Các hãng xe Trung Quốc giục chính phủ đáp trả châu Âu

Một tuần sau khi EU tăng thuế nhập khẩu với xe điện Trung Quốc, các hãng xe nước này muốn chính phủ có động thái tương tự với xe xăng.

Ngày 19/6, tờ Global Times đưa tin trong một cuộc họp kín có sự tham gia của các hãng xe châu Âu, doanh nghiệp ôtô Trung Quốc "đã kêu gọi chính phủ áp dụng biện pháp đáp trả, đồng thời cân nhắc nâng thuế nhập khẩu với xe xăng có dung tích động cơ lớn".

Cuộc họp được tổ chức bởi Bộ Thương mại Trung Quốc, có sự tham gia của các thương hiệu như SAIC, BYD, Volkswagen, Mercedes-Benz, Stellantis và Renault.

Mục tiêu của cuộc họp là gây sức ép lên châu Âu sau khi Brussels tuần trước thông báo tăng thuế với xe điện Trung Quốc. Hôm 12/6, Liên minh châu Âu (EU) thông báo áp thuế chống trợ giá lên tới 38,1% với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tháng trước, Global Times đưa tin Trung tâm Nghiên cứu chính sách và chiến lược ôtô Trung Quốc đề xuất nước này nâng thuế nhập khẩu với xe xăng cỡ lớn lên 25%. Mức hiện tại là 15%.

BMW-9604-1718871160.jpg

Một chiếc xe điện của BMW trưng bày tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: Reuters

Theo số liệu của Hiệp hội Xe chở khách Trung Quốc, xe có động cơ lớn hơn 2,5 lít từ châu Âu xuất khẩu sang nước này đạt 196.000 chiếc năm ngoái. Con số này tăng 11% so với cùng kỳ năm trước đó.

Trung Quốc đóng góp 30% doanh thu cho các hãng xe Đức. Đức hiện cũng là nước xuất khẩu xe có dung tích động cơ 2,5 lít trở lên lớn nhất sang Trung Quốc. Từ đầu năm, họ đã bán 1,2 tỷ USD xe loại này sang đây, theo số liệu của Hải quan Trung Quốc.

Dù vậy, Reuters trích các nguồn tin trong ngành cho biết cả Trung Quốc và châu Âu đều muốn đạt thỏa thuận trong vài tháng tới, nhằm hạ nhiệt căng thẳng thương mại. Việc này cũng sẽ giúp các hãng xe điện Trung Quốc giảm hàng tỷ USD chi phí.

Một người phát ngôn của Mercedes-Benz cho biết họ ủng hộ thương mại tự do dựa trên các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). "Với tình hình toàn cầu hóa và phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế hiện tại, phương châm của chúng tôi nhằm đảm bảo hòa bình và thịnh vượng là luôn hợp tác, đối thoại mang tính xây dựng. Chúng tôi mong muốn các chính trị gia tiếp tục đối thoại", người này nói.

Hôm 19/6, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết đang đánh giá tình hình "trên quan điểm tìm cách để hai bên có giải pháp chung". Thời gian qua, chính sách thương mại của EU mang tính bảo hộ nhiều hơn, do lo ngại mô hình tăng trưởng của Trung Quốc sẽ khiến hàng giá rẻ nước này tràn vào châu Âu. Các công ty Trung Quốc đang đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là xe điện, do nhu cầu trong nước yếu đi.

"Tôi cho rằng việc đơn phương tăng thuế nhập khẩu như vậy là không công bằng, nếu chỉ dựa trên lý luận là nhu cầu xe điện tại Trung Quốc yếu. Giới chức Trung Quốc đã áp dụng nhiều chính sách để giải quyết dư thừa công suất. Vài năm tới, tình hình sẽ hạ nhiệt", Zhang Yansheng - nhà nghiên cứu tại Trung tâm Kinh tế Quốc tế Trung Quốc nhận định.

Giới chức Trung Quốc gần đây phát tín hiệu có thể đáp trả thuế nhập khẩu của châu Âu. Đầu tuần này, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng thông báo sẽ điều tra chống bán phá giá với thịt lợn và các phụ phẩm khác nhập khẩu từ EU.

Theo Báo điện tử VnExpress