Mới đây, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức họp trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2022.
Phát biểu tại đây, thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an, phân tích các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và cho biết khung thời gian xảy ra nhiều nhất là từ 22 giờ hôm trước đến 4 giờ hôm sau.
Đáng chú ý, Cục trưởng Cục CSGT kiến nghị Chính phủ chỉ đạo lực lượng chức năng nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX), đưa nội dung lái xe trên đường cao tốc vào chương trình đào tạo.
Tuy nhiên, nội dung lái xe trên cao tốc vào chương trình đào tạo lái xe nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Anh Nguyễn Hữu Tài (một tài xế hơn 10 năm kinh nghiệm lái xe tải) cho hay: “Tôi đồng tình với việc đưa nội dung đào tạo lái xe trên cao tốc vào việc học lái xe. Vì khu vực này sẽ khiến tài xế phải xử lý nhiều loại tình huống như: xe khác nhập làn, kẹt xe, vượt xe, giữ khoảng cách an toàn,..”
Theo anh Tài, có nhiều người chạy trên cao tốc nhưng chạy “làng xàng”, phanh gấp dù không đúng luật và đoạn đường này đỏi hỏi tài xế đi đúng tốc độ. Theo kinh nghiệm xe muốn vào trạm dừng chân, thì tài xế cần vào làn giữa rồi xi nhan báo hiệu và từ từ vào trạm. Tuy nhiên có những người “ào ào” đi vào, nếu gặp xe tải sẽ phanh không kịp. Do đó, trên cao tốc đòi hỏi tài xế phải xử lý nhiều loại tình huống khẩn cấp.
Đại diện một trung tâm đào tạo lái xe khác trên địa bàn TP.HCM cho rằng đào tạo chạy xe trên cao tốc là cần thiết nhưng các cơ quan chức năng cần tính toán kỹ, bởi khi áp dụng vào thực tế sẽ phát sinh những khó khăn nhất định.
Có hai vấn đề lớn được đặt ra: trước hết, hiện chương trình đào tạo hạng B2 đã lên đến 83 giờ (cao hơn các nước như Singapore, Thái Lan), nếu thêm phần đào tạo về lái xe trên cao tốc nữa thì số giờ học đội lên, học phí cũng theo đó tăng khiến học viên bị áp lực.
Theo vị này, khi bổ sung giờ học về lái xe trên cao tốc thì giảm bớt một số giờ học khác để cân bằng cho học viên, trung tâm đào tạo cũng dễ dàng bố trí và hướng dẫn học viên của mình.
Vấn đề thứ hai là học viên sẽ tập lái và thực hành ở đâu? Các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe không thể bỏ kinh phí đầu tư đường dài 3-5km theo tiêu chuẩn cao tốc vì rất tốn kém.
Pháp luật hiện hành cũng không cho học viên học lái xe trực tiếp trên đường cao tốc chạy tốc độ 60 - 100km/h vì dễ gây tai nạn. Lúc này, cả giáo viên và học viên đều không thể xử lý kịp trong trường hợp khẩn cấp xảy ra.
Bên cạnh đó, một số ý kiến lại cho rằng, giao thông trên cao tốc được đánh giá là nguy hiểm và cần nhiều kinh nghiệm xử lý, nếu người học lái xe mà đi trên đoạn đường này càng gây nguy hiểm hơn.
“Hiện nay, trong 120 tình huống mô phỏng trong đào tạo và sát hạch GPLX cũng đã có những tình huống trên cao tốc để cảnh báo cho người học, người thi bằng lái xe”- một ý kiến khác nói thêm.