệ. Khoá của mình bạn nào cũng giỏi. Khi mình ở một cộng đồng toàn người tài năng, mình sẽ có cảm giác như đang đứng trên vai người khổng lồ, làm gì cũng được trợ giúp. Không chỉ khi còn là một fellow, mà còn sau đó rất lâu nữa”, Giang nói.
Một trong những ưu điểm nổi bật sau 2 năm tham gia TFV của các fellow chính là họ được phát triển năng lực lãnh đạo thông qua các trải nghiệm giảng dạy, làm việc. Từ đó, họ truyền cảm hứng ấy đến học sinh và cộng đồng. Năng lực lãnh đạo thể hiện các trụ cột thực hành: Yêu thương và kết nối, lắng nghe và xây dựng tầm nhìn; học tập và thiết kế trải nghiệm học; điều phối và thử thách; phản tư và tự phát triển.
Nhiều người qua hành trình tham gia TFV nhận ra mục tiêu lớn của đời mình. Ngay cả khi hành trình 2 năm đã qua đi, họ vẫn tiếp tục con đường trở thành những lãnh đạo trẻ cho giáo dục.
Trong số 97 fellow đã làm việc cùng TVF, ước tính có khoảng hơn 70% tiếp tục theo đuổi con đường giảng dạy, 30% còn lại hoạt động trong một số lĩnh vực giáo dục sau khi tốt nghiệp cũng như làm ở các vị trí liên quan có tầm ảnh hưởng.
Một trường hợp có thể kể đến đó là anh Nguyễn Ngọc Ân. Ân từng là STEM fellow khóa 2018-2020. Anh tốt nghiệp Kỹ sư Tự động hóa trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM và sau 2 năm đã trở thành Giám đốc của DNXH YourE - https://youre.vn/ đang hỗ trợ cho hơn 600 bạn học sinh sinh viên tiếp cận với chương trình tiếng Anh chất lượng cao chi phí thấp.
Hành trình dài của Ân hay nhiều fellow khác, đôi khi chỉ bắt đầu bằng một “khởi đầu nhỏ” 2 năm như thế.
Với cách thức tổ chức thành nhóm, sử dụng Công nghệ, tập trung vào thực hành và các phương pháp giảng dạy mới như Lớp học đảo ngược, học tập hỗn hợp, học qua dự án... các lớp học của TFV thường lấy học sinh làm trung tâm. Giáo viên đóng vai trò đồng hành, định hướng, trao cho cho học sinh cơ hội chủ động để phát huy hết tiềm năng và năng lực tự khám phá, dẫn dắt bản thân.
Quá trình dạy học như vậy khiến cho sự đồng cảm, thiện chí và tôn trọng lẫn nhau luôn được duy trì và phát triển. Đặc biệt, sẽ khơi gợi sự tự tin trong mỗi học sinh, tạo điều kiện phát huy năng lực lãnh đạo vốn có bên trong mình. Khi làm chủ bản thân, các em có thể ứng biến trước những thay đổi khó lường của thế giới.
Các em cũng sẽ được nâng cao năng lực học thuật - thông qua các môn học Tiếng Anh (giao tiếp), STEM và Giáo dục Khởi nghiệp. Năng lực thế kỷ 21 - Giao tiếp, Làm việc nhóm, Tư duy cầu tiến, Tư duy phản biện, Nghiên cứu khoa học, giải quyết vấn đề. Thấu hiểu bản thân và yêu cộng đồng.
Mỗi điểm trường, tùy theo từng điều kiện của nhà trường mà giáo viên sẽ sắp xếp tổ chức lớp học linh hoạt. Ví dụ với các lớp học STEM, một số trường được TFV và các công ty tài trợ STEM Lab - không gian sáng chế, sáng tạo, giáo viên sẽ giảng dạy trong đó. Hoặc, trong tiết học về Nông nghiệp và dự án Nông nghiệp công nghệ cao, các bạn học sinh sẽ được thực hành trực tiếp trên vườn hoặc trong phòng lab.
Một lớp học của cô Đinh Lan Anh - Teach for Vietnam
Một lớp học tại điểm trường sẽ được các fellow theo xuyên suốt trong vòng ít nhất 5 năm. Việc đo lường sự tiến bộ của học sinh được thực hiện đầy đủ và chi tiết trong việc đánh giá quá trình và đánh giá cuối kỳ.
Nắm hoàn cảnh, tâm tính học sinh lớp mình phụ trách
Sau 6 tháng đi dạy, mình gặp những đứa trẻ rất "lạ kỳ". Có cậu nhóc luôn không mang sách vở đi học, thường xuyên có những hành động kì lạ như lè lưỡi kêu gâu gâu. Lại có mấy cậu nhóc “chiến tích” đầy mình: Lớp 2 đã leo rào, chọi đá vỡ hết cửa kính mấy nhà đối diện trường. Trong lớp, không khi nào các bạn nhỏ ấy chịu ngồi yên, khi nào cũng la hét, chạy nhảy khắp lớp. Rồi lại có cô bé mặt mày lầm lì, khi nào cũng cau có, không chịu chơi với bạn nào.
Trong lớp mình cũng có nhiều bạn nhỏ "dễ chịu" khác, luôn cố gắng vui vẻ để điều hòa không khí lớp học. Vì thế khi phải làm việc cùng những nhân vật trên, khó mà không cảm thấy khó khăn. Nhưng khi mình dành nhiều thời gian cùng với các em hơn, mình mới hiểu nhiều thứ mà đôi mắt mình chẳng thể nhìn thấy. Có em ở nhà chưa được quan tâm chăm sóc đúng cách, có em chưa được tạo cơ hội và không gian để bày tỏ nhu cầu của mình. Và còn có rất nhiều lý do để một đứa trẻ hành động mà theo chúng ta là "lạ". Nhưng đằng sau mỗi hành động kì lạ đều là những câu chuyện dài chưa kể, những cảm xúc chưa được lắng nghe, những mong muốn chưa dám bày tỏ… (Trang Đinh - English Fellow Khóa 2017 - 2019).
Ra đời năm 2016, tuy nhiên, sau hai năm ngược xuôi đến các vùng miền Việt Nam để "tiếp thị" đứa con tinh thần của mình, Huỳnh Hạnh Phúc - người sáng lập TFV cùng các cộng sự mới được UBND tỉnh Tây Ninh đồng ý cho giảng dạy trong hệ thống trường học chính quy cho hai niên khóa 2017-2018 và 2018-2019. Có được “đòn bẩy” đó, đến nay, TFV đã tiếp cận được 111 trường, 12 Phòng GD&ĐT thuộc 4 tỉnh.
Tuy nhiên, những khó khăn của hành trình 7 năm qua, dù có bớt đi phần nào, thì vẫn còn tồn tại. Trong đó, theo chị Quỳnh Trang - CEO của TFV, thì bài toán khó nhất chính là việc tuyển dụng nhân tài trẻ đến vùng xa giảng dạy trong hệ thống công lập.
Trang cho biết, các giáo viên của dự án nhận mức lương không quá cao (8,1 triệu đồng), phải xa gia đình. Trong khi các bạn hoàn toàn có thể kiếm được việc tốt, lương cao ở thành thị (nhất là với các bạn du học sinh). Các bạn đã dũng cảm chọn cho mình một hành trình gian khó, vì biết ở nơi đó có những học sinh đang cần mình.
Bên cạnh đó, nguồn tài chính cũng là một trong những thách thức của TFV. Hiện tại, nguồn thu đến từ các doanh nghiệp nước ngoài, tổ chức nước ngoài, doanh nghiệp trong nước, các mạnh thường quân thông qua chiến dịch gây quỹ thường niên. Song TFV mong muốn mở rộng thêm các cơ hội hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam, cộng đồng người Việt xa xứ, các mạnh thường quân và nhà tài trợ trong nước.
Tham vọng của TFV là đến năm 2030 sẽ phát triển và hỗ trợ 10.000 nhà giáo dục tiên phong cùng làm việc, giúp trẻ em vùng nông thôn phát huy tối đa tiềm năng của mình thông qua giáo dục chất lượng dựa trên 3 trụ cột chính: (1) Mở rộng Chương trình Nhà giáo dục tiên phong cho nhiều nhóm đối tượng; (2) Tăng tốc và phát triển Đội ngũ tiên phong và lãnh đạo hiện có trong hệ thống giáo dục công và (3) Kết nối và đẩy mạnh phong trào đổi mới sáng tạo trong hệ thống giáo dục.
Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize là Giải thưởng thường niên tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những dự án xã hội uy tín, tận tụy và bền vững.
Với sự đồng hành tích cực của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp như ngân hàng quân đội MBBank; công ty tài chính Home Credit…. trong quá trình truyền thông và tổ chức sự kiện; Human Act Prize sẽ tiếp sức tinh thần và những giá trị tri thức để mọi hoạt động cộng đồng tại Việt Nam được kiến tạo minh bạch, khoa học, hữu hiệu và nhân văn.