Trên thực tế Cảnh sát giao thông vẫn có thể phạt nồng độ cồn những người dắt bộ xe máy qua chốt kiểm soát nồng độ cồn nếu chứng minh được trước đó người vi phạm nồng độ cồn vẫn điều khiển xe máy.
Việc chứng minh này có thể thông qua các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (camera…) hoặc người làm chứng). Với trường hợp này thì CSGT có thể yêu cầu dừng xe kiểm tra, cho người vi phạm xem hình ảnh, kết quả ghi, thu được về hành vi vi phạm nếu đã có hình ảnh, kết quả ghi thu được tại đó. Nếu chưa có ngay hình ảnh, kết quả ghi, thu được thì hướng dẫn người vi phạm xem hình ảnh, kết quả ghi thu được khi đến xử lý vi phạm tại trụ sở đơn vị.
Ngoài ra, tuy đi bộ không bị xử phạt nồng độ cồn nhưng dắt bộ xe máy vẫn là hình thức "tham gia giao thông" dưới hình thức "người đi bộ" (theo khoản 22, Điều 3 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008). Do đó vẫn bị xử phạt nếu vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Điều 9, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về Xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:
"1. Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người đi bộ thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không đi đúng phần đường quy định; vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn;
b) Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này;
c) Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông;
d) Mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông;
đ) Đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy.
2. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc."
Chính vì thế, trong các bữa tiệc cuối năm hoặc khi có ý định đi nhậu, uống rượu bia thì người dân nên lựa chọn đi xe ôm hoặc taxi, thuê người lái xe để đảm bảo an toàn nhất.