Cửa làm ăn hẹp dần, ông lớn ô tô nguy cơ đóng cửa nhà máy

Do tác động của Covid-19, khó khăn với thị trường ô tô có thể còn kéo dài. Có DN không thể khôi phục lại sản xuất như kế hoạch đề ra, phải chuyển đổi mô hình kinh doanh từ sản xuất sang nhập khẩu.

Tính đường rút

Do thị trường suy giảm và hoạt động sản xuất bị gián đoạn bởi dịch Covid-19, Công ty Honda Việt Nam cho biết, có khả năng sẽ chuyển đổi mô hình kinh doanh từ sản xuất sang nhập khẩu.

Trong văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc “phối hợp nắm bắt khó khăn vướng mắc của DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”, Tổng Giám đốc Công ty Honda Việt Nam Keisuke Tsuruzono cho biết, quy mô sản xuất của công ty dự kiến giảm 30% đối với ô tô trong năm 2020.

Do tác động của dịch Covid-19, có thể kéo dài sang các năm tiếp theo, công ty khó có thể khôi phục lại sản xuất như kế hoạch đề ra. Sản lượng ô tô sản xuất sẽ giảm, trong khi nhu cầu tiêu dùng của người dân vẫn còn, dẫn đến việc Honda Việt Nam có khả năng chuyển đổi mô hình kinh doanh từ sản xuất sang nhập khẩu.

xe-lap-rap-1-1.jpgNhà máy Honda Vietnam hiện chỉ lắp ráp mẫu xe City.

Nhà máy ô tô Honda Việt Nam được khởi công vào tháng 6/2005, đi vào sản xuất từ tháng 8/2006, với vốn đầu tư 60 triệu USD, công suất 10.000 xe/năm. Các mẫu xe được sản xuất, lắp ráp tại đây trong 14 năm qua gồm Civic, CR-V và City. Tuy nhiên, vừa qua các mẫu Civic và CR-V đã chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc, hiện chỉ còn duy nhất mẫu City thuộc phân khúc sedan hạng B là lắp ráp trong nước.

Doanh số bán xe City mấy năm gần đây có chiều hướng giảm. Nếu năm 2018, số xe bán ra là 10.851 thì năm 2019 giảm còn 9.702 xe và quý 1/2020 là 1.509 xe. Honda Việt Nam dự kiến sản xuất giảm 30% thì mẫu xe này cả năm 2020 sẽ xuống dưới 7.000 chiếc.

Lý do, ngoài nguồn cung linh kiện thiếu hụt do dịch Covid-19 gây ra, còn bởi doanh số bán thấp. Tính ra, sản xuất lắp ráp không có lợi, khó cạnh tranh với xe nhập khẩu nguyên chiếc được hưởng ưu đãi thuế 0%.

So với các đối thủ cùng phân khúc, Honda City xếp vị trí thứ 3 nhưng có doanh số bán thấp hơn hẳn. Toyota Vios luôn dẫn đầu với doanh số ổn định hàng năm trên 27.000 xe. Hyundai Accent có doanh số tăng mạnh từ hơn 12.000 xe năm 2018 lên hơn 18.000 xe năm 2019. Ngược lại, Honda City đang thụt lùi. Doanh số bán thấp thì sản lượng thấp, dẫn đến chi phí sản xuất cao và khó cạnh tranh. Hiện xe sản xuất lắp ráp trong nước có chi phí cao hơn xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan và Indonesia khoảng 10-20%.

Tháng 3 vừa qua, Công ty Honda đã quyết định rút khỏi Philippines với việc dừng hoạt động nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô nằm ở phía Nam thủ đô Manila. Nhà máy này đi vào hoạt động từ năm 1992, sản xuất các mẫu BR-V và City. Honda dừng sản xuất tại Philippines là bởi giá xe nhập nguyên chiếc từ ASEAN về rẻ hơn. Năm 2019, Honda đã chứng kiến doanh số sụt giảm mạnh tại Philippines khi chỉ bán được 20.338 xe, giảm 12,7% so với 2018.

Việc Honda đóng cửa nhà máy ở Philippines ảnh hưởng tới khoảng 2.000 lao động. Ngoài 400 lao động thường xuyên tại nhà máy, nhiều lao động tại 6 công ty cung cấp phụ tùng cũng mất việc.

Trong khi đó, Nhà máy ô tô Honda tại Việt Nam có khoảng 400 lao động, cùng với đó là hàng nghìn lao động trong chuỗi giá trị như vận tải, nhà cung ứng vật tư, linh kiện...

cho-giam-thue-phi-mua-o-to-gia-re.jpg Ô tô sản xuất lắp ráp trong nước vẫn ngóng ưu đãi 

Rủi ro sản xuất ô tô

Không chỉ Honda Việt Nam, một số DN sản xuất lắp ráp ô tô khác cũng cho biết sẽ tái cơ cấu lại sau dịch Covid-19 để thích nghi với tình hình mới. Họ sẽ ngừng sản xuất với những mẫu xe không hiệu quả do doanh số và sản lượng giảm, thay vào đó là nhập nguyên chiếc về phân phối.

Trong báo cáo vừa gửi tới Quốc hội, Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam có nhiều dự án sản xuất, lắp ráp ô tô quy mô lớn, với mục tiêu không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu.

Số liệu thống kê cho thấy, số lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước vẫn lớn hơn xe nhập khẩu nguyên chiếc. Tuy nhiên, lợi thế này đang mất dần. Năm 2019, kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc đạt 3,1 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với 2018. Trong khi đó, ô tô sản xuất trong nước lại tăng trưởng âm.

Một trong những hạn chế của ô tô nội, được Bộ Công Thương chỉ ra, là giá bán vẫn cao so với các nước trong khu vực. Trong khi, tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp. Các sản phẩm đã được nội địa hoá có hàm lượng công nghệ thấp như: săm, lốp ô tô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa,...

Bộ Công Thương nhận xét, chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô thời gian qua đã có những tác động tích cực, nhưng không duy trì được lợi thế do ô tô nhập khẩu nguyên chiếc tăng mạnh từ đầu năm 2019 đến nay.

Hơn nữa, mới đây Chính phủ đã quyết định gỡ bỏ rào cản hành chính với xe nhập khẩu nguyên chiếc. Thủ tục thông quan rất thông thoáng, xe nhập từ ASEAN về lại được hưởng thuế ưu đãi 0%, dự báo sẽ tràn vào ngày càng nhiều. Vì vậy, đầu tư sản xuất lắp ráp ô tô trong nước rất rủi ro.

Theo ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc TC Motor, thị trường ô tô Việt Nam rất tiềm năng, nhưng đầu tư vào sản xuất trong tình hình hiện nay chịu rủi ro cao, trong khi làm thương mại an toàn hơn.

Bộ Công Thương cho rằng, nếu không có các ưu đãi đủ sức hấp dẫn, giúp xe trong nước cạnh tranh được với xe nhập khẩu nguyên chiếc, Việt Nam sẽ tiếp tục bỏ lỡ cơ hội thu hút các dự án đầu tư lớn vào ngành ô tô và ảnh hưởng đến sự tồn tại của các DN sản xuất lắp ráp ô tô trong nước.

Theo Trần Thủy (Báo điện tử ViẹtnamNet)