CarBuzz hồi đầu tuần này đã phát hiện một bằng sáng chế mới thuộc Daimler – tập đoàn mẹ của Mercedes-Benz liên quan tới một hệ thống "phanh" có cơ chế cực kỳ độc đáo.
Cụ thể, hệ thống phanh dự phòng được Mercedes-Benz đăng ký bằng sáng chế kết hợp hệ thống van xả áp suất lốp với bộ điều khiển trung tâm để khi tín hiệu khẩn cấp được phát đi, hệ thống trên sẽ tự động làm xịt lốp và qua đó giúp hãm tốc phương tiện hiệu quả hơn nữa (bằng ma sát cũng như bề mặt tiếp xúc mặt đường lớn hơn) bên cạnh cơ chế phanh thông thường.
Ngoài ra, phanh dự phòng cũng tự động được kích hoạt làm hệ thống phanh chính khi hệ thống phát hiện phanh chính gặp lỗi. Bằng sáng chế của Daimler khẳng định công nghệ phanh trên được phát triển phục vụ xe điện nhưng có thể quay về ứng dụng trên xe chạy động cơ thường.
Nguyên nhân hệ thống phanh trên được phát triển nguyên bản cho xe điện là bởi phân khúc xe này vốn đã sử dụng 2 hệ thống phanh: một thường và một là phanh tái sinh. Khi ắc quy xe đầy, phanh vật lý truyền thống sẽ được kích hoạt trong khi với trường hợp ắc quy cần sạc lại phanh tái sinh sẽ được sử dụng.
Vì sự phức tạp trên mà giờ hiện tại giữa thao tác đạp chân phanh của người dùng không còn trực tiếp dẫn tới động tác phanh xe nữa. Giờ, một hệ thống trung gian thường sẽ xuất hiện để quyết định phương tiện sẽ sử dụng phanh thường hay phanh tái sinh để giảm tốc độ.
Do tầm ảnh hưởng lớn của hệ thống trung gian, trong trường hợp hệ thống này gặp lỗi hệ quả sẽ cực kỳ khó lường khi hoặc xe sẽ mất phanh, hoặc xe sẽ tiếp tục dùng phanh tái sinh khiến ắc quy điện quá tải gây quá nhiệt và thậm chí cháy nổ (Ford Mustang Mach-E từng gặp trường hợp này).
Hệ thống phanh dự phòng được Mercedes-Benz phát triển làm phương án B phòng hờ trường hợp nói trên. Dù vậy, đây hoàn toàn là cơ chế có thể gây phiền hà không nhỏ cho người dùng bởi chúng cũng có thể gặp lỗi và thậm chí còn mang lại hậu quả lớn hơn cho người dùng: nhẹ thì phải bơm lại lốp, nặng thì phải gọi xe cứu hộ và nặng hơn là gặp tai nạn khó lường.
Bằng sáng chế của Mercedes-Benz cho biết hệ thống phanh dự phòng "có thể đưa áp suất lốp trở lại mức ban đầu" nhưng không nói rõ cơ chế. Nếu đây là sự thực, người dùng có thể sử dụng phanh này với hệ thống kiểm soát áp suất lốp để đảm bảo không bao giờ phải bơm lốp lần thứ 2.
Cần nói thêm rằng đây không phải lần đầu tiên Mercedes-Benz thử nghiệm công nghệ tăng/giảm áp suất lốp ngay trên xe khi Mercedes-AMG G63 6x6 từng có máy nén đặt giữa 2 trục có tác dụng tương tự, tuy vậy hệ thống cũ này lớn, nặng và đơn giản hơn phanh đang được hãng xe Đức thử nghiệm rất nhiều.
Tham khảo: CarBuzz