Tesla liên tục cải thiện chất lượng dịch vụ xe tự lái bằng cách trích xuất và xem lại camera của hàng nghìn tài xế. Hãng tập trung chủ yếu vào 2 nhóm đối tượng: Elon Musk và nhóm tài xế VIP được chọn lọc.
Theo cuộc trò chuyện với các nhân viên Tesla, mọi dữ liệu từ những người lái xe được cho là ‘nổi tiếng’, chẳng hạn như YouTuber, cũng được ưu tiên xem xét để giải quyết các vấn đề liên quan đến phần mềm tự lái. Kết quả, phần mềm tự lái của hãng có thể điều hướng tốt hơn các tuyến đường mà Musk và những tài xế đặc biệt kể trên đã đi qua.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều này đồng nghĩa với việc nguồn lực Tesla đang được phân bổ không đồng đều. Chúng có thể gây xao nhãng sứ mệnh lớn hơn là tạo ra một công ty lái xe tự động dành cho tất cả mọi người.
Được biết, mỗi chiếc Tesla được trang bị 9 camera. Chủ xe có thể lựa chọn chia sẻ video từ những camera này để cải thiện hệ thống của Tesla. Đội ngũ chú thích dữ liệu sau đó sẽ xem xét các clip và sử dụng hình ảnh để đào tạo hệ thống thực hiện rẽ trái/phải đúng cách hoặc xác định biển báo dừng. Nhóm chú thích dữ liệu có thể cập nhật cơ sở dữ liệu toàn cầu của Tesla để giúp những chiếc Tesla khác tránh gặp phải tình huống tương tự.
Nhiều công nhân cho biết việc phân tích dữ liệu từ các của chính ông chủ Musk là ưu tiên hàng đầu. Họ thừa nhận đã dành rất nhiều thời gian dán nhãn các tuyến đường ra vào nhà máy Tesla ở Austin và Fremont, California, cũng như văn phòng SpaceX ở Hawthorne, California. Sự tập trung tương tự không được dành cho các bãi đỗ xe của nhà máy hoặc văn phòng khác.
John Bernal, cựu chuyên gia phân tích và lái thử xe Autopilot, cho biết họ được yêu cầu dành nhiều thời gian phân tích dữ liệu từ xe của Musk. “Có vẻ khá rõ ràng là trải nghiệm của Elon sẽ tốt hơn bất kỳ ai khác”, một cựu nhân viên cho biết.
Một số công nhân nghi ngại điều này.
“Có vẻ như chúng tôi cố tình cải tiến xe của Musk để khiến Autopilot trông thật khác biệt”, một cựu nhân viên khác cho biết. “Điều đó thật không trung thực”.
Theo lời một số nhân viên, người làm công việc dán nhãn dữ liệu sẽ rất dễ bị sa thải nếu sai sót. Họ đã từng chứng kiến một trường hợp bị hộ tống ra khỏi cơ sở của Tesla ở Buffalo, New York do không dán nhãn đúng cách cho biển báo lối ra đường cao tốc.
Musk không phải là tài xế duy nhất được đối xử đặc biệt.
Kể từ khi FSD được ra mắt vào năm 2020, cả những người hâm mộ và chỉ trích Tesla đã lên mạng xã hội chia sẻ loạt video về công nghệ này, từ các đoạn clip ghi lại cảnh xe tự lái vượt qua cung đường khó đến các video xe điện nhầm mặt trăng với biển báo dừng.
Những video này không qua mắt được nhân viên Tesla. Trên thực tế, công ty đã tạo ra một hệ thống ưu tiên dữ liệu từ những tài xế có nhiều khả năng chia sẻ trải nghiệm của họ. Họ được gọi nội bộ là người dùng VIP.
Dữ liệu thu thập được từ người dùng VIP, bao gồm cả những tài xế Tesla nổi tiếng, sẽ được xem xét kỹ lưỡng hơn. Một số nhân viên làm việc trên dữ liệu VIP trước khi cập nhật FSD đã nhận được tiền làm thêm giờ.
“Chúng tôi sẽ chú thích mọi khu vực mà chiếc xe thường xuyên đi qua”, một cựu nhân viên nói. “Chúng tôi sẽ tập trung vào nơi họ sống và dán nhãn mọi thứ chúng tôi có thể dọc theo tuyến đường đó”.
Ngoài ra, Tesla còn cử nhiều tài xế thử nghiệm đến các tuyến đường mà nhiều YouTuber đã đi. Bernal là một trong tám tài xế thử nghiệm đã đến Lombard Street để tìm giải pháp, sau khi Balwani, còn được biết đến với tài khoản YouTube Tesla Raj, đăng một video cố gắng lái xe trên con đường quanh co nổi tiếng này.
Được biết Bernal đã bị sa thải vào năm 2022, sau khi chia sẻ một loạt video trên kênh YouTube về chiếc Tesla cá nhân gặp trục trặc.
Theo Missy Cummings, cựu cố vấn an toàn của Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường bộ Quốc gia, việc Tesla chỉ tập trung vào Musk và người dùng VIP có thể gây bất lợi cho những nỗ lực của công ty nhằm đạt được mục tiêu lái xe tự động thực sự .
“Sẽ rất khó để sản xuất một chiếc xe tự lái dành cho đại chúng nếu nó chỉ hoạt động tốt trong phạm vi nhà của Elon”, Missy Cummings nói.
Còn với Philip Koopman, một chuyên gia về kỹ thuật máy tính tại Đại học Carnegie Mellon, vấn đề nằm ở chỗ liệu việc Tesla tập trung vào người dùng VIP có góp phần tạo ra những cải tiến chuyên biệt hay không.
“Tôi cho rằng có áp lực tiếp thị nhằm làm cho các tài xế VIP trông đẹp hơn trong video của họ. Thật khó để biết bao nhiêu phần trong số đó là thật, là giả nếu Tesla không tiết lộ mức độ cải thiện về an toàn”.
Được biết trước đó, Viện Bảo hiểm An toàn đường cao tốc Mỹ (IIHS) đã công bố kết quả đánh giá mức độ an toàn của công nghệ lái xe tự động. Hệ thống tự lái của hãng xe điện Tesla và các nhà sản xuất ô tô hàng đầu khác bị đánh giá là “kém an toàn”.
IIHS - tổ chức đánh giá an toàn xe uy tín hàng đầu của Mỹ cũng cho biết, dựa trên cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông, không có bằng chứng nào cho thấy hệ thống tự lái Autopilot của Tesla hoặc các hệ thống hỗ trợ lái xe khác mang lại lợi ích an toàn thực sự cho người sử dụng.
Theo Chủ tịch IIHS David Harkey, sau khi so sánh dữ liệu xe tự lái và xe không hỗ trợ tự lái, IIHS nhận thấy số lượng hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm không giảm. Hệ thống phanh khẩn cấp tự động chỉ giúp giảm 50% số vụ va chạm từ phía sau và 30% số vụ đâm xe vào người đi bộ.
Ngoài Autopilot của Tesla, các hệ thống tự lái của các hãng xe khác như Mercedes-Benz, BMW, Nissan, Ford, GM, thương hiệu Genesis của Hyundai…cũng bị đánh giá “kém an toàn”.
Theo: Business Insider, WSJ