Kia Sonet bớt áp lực trước Toyota Raize nhờ giảm 50% phí trước bạ

Toyota Raize đang đè nặng áp lực lên Kia Sonet bằng mức giá đồn đoán quanh 530 triệu đồng nhưng nếu lệ phí trước bạ giảm 50% với xe lắp ráp trong nước, Kia Sonet sẽ lấy lại được thế cân bằng.

Bộ Tài chính vừa đưa ra dự thảo Nghị định về mức thu lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu hiện hành. Thời gian thực hiện Nghị định này tương đương lần đầu tiên, khoảng nửa năm, dự kiến từ 15/11/2021 đến hết ngày 15/5/2022.

Với mức thu lệ phí trước bạ mới, các mẫu xe sản xuất, lắp ráp trong nước một lần nữa chiếm ưu thế trước các đối thủ nhập khẩu nguyên chiếc. Được quan tâm nhất lúc này là cuộc đua giữa Kia Sonet và Toyota Raize.

Nhờ chính sách ưu đãi phí trước bạ mới, Kia Sonet sẽ bớt áp lực cạnh tranh với Toyota Raize có giá và trang bị tốt hơn.

Được xem là tiên phong trong nhóm SUV cỡ nhỏ, Kia Sonet vừa được ra mắt với mức giá dao động 499-609 triệu đồng và được lắp ráp trong nước. Trong khi đó, đối thủ lớn nhất của Sonet là Toyota Raize vừa được ấn định thời gian ra mắt là 4/11 và nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia.

Dù chưa ra mắt, thông tin về trang bị cũng như giá bán của Raize đã bị rò rỉ từ tháng trước. Theo một số nhân viên bán hàng, Raize sẽ có giá trên trên dưới 530 triệu đồng. Mức giá của Raize được xem là tốt hơn đối thủ khi chỉ đắt hơn bản tiêu chuẩn của Sonet và rẻ hơn cả 3 phiên bản còn lại.

Lắp ráp trong nước đang giúp Kia Sonet ổn định nguồn cung và có thể hưởng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ. Trong khi đó, Toyota Raize có lợi thế chất lượng khi nhập khẩu nguyên chiếc. 

Lệ phí trước bạ không làm thay đổi giá niêm yết, tức Toyota Raize vẫn có thể có lợi trên giấy tờ nếu đúng với mức giá đồn đoán. Nhưng giá lăn bánh lại là câu chuyện khác. Với mức thu phí trước bạ mới, giá lăn bánh của Kia Sonet sẽ giảm từ 25 triệu đồng đến hơn 36 triệu đồng. Tính ra giá lăn bánh, Toyota Raize có thể chỉ còn lợi thế so với bản cao nhất của Sonet có giá 609 triệu đồng.

Tuy nhiên, đây không hẳn là lợi thế 100%. Theo đánh giá từ giới chuyên gia dựa trên một số khảo sát thực tế, thông tin lệ phí trước bạ có thể giảm 50% khiến khách hàng Việt dừng quyết định xuống tiền ngay với các xe lắp ráp trong nước. Điều đó làm mất thế tiên phong vốn được THACO cố gắng tạo ra trong lễ ra mắt đồng loạt các xe chủ chốt ngay khi giãn cách xã hội được nới lỏng. Cuộc đua vốn chứng kiến Kia Sonet chạy trước, giờ sẽ bắt đầu lại từ vạch xuất phát từ tháng 11 khi Toyota Raize chốt giá và chính sách về lệ phí trước bạ được chính thức áp dụng. 

Khi đó, việc chọn mẫu xe nào với khách hàng, sẽ phụ thuộc nhiều vào dải trang bị trên từng mẫu xe khi giá bán khá tương đồng. Bên cạnh đó, cách làm việc của hệ thống đại lý cũng sẽ tác động không nhỏ tới quyết định của khách hàng. Nếu "bia thêm lạc", sự chênh lệch giá bán sẽ xuất hiện. Và ở phân khúc dành cho những người mua xe lần đầu, vài chục triệu đồng dễ dàng tạo ra thay đổi hành vi.