Tình hình vi phạm giao thông trong những tháng gần đây vẫn diễn biến rất phức tạp. Ở Hà Nội, chỉ tính riêng 1 tháng (tính từ ngày 16/5/2024 đến 16/6/2024), cảnh sát giao thông (CSGT) đã xử phạt 2.847 trường hợp vi phạm, số tiền phạt ước tính 2.553 tỷ đồng. Trong đó, có rất nhiều trường hợp vi phạm là lái xe máy.
Các lái xe máy hiện nay vẫn thường mắc phải những lỗi vi phạm khi lưu thông trên đường. Dù cho mức xử phạt cho các lỗi vi phạm giao thông đối với xe máy cũng đã được siết chặt hơn. Cụ thể là các lỗi vi phạm giao thông thường gặp và mức phạt cụ thể sau đây:
Đối với lỗi chạy quá tốc độ đối với xe máy năm 2024, theo quy định tại Điểm c khoản 2, điểm a khoản 4, điểm a khoản 7, điểm c khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, sẽ bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 5 triệu đồng. Tùy vào mức vi phạm cụ thể.
Trong đó, phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h. Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 đến 04 tháng.
Theo Điểm e khoản 4, điểm b, c khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP, đối với lỗi vượt đèn đỏ, đèn vàng, lái xe máy, mô tô (kể cả xe máy điện) sẽ bị xử phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Đồng thời hành vi vượt đèn đỏ, vượt đèn vàng đối với mô tô, xe gắn máy sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng. Nếu thực hiện hành vi trên mà gây tai nạn giao thông thì sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.
Một lỗi vi phạm thường gặp nữa là sử dụng điện thoại khi lái xe máy. Đối với lỗi này, mức phạt tiền áp dụng từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy có hành vi sử dụng điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính.
Ngoài phạt tiền, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như: Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng; Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng nếu thực hiện hành vi vi phạm gây tai nạn giao thông.
Đối với lỗi không có hoặc không mang giấy đăng ký xe, lái xe máy cũng bị phạt rất nghiêm. Trong đó, trường hợp không có giấy đăng ký xe (cà vẹt xe) bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Đồng thời, nếu không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của phương tiện sẽ bị tịch thu phương tiện sung vào ngân sách nhà nước.
Trường hợp không mang theo giấy đăng ký xe (cà vẹt xe) sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.Đối với lỗi không có hoặc không mang giấy phép lái xe, người điều khiển xe mô tô (xe máy) và các loại xe tương tự xe mô tô không mang theo bằng lái xe thì bị phạt phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. Người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô mà không có bằng lái xe thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên, xe mô tô ba bánh mà không có bằng lái xe thì bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Đối với lỗi không có hoặc không mang bảo hiểm xe máy, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (bảo hiểm xe máy) còn hiệu lực thì bị phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
Một lỗi vi phạm nữa vẫn còn nhiều người mắc phải là không đội mũ bảo hiểm. Với hành vi này, lái xe máy có thể bị phạt tiền từ 400.000 đến 600.000 đồng.