Tự ý thay đổi kích thước thùng xe có thể bị phạt đến 16 triệu đồng

Chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện xe cơ giới nếu tự ý thay đổi kích thước thùng xe sẽ bị xử phạt cao nhất lên tới 16 triệu đồng
Tự ý cơi nới thùng xe

Mới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa yêu cầu Sở GTVT các tỉnh, thành phố; các Cục Quản lý Đường bộ sử dụng thiết bị ghi hình để phát hiện phương tiện cơi nới thành thùng trái quy định làm căn cứ xác định vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Từ ngày 20/6 đến 20/9, cảnh sát giao thông cả nước tổ chức đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm gần 2.700 trường hợp cơi nới thùng xe, chở quá tải trọng. Trong số vi phạm có 530 xe phải hạ tải, 290 xe bị cưỡng chế cắt thùng và 45 xe bị thông báo cho cơ quan đăng kiểm đề nghị kiểm định lại. Con số này gấp nhiều lần các tuần bình thường, khi không có đợt cao điểm xử lý.

Cục Cảnh sát giao thông yêu cầu công an các tỉnh trang bị đủ thiết bị, tổ chức đủ lực lượng để cưỡng chế hạ tải, cưa thùng khi cần thiết. Sau khi xử phạt, công an sẽ thông báo tới đơn vị đăng kiểm để yêu cầu chủ xe kiểm định lại.

Trường hợp chủ phương tiện không chấp hành việc xử lý vi phạm hoặc không nhận được thông báo vi phạm, hình ảnh vi phạm sẽ được gửi cho cơ quan đăng kiểm và phương tiện vi phạm sẽ được cảnh báo trên hệ thống của cơ quan này.

Đến kỳ kiểm định, phương tiện đó chỉ được kiểm định có thời hạn 15 ngày để phương tiện chấp hành quyết định xử phạt. Nếu chủ phương tiện vẫn cố tình không chấp hành, phương tiện đó sẽ không được kiểm định.

Theo đó, mức phạt vi phạm tự ý thay đổi kích thước thành thùng xe theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định như sau:

Theo Khoản 2 Điều 55 Chương IV Luật Giao thông đường bộ năm 2008, chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Người điều khiển phương tiện phải tuân thủ các quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ và chịu sự kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền (khoản 1 Điều 28). Chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện xe cơ giới phải chấp hành những quy định trên, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 100/2019.

Cụ thể, đối với xử phạt lỗi tự ý thay đổi kích thước thùng xe: Phạt tiền từ 800 - 1 triệu đồng đối với điều khiển xe ô tô tải có kích thước thùng xe không đúng thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế đã đăng ký với cơ quan đăng ký xe hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) (điểm đ khoản 3 Điều 16). Ngoài ra chủ phương tiện phải thay thế thiết bị (thùng xe) đủ tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật theo quy định (điểm a khoản 7 Điều 16).

Phạt tiền từ 6-8 triệu đồng đồng đối với cá nhân, từ 12-16 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô đưa xe ô tô tải có kích thước thùng xe không đúng thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế đã đăng ký với cơ quan đăng ký xe hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tham gia giao thông (điểm e khoản 9 Điều 30). Ngoài ra chủ phương tiện buộc phải khôi phục lại hình dáng, kích thước, tình trạng an toàn kỹ thuật ban đầu của xe và đăng kiểm lại trước khi đưa phương tiện ra tham gia giao thông (điểm d khoản 15 Điều 30).

Riêng lỗi chở hàng quá trọng tải quy định 35%: Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe xe ô tô tải, máy kéo (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô chở hàng vượt trọng tải cho phép của xe trên 30% đến 50% (điểm a khoản 5 Điều 24). Người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) từ 1 tháng đến 3 tháng (điểm a khoản 9 Điều 24).

Ngoài ra, khi xe vượt quá trọng tải cho phép thì không chỉ người điều khiển xe, mà cả chủ xe cũng sẽ bị xử phạt, cụ thể: Phạt tiền từ 6-8 triệu đồng đối với cá nhân, từ 12-16 triệu đồng đối với tổ chức đối với hành vi giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải cho phép của xe trên 30% đến 50%.

Trong trường hợp chủ phương tiện là người trực tiếp điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng GPLX (khi điều khiển xe cơ giới), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 1 - 3 tháng.