Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh châu Âu EU và Việt Nam (EVFTA) vừa được thông qua ngày hôm qua (12/2/2020). Theo đó, sau 7 năm kể từ thời điểm này, EU sẽ xoá bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế. Trong giai đoạn đó, thuế sẽ giảm theo lộ trình. Ô tô cũng nằm trong nhóm hàng được hưởng ưu đãi thuế theo EVFTA.
Một chiếc Mercedes-Benz GLB 200 có giá tại Đức khoảng 38.000 euro (tương đương 960 triệu đồng) khi được đưa về Việt Nam sẽ phải chịu thuế nhập khẩu gần 750 triệu, thuế tiêu thụ đặc biệt 336 triệu đồng. Giá xe có thể tới hơn 2 tỷ đồng. Nếu bỏ thuế nhập khẩu, giá chiếc GLB này chỉ còn khoảng 1,3 tỷ đồng.
Xe càng đắt tiền, mức ưu đãi thuế tính ra càng nhiều. Một chiếc BMW X7 bản tiêu chuẩn có giá tham khảo khoảng 100.000 euro (khoảng 2,52 tỷ đồng) sẽ phải chịu thuế nhập khẩu 1,96 tỷ đồng, thuế tiêu thụ đặc biệt 1,5 tỷ đồng. Giá xe có thể tới 6 tỷ đồng. Nếu không tính thuế nhập khẩu, giá xe chỉ còn khoảng 4 tỷ đồng.
Hiện tại, thuế nhập khẩu châu Âu về Việt Nam áp dụng với xe con là 74% với xe có dung tích xy-lanh trên 3 lít và 78% với xe có dung tích dưới 3 lít. Xe tải (gồm cả bán tải) chịu thuế nhập khẩu 65%.
Tuy nhiên, thuế xuất/nhập khẩu về 0%, giá xe thấp hơn vài trăm triệu đến cả tỷ đồng chỉ là trên lý thuyết. Thuế giảm, giá xe chưa chắc đã giảm. Kể từ khi Hiệp định Thương mại Hàng hoá ASEAN (ATIGA) có hiệu lực, những chiếc xe nhập Indonesia và Thái Lan về Việt Nam đã có giá "mềm" nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với thị trường nước bạn.
Honda CR-V tưởng như hưởng lợi từ thuế nhập khẩu 0% nhưng đang đứng trước bài toán quay lại lắp ráp.
Lấy ví dụ mẫu xe nhập khẩu bán chạy nhất Việt Nam năm qua là Mitsubishi Xpander, xe có giá khởi điểm từ khoảng 190 triệu rupiah (khoảng 320 triệu đồng) tại Indonesia nhưng khi về Việt Nam, giá thấp nhất của mẫu xe này là 550 triệu đồng. Tất nhiên, một chiếc xe khi nhập về Việt Nam còn phát sinh nhiều chi phí khác nhưng mức chênh lệch tới hơn 200 triệu đồng cho một mẫu xe "bình dân" là con số không hề nhỏ.
Ngoài ra, các Nghị định mới được ban hành cũng có khả năng tạo rào cản để nhập ô tô "giá rẻ" về Việt Nam. Nghị định 116 từng khiến nhiều doanh nghiệp không thể nhập được xe về vào đầu năm 2018, lao đao bởi không có xe để bán. Nhìn theo hướng tích cực, điều đó một phần là để bảo hộ ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, khuyến khích tạo ra những giá trị trong nước.
Toyota Fortuner bất thành trong việc chuyển từ lắp sang nhập để rồi giờ phải quay lại con đường lắp ráp.
Tương tự ATIGA, EVFTA không chỉ tạo cơ hội cho việc nhập ô tô về Việt Nam mà còn tạo điều kiện cho xe lắp ráp trong nước xuất khẩu ra nước ngoài. Thuế sẽ về 0% khi những chiếc xe lắp tại Việt Nam đạt đủ điều kiện nội địa hoá xuất khẩu sang châu Âu. Song, so với thị trường khác như Đông Nam Á, tiêu chuẩn cho xe bán tại châu Âu khắt khe hơn rất nhiều nên các doanh nghiệp sẽ gặp phải thách thức không hề nhỏ.
THACO là một ví dụ khi được hưởng ưu đãi thuế để xuất khẩu những chiếc Kia Cerato và Sedona sang Myanmar hay Thái Lan. Các doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực đẩy mạnh tỷ lệ nội địa hoá để có thể xuất khẩu được xe chứ không chỉ đơn thuần phục vụ người tiêu dùng trong nước.
VinFast cũng có thể dễ dàng tiếp cận thị trường châu Âu nhờ EVFTA. Hãng xe Việt dường như đã tính trước cơ hội này khi lên kế hoạch xuất khẩu xe sang châu Âu ngay từ ban đầu. Một vài chiếc Lux SA2.0 và Lux A2.0 đã được bắt gặp chạy thử trên đường phố Tây Ban Nha, đeo biển số của Áo. Ba mẫu xe đầu tay của VinFast cũng đã được thử nghiệm an toàn tại Đức và đều đạt tiêu chuẩn.