Thời gian vừa qua nhiều người có thói quen mặc trang phục của các loại xe công nghệ với nhiều mục đích khác nhau. Một trong số đó lại cho rằng việc mặc các loại áo này sẽ “đánh lừa” được Cảnh sát giao thông vì lực lượng này sẽ nghĩ rằng những người mặc áo lái xe công nghệ sẽ tuyệt đối không uống rượu, bia.
Nhiều ý kiến thắc mắc việc mặc áo các loại xe công nghệ như vậy có vi phạm giao thông?
Trao đổi với PLO, Luật sư (LS) Đoàn Thị Hồng Linh, Đoàn LS TP.HCM cho biết, hiện nay, vấn đề xử lý vi phạm về nồng độ đang được cơ quan chức năng siết chặt. Đa số người dân đều đồng tình quan điểm khi đã sử dụng rượu, bia thì không tham gia giao thông mà gọi xe taxi, xe ôm công nghệ để về, tuân thủ đúng quy định để an toàn và tránh bị xử phạt. Tuy nhiên, một số khác lại “né tránh” việc đo nồng độ cồn sau khi sử dụng rượu bia bằng cách rủ nhau mua áo của tài xế công nghệ nhằm tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.
Mặc đồ tài xế công nghệ có bị đo nồng độ cồn? Ảnh: NGUYỄN YÊN
“Việc đo nồng độ cồn sẽ được thực hiện khi Cảnh sát giao thông phát hiện có dấu hiệu vi phạm. Theo đó, cá nhân dù có mặc trang phục như thế nào khi tham gia giao thông mà có dấu hiệu vi phạm về nồng độ cồn cũng sẽ bị dừng xe kiểm tra và bị xử lý triệt để như những trường hợp vi phạm”- LS Hồng Linh nhấn mạnh.
Theo LS, đối với việc mặc trang phục như thế nào là quyền tự do cá nhân của mỗi người và hiện nay cũng không có quy định xử phạt tăng nặng đối với cá nhân mặc áo tài xế công nghệ để “cố tình” né tránh lực lượng Cảnh sát giao thông khi đã sử dụng rượu bia.
“Như vậy, người điều khiển xe máy có hành vi cố ý mặc áo tài xế công nghệ để tránh né Cảnh sát giao thông khi đã sử dụng rượu bia thì cũng chỉ bị xử phạt theo quy định của pháp luật về nồng độ cồn tại Điều 6 Nghị định 100/2019. Theo đó, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển xe gắn máy (kể cả xe máy điện) có nồng độ cồn”- LS Hồng Linh cho hay.
Theo LS Hồng Linh, mức phạt có thể bị xử lý như sau: Chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở: Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng.
Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở: Phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng.
Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở: Phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng.
Đồng thời, người vi phạm có thể bị xử phạt theo hình thức xử phạt bổ sung được quy định tại khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019 (sửa đổi bởi điểm c khoản 35 Điều 2 Nghị định 123/2021). Theo đó, ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là tước Giấy phép lái xe (GPLX), thời gian tước GPLX đối với người vi phạm nồng độ cồn gây mất an toàn giao thông được quy định như sau:
- Chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở: bị tước quyền sử dụng GPLX từ 10 tháng đến 12 tháng.
- Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở: bị tước quyền sử dụng GPLX từ 16 tháng đến 18 tháng.
- Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở: bị tước quyền sử dụng GPLX từ 22 tháng đến 24 tháng.
Ngoài ra, tại điểm a khoản 2 Điều 21 Nghị định 144/2021 (quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng chống chữa cháy; cứu hộ cứu nạn; phòng chống bạo lực gia đình) có quy định hình thức xử phạt trong trường hợp người điều khiển xe máy không hợp tác đo nồng độ cồn với mức xử phạt vi phạm hành chính từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.
“Việc mua bán trang phục của các tài xế xe ôm công nghệ tràn lan như hiện nay không những tạo ra những hệ luỵ xấu, gây ảnh hưởng trật tự, an toàn xã hội mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của chính các hãng xe. Do đó, nhằm bảo vệ cho chính doanh nghiệp và người tiêu dùng, các hãng xe cần tích cực, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng để xử lý các trường hợp vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, phòng ngừa tội phạm”- LS Hồng Linh nhấn mạnh.