Thủ đô các nước cấm xe máy xăng như thế nào?

Hà Nội đang lên kế hoạch cho việc cấm xe máy xăng trong vành đai 1 từ tháng 7/2026. 

Ngày 12/7/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 20/CT-TTg năm 2025 Về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Trong nội dung có yêu cầu Hà Nội triển khai các giải pháp để tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, bảo đảm đến ngày 1/7/2026 không còn xe môtô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong vành đai 1.    

Từ ngày 1/1/2028, ngoài cấm xe môtô, xe gắn máy chạy xăng dầu, ôtô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch cũng bị hạn chế trong vành đai 1 và 2; đến năm 2030 áp dụng với toàn bộ phương tiện cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong phạm vi vành đai 3.

Đây là quyết định mang tính thiết thực và mạnh mẽ nhằm đối phó với tình trạng ô nhiễm môi trường tại thủ đô nước ta. Và không chỉ Hà Nội, nhiều thủ đô trên thế giới cũng đã ban hành các quyết định trong việc hạn chế xe máy xăng nhằm cắt giảm ô nhiễm. 

Thủ đô Mexico, Mexico

Để đối phó với tình trạng ô nhiễm, từ năm 1989, thành phố Mexico, Mexico đã ban hành chương trình "Hoy no Circula" (Ngày Không Lái Xe). Theo đó, các phương tiện lưu thông tại Mexico sẽ buộc phải kiểm tra khí thải và dán nhãn tương ứng với các mức phát thải (hạng 00 và 0 là tốt nhất, tiếp đó là các hạng 1, hạng 2 và một loại là Miễn trừ).

Loại 00 và loại 0 sẽ được lưu thông không hạn chế. Loại 1 sẽ bị hạn chế lưu thông một ngày trong tuần (tùy biển số) và hai ngày thứ Bảy mỗi tháng (từ 5 giờ sáng tới 10 giờ tối). Loại 2 sẽ bị hạn chế lưu thông một ngày trong tuần (tùy biển số) và tất cả các thứ Bảy (từ 5 giờ sáng tới 10 giờ tối). 

Xe lưu thông tại Mexico sẽ được kiểm định khí thải và phân loại ngày cố thể lưu thông (Ảnh: Mexperience).

Xe lưu thông tại Mexico sẽ được kiểm định khí thải và phân loại ngày cố thể lưu thông (Ảnh: Mexperience).

Thủ đô Paris, Pháp

Từ tháng 7/2016, Paris đã ban hành lệnh cấm xe máy sản xuất trước năm 2000 và ô tô sản xuất trước 1997 lưu thông trên đường phố nhằm bảo vệ môi trường đô thị. Ngoài ra, từ tháng 11/2024, thủ đô nước Pháp cũng mở rộng vùng "không xe" với việc cấm hoàn toàn các phương tiện có động cơ lưu thông (bao gồm cả xe điện) ở một số quận trung tâm nhằm cải thiện chất lượng không khí.   

Thủ đô Paris mở rộng các tuyến đường cấm phương tiện có động cơ lưu thông (Ảnh: Forbes). 

Thủ đô Paris mở rộng các tuyến đường cấm phương tiện có động cơ lưu thông (Ảnh: Forbes). 

Thủ đô Delhi, Ấn Độ:

Từ tháng 7/2025, thủ đô Delhi tại Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm bán nhiên liệu cho các xe chạy xăng đã sử dụng 15 năm trở lên và các xe dầu sử dụng được 10 năm trở lên. Lệnh cấm được áp dụng với tất cả các phương tiện (xe máy, ô tô, xe ba bánh...) và cơ quan chức năng đã lắp camera giám sát tới hơn 350 cây xăng của thành phố nhằm phát hiện những đơn vị làm sai quy định.

Bên cạnh đó, chính quyền Delhi dự kiến sẽ ngừng tiếp nhận đăng ký mới đối với xe máy chạy bằng xăng, dầu và CNG kể từ tháng 8/2026. Việc đăng ký xe ba bánh sử dụng nhiên liệu hóa thạch cũng sẽ chấm dứt sớm hơn, vào tháng 8/2025. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2027, 95% xe mới đăng ký sẽ là xe điện, và con số này sẽ tăng lên 98% vào năm 2030. Delhi cũng đang tích cực điện hóa hệ thống xe buýt và xe thu gom rác.

Thủ đô Ấn Độ hiện triển khai chính sách hỗ trợ tài chính cho người mua xe điện, với mức ưu đãi lên tới 25% chi phí. Đồng thời, trong giai đoạn 2025–2026, các hộ gia đình tiêu thụ dưới 200 kWh điện mỗi tháng sẽ được miễn phí hoàn toàn, trong khi những hộ dùng từ 200 đến 401 kWh sẽ được trợ giá 50%.

Thủ đô Delhi cấm bán nhiên liệu cho xe quá cũ (Ảnh: The Hindu).

Thủ đô Delhi cấm bán nhiên liệu cho xe quá cũ (Ảnh: The Hindu).

Thủ đô Luân Đôn, Anh:

Luân Đôn chưa cấm hoàn toàn xe máy xăng nhưng áp dụng nhiều biện pháp hạn chế như thu phí cao tại khu vực ULEZ đối với phương tiện không đạt chuẩn khí thải. Mục tiêu là khuyến khích sử dụng xe điện và giảm ô nhiễm, trong khi vẫn giữ sự linh hoạt cho người dân.