Tính ‘liều ăn nhiều’ mua xe sớm chờ giảm trước bạ, chủ xe sốt ruột than thở: ‘Xe cất kho không đi được, bắt taxi tốn quá nhiều tiền’

Nhiều chủ xe chọn mua sớm để vừa hưởng khuyến mãi từ đại lý, vừa đón thêm mức giảm 50% lệ phí trước bạ từ Chính phủ. Tuy nhiên, thực tế không như kỳ vọng.
Tính ‘liều ăn nhiều’ mua xe sớm chờ giảm trước bạ, chủ xe sốt ruột than thở: ‘Xe cất kho không đi được, bắt taxi tốn quá nhiều tiền’- Ảnh 1.

Giảm 50% lệ phí trước bạ là điều mà rất nhiều người tiêu dùng Việt Nam quan tâm từ tháng 4 đến nay. Theo đó, cuối tháng 4, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg về các giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, giao Bộ Tài chính nghiên cứu về một số nội dung, trong đó có giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. 

Thông tin trên khiến thị trường ô tô chững lại vào khoảng tháng 5, khi người tiêu dùng có tâm lý chờ đợi. Tuy nhiên, sang tháng 6, nhiều đại lý chia sẻ thông tin về khả năng lệ phí trước bạ sẽ giảm từ ngày 1/7 khiến nhiều khách hàng rục rịch mua xe để được hưởng "lợi kép", tức là vừa có khuyến mãi từ đại lý, vừa được giảm trước bạ.

Tính ‘liều ăn nhiều’ mua xe sớm chờ giảm trước bạ, chủ xe sốt ruột than thở: ‘Xe cất kho không đi được, bắt taxi tốn quá nhiều tiền’- Ảnh 2.

Nhiều người chờ mua xe lắp ráp để được giảm 50% trước bạ.

Song, câu chuyện không đơn giản như nhiều người dự tính. Cuối tháng 6, Bộ Tài chính mới đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp trong nước từ ngày 1/8. Đề xuất này đến nay vẫn chưa được phê duyệt.

Nhiều chủ xe "vỡ mộng"

Anh Thành Công (Hà Nội) mua chiếc Mitsubishi Outlander từ ngày 25/6 để chờ được giảm trước bạ từ ngày 1/7. Sau khi nghe đề xuất từ Bộ Tài chính về việc giảm trước bạ từ ngày 1/8, chủ xe này cảm thấy lo lắng nhiều hơn là phấn khởi. Anh hiện phân vân không biết nên nộp trước bạ để ra biển luôn hay tiếp tục chờ hơn một tháng nữa.

"Trước mắt, nhu cầu sử dụng xe của mình chưa cấp thiết lắm nên mình cứ lấy về để đấy không sao. Mình có thể chờ đến tháng 8 được nhưng nếu thời điểm áp dụng chính sách muộn hơn, có thể mình sẽ không chờ nữa", anh Thành Công chia sẻ.

Anh Công nhẩm tính, nếu được hỗ trợ 50% trước bạ từ Chính phủ, anh có thể tiết kiệm được thêm khoảng 50 triệu đồng nữa. Chiếc xe Mitsubishi Outlander của anh hiện được đại lý khuyến mãi quy đổi tương đương 90 triệu đồng.

Tính ‘liều ăn nhiều’ mua xe sớm chờ giảm trước bạ, chủ xe sốt ruột than thở: ‘Xe cất kho không đi được, bắt taxi tốn quá nhiều tiền’- Ảnh 3.

Chủ xe có thể tiết kiệm hàng chục đến cả trăm triệu đồng khi được hỗ trợ trước bạ.

Khác với anh Thành Công, anh Tuấn Anh như "ngồi trên đống lửa" hơn khi đang có nhu cầu sử dụng xe mà lại chưa dám đăng ký để chờ giảm trước bạ. Anh Tuấn Anh thậm chí mua xe từ cuối tháng 5, làm thủ tục mua bán rồi nhưng phải để xe lại kho đại lý cất giữ. Anh cho biết hiện tại phải đi lại bằng taxi, tốn rất nhiều tiền.

Nộp trước bạ chậm có thể tốn thêm nhiều tiền

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 11 Nghị định số 10/2022 có hiệu lực ngày 1/3/2022 và Khoản 3, Điều 44 luật Quản lý thuế 2019, tổ chức, cá nhân khai, nộp lệ phí trước bạ theo quy định của pháp luật về quản lý thuế khi đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản với cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm nhất là 10 ngày.

Mức phạt nếu chủ xe nộp quá thời hạn trên là 0,03%/ngày tính trên tổng số tiền thuế chậm nộp, theo quy định tại Khoản 2, điều 59 luật Quản lý thuế 2019. Giả sử nếu anh Thành Công nộp trước bạ muộn 1 tháng, số tiền phạt có thể lên tới 900.000 đồng (trước bạ x % phạt x 30 ngày).

Tính ‘liều ăn nhiều’ mua xe sớm chờ giảm trước bạ, chủ xe sốt ruột than thở: ‘Xe cất kho không đi được, bắt taxi tốn quá nhiều tiền’- Ảnh 4.

Chủ xe nộp trước bạ muộn có thể bị phạt, chịu thêm chi phí kho bãi.

Ngoài ra, chủ xe nếu gửi tại đại lý quá lâu cũng sẽ phải mất thêm một khoản chi phí kho bãi. Theo chia sẻ từ một tư vấn bán hàng đại lý, thông thường, đại lý chỉ hỗ trợ lưu kho nhiều lắm là 1 tháng, nếu quá sẽ bị tính thêm tiền.