Sau khi Thông tư 02 về đăng kiểm có hiệu lực, các ô tô thuộc diện được miễn đăng kiểm lần đầu không cần kiểm tra trên dây chuyền. Chủ xe chỉ cần mang giấy tờ theo quy định tới các trung tâm đăng kiểm lập hồ sơ phương tiện sẽ được cấp Giấy chứng nhận và Tem kiểm định.
Như vậy, chủ xe không phải bỏ ra từ 250.000 đến 570.000 đồng phí dịch vụ đăng kiểm, tùy theo loại xe. Thay vào đó, chủ phương tiện chỉ phải nộp phí cấp giấy chứng nhận đăng kiểm ôtô từ 40.000 đến 90.000 đồng vào ngân sách nhà nước.
Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết phương tiện không kiểm tra nhưng các trung tâm vẫn phải bố trí người lập hồ sơ, chi trả lương nhân viên, chi phí in ấn, điện nước. Do đó Cục đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung giá dịch vụ lập hồ sơ là 50.000 đồng với mỗi xe đăng kiểm lần đầu để giúp các trung tâm giảm khó khăn.
Theo đó một số Trung tâm Đăng kiểm cho rằng việc lập hồ sơ với các xe đăng kiểm lần đầu hiện tại cũng cần một nhân viên thực hiện với mức lương khoảng 9 triệu đồng/tháng, tương đương 300 nghìn đồng/ngày.
Ngoài ra, các loại chi phí bao gồm in ấn, điện nước, các chế độ đãi ngộ, nhà xưởng, văn phòng... trung bình mỗi ngày khoảng 450.000 - 500.000 đồng. Nếu mỗi ngày trung tâm có 10-15 xe mới được miễn kiểm định thì cần thu khoảng 50.000-60.000 đồng (bao gồm cả VAT) thì mới đủ để các đơn vị đăng kiểm chi trả các khoản chi phí và có lãi.
Theo Thông tư số 2/2023 của Bộ Giao thông Vận tải, xe chưa qua sử dụng được miễn kiểm định lần đầu, tính từ năm sản xuất đến năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận kiểm định dưới 2 năm. Việc sửa đổi quy định này nhằm góp phần giải quyết khủng hoảng đăng kiểm, khi hơn 70 trung tâm đăng kiểm phải đóng cửa, gần 500 người bị khởi tố, điều tra về các tội Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ, Giả mạo trong công tác và Sản xuất, mua bán công cụ, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật.