Vì sao phụ nữ lái xe kém hơn đàn ông?
Chưa có bất kỳ số liệu khoa học nào chứng minh phụ nữ lái xe kém hơn đàn ông. Tuy nhiên, từ những quan sát thực tế thì có thể thấy khi chị em phụ nữ lái xe thường dễ gặp “sự cố” hơn. Lý giải điều này, các nhà nghiên cứu cho rằng nguyên nhân chủ yếu vì khả năng lái xe bị chi phối khá nhiều bởi yếu tố giới tính
Dễ mất bình tĩnh
Đại học Goldsmiths (Vương quốc Anh) và tập đoàn ô tô Hyundai (Hàn Quốc) đã phối hợp thực hiện một cuộc khảo sát về hành vi lái xe của 1.000 người với một nửa là phụ nữ, một nửa là đàn ông.
Kết quả cho thấy, tỷ lệ phụ nữ lái xe tỏ ra giận dữ cao hơn 12% so với đàn ông. Những người này thường la hét hoặc bấm còi ỉnh ỏi khi gặp những tình huống khó chịu trên đường, và tỷ lệ phụ nữ tỏ ra nổi cáu cao hơn 14% so với đàn ông. Khi gặp một người khác điều khiển xe ẩu trên đường, nữ giới cũng tỏ ra thiếu kiềm chế hơn 13% so với đàn ông.
Chính vì vậy, nữ giới thường nhạy cảm hơn rất nhiều so với đàn ông khi đối diện những nguy cơ mất an toàn, từ đó khiến họ thường tỏ ra dễ nổi cáu, tức giận và… thất vọng.
Dễ mất tập trung
Một trong những lý do quan trọng dẫn đến tỷ lệ phụ nữ lái xe gây tai nạn, va chạm giao thông nhiều hơn đàn ông chính là bởi bản thân não bộ của họ có sự khác biệ
Một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ) đã tiến hành quét não 949 phụ nữ và nam giới. Kết quả cho thấy, phụ nữ sở hữu các kết nối tốt hơn giữa phần bên trái và bên phải của bộ não.
Trong khi đó, đàn ông có hoạt động mãnh liệt hơn bên trong các phần riêng rẽ của não bộ, đặc biệt là ở vùng tiểu não – khu vực kiểm soát các kỹ năng vận động. Ngoài ra sự liên kết giữa khu vực trước và sau của não bộ của phái mạnh cũng tốt hơn.
Phụ nữ giỏi hơn khi xử lý các vấn đề liên quan đến suy nghĩ logic và trực giác. Còn đàn ông giỏi hơn trong những phương diện như khả năng tiếp thu, vận động, đậu đỗ xe,.. Phái mạnh đặc biệt nổi trội khi cần phản xạ hay thực hiện một việc gì đó ngay lập tức. Và chính ưu thế này đã giúp đấng mày râu xử lý các tình huống bất ngờ khi lái xe tốt hơn phụ nữ.
Khả năng cảm nhận không gian yếu hơn
Một nguyên nhân đặc biệt quan trọng có tác động đến kỹ năng lái xe của phụ nữ chính là khả năng cảm nhận không gian. Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Giessen (Đức) cho rằng, do phụ nữ thường được tiếp xúc với lượng testosterone rất ít ngay từ khi còn trong bụng mẹ đã dẫn đến khả năng cảm nhận không gian 3 chiều kém hơn.
Trong khi đó, với lượng testosterone lớn, đàn ông được trời phú cho khả năng cảm nhận không gian và tốc độ tốt hơn. Trong những bài kiểm tra không gian, nhìn chung đàn ông đều đạt điểm cao hơn so với phụ nữ. Những phụ nữ có tỷ lệ chiều dài các ngón tay giống của nam, chứng tỏ họ có hàm lượng testosterone cao, thì làm bài tốt hơn. Họ cũng đạt điểm cao hơn trong những bài kiểm tra số học.
Từ những phân tích ở trên có thể thấy việc phụ nữ lái xe kém hơn đàn ông là do những thiên bẩm về giới tính. Nữ giới có những thế mạnh riêng nhưng đáng tiếc lái xe không nằm trong đó. Tuy nhiên chị em phụ nữ hoàn toàn có thể cải thiện khả năng lái xe của mình thông qua rèn luyện những thói quen lái xe tốt mỗi ngày.
Những kinh nghiệm lái xe an toàn cho phụ nữ
Tập trung lái xe
Có thể vô số lần bạn được cảnh báo rằng lái xe nguy hiểm đến mức nào, đó là sự thật, nhưng nếu bạn dung túng sự sợ hãi mỗi lần ngồi sau vô-lăng, thì còn nguy hiểm hơn thế.
Hãy cố gắng thư giãn mỗi lần lái xe. Thậm chí nếu làm gì sai, hãy biết xin lỗi nếu cần thiết và tiếp tục lái xe. Đừng quá bận tâm tới việc ai đó phía sau thúc còi nếu bạn không kịp tiến lên khi đèn xanh sáng. Thường thì mọi người cũng đều căng thẳng khi ngồi sau vô-lăng và luôn có ai đó bấm còi dù chẳng vì lý do gì đặc biệt. Hãy bỏ qua những người đó và tập trung lái xe.
Khi lái xe, sự tập trung là yếu tố quan trọng hàng đầu. Có tập trung thì người lái mới có thể sớm nhận biết các tình huống và đưa ra cách xử lý chính xác kịp thời. Rất nhiều vụ tai nạn giao thông bắt nguồn từ nguyên nhân thiếu tập trung khi lái xe.
Tuân thủ Luật Giao thông
Điều này bắt buộc mỗi tài xế khi lái xe ô tô phải hiểu biết rõ về luật giao thông từ đó biết được mình nên đi làn đường nào và không được đi làn đường nào. Nắm rõ và tuân thủ Luật Giao thông sẽ giúp lái xe an toàn hơn. Đặc biệt, khi lái xe chú ý không sử dụng điện thoại, nhất là nhắn tin. Nếu đã sử dụng rượu bia thì tuyệt đối không lái xe.
Đừng nghe những lời châm biếm, phớt lờ thị phi và tin rằng bạn có thể lái tốt hơn nhiều bậc mày râu khác nhờ vào sự khởi đầu chuyên nghiệp, tập luyện nhiều và luôn hướng tới mục tiêu làm tài xế tốt. Quan sát đường đi và chú ý tới những thứ xung quanh. Hãy đảm bảo rằng bạn không tạt đầu ai đó và luôn tuân thủ luật giao thông mà một trong những quy tắc đầu tiên là chạy xe đúng tốc độ.
Không mang giày cao gót khi lái xe
Từ rất lâu, đôi giày cao gót là biểu tượng sắc đẹp và nữ tính của chị em phụ nữ. Giày cao gót giúp tôn thêm vóc dáng, mang đến sự tự tin và kiêu hãnh. Tuy nhiên, với lái xe thì giày cao gót lại được xem như “khắc tinh”, là một trong các nguyên nhân dẫn đến nhiều sự cố, tai nạn. Thậm chí nhiều quốc gia trên thế giới còn có cả luật cấm mang giày cao gót khi lái ô tô.
Lý do vì giày cao gót thường có thiết kế đặc trưng mặt đế nhỏ và hẹp dễ làm trượt khỏi bàn đạp. Mặt khác, đế giày rất dày và nặng nên việc điều khiển chân phanh và chân ga sẽ khó khăn hơn. Sử dụng giày cao gót khi lái xe làm giảm độ chính xác, giảm cảm giác về lực đạp ga và phanh, giảm khả năng phản ứng trong các tình huống khẩn cấp… Do đó khi phụ nữ lái xe ô tô nên tránh sử dụng giày cao gót. Nếu phải mang giày cao gót, tốt nhất chị em nên chuẩn bị thêm một đôi dép quai ngang hay giày thể thao cổ thấp để dành riêng khi lái xe.
Không lái xe bằng chân trần
Rất nhiều người lầm tưởng mang giày cao gót lái xe sẽ nguy hiểm thì để chân trần (chân đất) lái xe sẽ an toàn hơn. Nhưng thực tế điều này hoàn toàn sai lầm. Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng lái xe bằng chân trần thậm chí nguy hiểm tương đương với mang giày cao gót. Một số tiểu bang nước Mỹ và một số quốc gia trên thế giới hiện cũng ra luật cấm lái xe ô tô bằng chân trần.
Có nhiều nguyên nhân gây nguy hiểm khi lái xe bằng chân trần. Đầu tiên điều khiển chân ga/phanh bằng chân trần sẽ cần nhiều lực hơn, tốn sức hơn so với khi mang giày. Thứ hai là việc liên tục đạp ga/phanh bằng chân trần dễ làm tổn thương da chân, gây nên các trầy xước không đáng có, đặc biệt có thể khiến chân bị chuột rút rất nguy hiểm. Thứ ba trong trường hợp chân bị ra mồ hôi sẽ làm giảm độ ma sát, khiến chân dễ bị trượt khỏi bàn đạp ga/phanh.
Để chân đúng cách tránh lỗi đạp nhầm chân ga
Đã có hàng loạt vụ tai nạn nghiêm trọng do đạp nhầm chân ga. Tuy rằng phần nhiều vụ tai nạn này tài xế là phụ nữ nhưng cũng không thể quy chụp khả năng lái xe của tất cả chị em phụ nữ. Và không chỉ phụ nữ mà đàn ông cũng có thể mắc phải lỗi sai phạm nghiêm trọng này.
Để tránh lỗi đạp nhầm chân ga nên tập thói quen để chân đúng cách khi lái xe. Nếu lái xe số tự động, tuyệt đối không dùng chân phải giữ ga, chân trái giữ phanh. Vì điều khiển chân phanh bằng chân trái thì lực phanh không đủ mạnh. Mặt khác trong các tình huống bất ngờ người lái có thể phản xạ đạp chân phải (chân ga) thay vì chân phanh hoặc đạp cả hai chân (chân trái – chân phanh yếu hơn nên không đủ lực phanh xe).
Do đó chỉ lái xe bằng chân phải. Như vậy người lái sẽ luôn tuân thủ nguyên tắc “không ga thì phanh”. Gót chân phải nên đặt thẳng hàng với bàn đạp phanh và không rời khỏi sàn. Khi điều khiển bàn đạp ga và phanh thì chỉ xoay ức bàn chân.
Bên cạnh đó nên tập thói quen cứ nhả bàn đạp ga là lập tức để chân bên phía bàn đạp phanh, nhất là trong lúc tạm dừng xe chờ đèn đỏ hay chờ đợi hành khách lên/xuống xe. Nếu có tình huống bất ngờ thì cũng đạp ngay chân phanh, không sợ đạp nhầm chân ga
Dừng xe lâu nên kéo phanh tay
Để hạn chế đạp nhầm chân ga khi dừng đỗ xe, tốt nhất nếu dừng đỗ lâu nên chuyển về N và kéo phanh tay. Điều này sẽ giúp người lái có thể tranh thủ thư giãn chân. Hiện nay nhiều xe ô tô có chế độ giữ phanh tự động nên tận dụng tối đa tính năng này trong các trường hợp cần thiết.
Ưu tiên duy trì tốc độ ổn định
Khi lái xe tốt nhất nên duy trì tốc độ xe ổn định. Không nên chạy quá nhanh hay quá chậm. Việc duy trì tốc độ ổn định sẽ giúp kiểm soát xe và xử lý các tình huống dễ dàng hơn. Nếu thấy đèn đỏ hay chướng ngại vật từ xa nên chủ động giảm tốc độ và rà phanh, hạn chế phanh gấp.
Không đạp thốc ga và phanh gấp
Đối với các tài xế mới thì việc cảm nhận chân côn, phanh và ga chưa được hoàn toàn chính xác và có thể điều khiển theo ý muốn. Vì vậy, khi lái xe các chị em nên đi chậm, bình tĩnh để làm quen và cảm nhận chân côn, ga, phanh. Không đạp thốc ga khi cầm lái vì có thể bạn không làm chủ được sức mạnh của xe khi tăng tốc khiên xe lao đi mất kiểm soát...
Điều này rất dễ tạo ra những tình huống khó xử lý và có khả năng gây ra tai nạn đáng tiếc.
Điều chỉnh gương chiếu hậu
Gương chiếu hậu trong và ngoài xe ô tô là những bộ phận vô cùng quan trọng khi bạn lái xe trên đường. Vì nó giúp lái xe quan sát được các phương tiện, chướng ngại vật hai bên và phía sau xe trong quá trình điều khiển xe trên đường và khi lùi.
Vì vậy sau khi đã có tư thế ngồi lái phù hợp, các tài xế bắt đầu điều chỉnh gương chiếu hậu để có tầm quan sát tối ưu nhất. Đặc biệt, đối với những xe lạ thì đây là điều vô cùng quan trọng. Nhiều tài xe từng ví: "Gương chiếu hậu của ô tô giống như đôi mắt thứ 2 của tài xế khi tham gia giao thông".