Tại TP. Bắc Ninh (Bắc Ninh), mưa to từ đêm qua đến sáng nay vẫn chưa ngớt nhiều khu vực trũng thấp biến thành hồ nước. Tại khu vực đường Lạc Long Quân đoạn qua cầu chui phường Kinh Bắc ngập sâu từ 0,5 – 0,8 m khiến nhiều xe ô tô bị ngập, mắc kẹt, chết máy giữa đường khiến những người chứng kiến không khỏi xót xa.
Việc trời mưa bị ngập úng không chỉ ở Bắc Ninh mà còn xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố khác như Hà Nội và Vĩnh Phúc… hễ mưa liên tiếp là ngập.
Các chuyên gia về kỹ thuật ô tô cho rằng, khi bị ngập nước quá sàn xe, đặc biệt là đến nắp ca-pô thì sẽ có hàng loạt nguy cơ dẫn tới hỏng hóc từ động cơ, các bộ phận liên quan đến điện và đặc biệt là nội thất của xe. Trong đó, thủy kích luôn là nỗi lo lắng lớn nhất của hầu hết các chủ xe sau khi xe của mình không may đi vào vùng ngập nước.
Trường hợp xe ô tô bị ngập nước chết máy thì tuyệt đối không cố gắng khởi động động cơ. Nếu lúc này, lái xe cố khởi động lại động cơ, hệ thống hút gió sẽ tiếp tục hoạt động, các piston được trục khuỷu đẩy lên rất nhanh để nén khí, lúc này piston gặp lực chặn của nước lọt vào buồng đốt sẽ ép làm tay biên (tay dên) biến dạng.
Ngoài ra, đối với trường hợp xe có mua bảo hiểm thuỷ kích thì cũng không cố gắng nổ lại máy xe. Bởi bảo hiểm thuỷ kích thường quy định sẽ không bồi thường trong trường hợp xe ô tô chết máy khi ngập nước nhưng lái xe vẫn cố tình nổ máy trở lại dẫn đến tổn thất..
Khi ô tô bị ngập nước trong thời gian dài có thể dẫn tới nhiều hậu quả nghiêm trọng như:
Làm hư hỏng động cơ xe, chi phí sửa chữa đắt đỏ.
Ảnh hưởng cả hệ thống điện trên xe dẫn đến chập, đoản mạch, hỏng hóc, phải thay mới.
Xe bị ngâm lâu trong nước có nồng độ muối cao có nguy cơ khiến gầm xe và vỏ xe bị ăn mòn
Phải làm gì khi ô tô bị ngập nước?
Nếu xe bị chết máy giữa vùng ngập nước, hãy đứng yên tại chỗ, gọi điện cho cứu hộ ô tô, cung cấp đầy đủ thông tin để được hỗ trợ.
Tắt điều hòa giúp giảm tải cho động cơ, tránh việc quạt gió bắn nước lên họng hút gió, đồng thời tránh việc hư hỏng quạt do quấn phải rác thải hoặc nặng do lực cản nước.
Với xe số sàn, về số 1 và tuyệt đối không đạp côn khi đang chạy qua chỗ ngập để tránh bị tắt máy giữa chừng. Với xe số tự động, chuyển sang chế độ bán tự động để tránh tình trạng xe tự chuyển về số thấp khiến ga bị yếu, dẫn tới nước tràn vào động cơ thông qua ống pô.
Đi chậm, giữ đều ga và duy trì vòng tua máy phù hợp. Lưu ý tránh xe cùng chiều hoặc ngược chiều bởi nó có thể tạo sóng, khiến nước dâng cao hơn và tràn vào hệ thống hút gió.
Vậy phải làm gì để hạn chế và làm giảm hậu quả nghiêm trọng khi xe ô tô chẳng may bị ngập lâu trong nước?
Trong trường hợp nhận định khu vực nước ngập quá sâu, tuyệt đối không được khởi động máy. Cũng không nên mở cửa xe vì nước cao hơn thành cửa sẽ tràn vào trong cabin, gây hư hỏng các hệ thống điện và nội thất. Chi phí sửa chữa lại càng tốn kém.
Bước 1: Chuyển cần số về N để giúp việc đẩy xe, kéo xe dễ dàng hơn.
Bước 2: Rút chìa khoá ra khỏi xe.
Bước 3: Nhìn ra ngoài cửa sổ xem mực nước đang cao đến đâu. Nếu nước cao hơn mép cửa thì tuyệt đối không mở cửa xe. Bởi nếu mở cửa nước sẽ tràn vào trong nội thất. Sau này xử lý sẽ rất khó. Trong trường hợp này hãy hạ cửa sổ vào leo ra ngoài theo đường này.
Bước 4: Mở nắp capo tháo 2 cực của bình ắc quy để tránh bị nhiễm nước gây chập mạch.
Bước 5: Kiểm tra dầu nhớt động cơ xe, nếu dầu nhớt có màu cà phê sữa thì nước đã lọt vào động cơ.
Ngoài ra, cần kiểm tra lại động cơ và gầm xe xem có hư hỏng hay vật gì bám vào xe không rồi mới chạy tiếp.
Bước 6: Gọi cứu hộ để kéo xe về hãng và liên hệ bảo hiểm nếu có mua bảo hiểm thuỷ kích.