Vì sao Honda rút khỏi giải đua xe F1?

-AutoBikes.vn Honda rút khỏi giải đua xe F1 là một quyết định dựa trên nguồn lực phù hợp với các mục tiêu mới của mình.
vi sao honda rut khoi giai dua xe f1
 

Không lâu sau thông báo gây sốc trên, Honda nhấn mạnh rằng sẽ tiếp tục gia hạn thêm nhiều năm trong một giải đua khác là IndyCar. Hãng xe ở lại IndyCar với tư cách là nhà sản xuất động cơ hybrid mới từ năm 2023 trở về sau. Do đó, hãng xe Nhật Bản sẽ phát triển một động cơ hybrid tăng áp kép V6 mới có dung tích 2,4 lít và sức mạnh sản sinh ra công suất lên tới 900 HP.

Ted Klaus, Chủ tịch của Honda Performance Development cho biết: “Honda hoan nghênh việc IndyCar phát động việc sử dụng động cơ đốt trong kết hợp với công nghệ hybrid cho xe đua kể từ mùa giải NTT IndyCar Series 2022".

Trước đó, vào tháng 8/2019 Giải đua xe bánh hở (bánh xe nằm bên ngoài phần thân xe và thường chỉ có 1 ghế ngồi) IndyCar từng thông báo về việc sẽ áp dụng công nghệ hybrid “đơn nguồn” cho xe đua kể từ mùa giải NTT IndyCar Series 2022, nhằm nâng cao sức hấp dẫn và độ an toàn trong các cuộc đua.

Hai đối tác của IndyCar là Honda và Chevrolet sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kết hợp các yếu tố của động cơ đốt trong 2,4 lít với công nghệ hybrid. Điều này đồng nghĩa với việc, 2022 sẽ là mùa giải IndyCar đầu tiên mà các tay đua sẽ không khởi động xe bằng bộ khởi động điện cầm tay. Thay vào đó, các tay đua sẽ kích hoạt hệ thống hybrid ngay ở bên trong buồng lái.

Các quy định liên quan tới việc áp dụng công nghệ hybrid tại IndyCar sẽ có hiệu lực trong vòng 6 năm, từ mùa giải 2022 đến mùa 2027.

Quay lại vấn đề vì sao Honda rời F1. Lý do được cho là Honda đã tham gia IndyCar lâu đời hơn so với F1 (tham gia từ năm 1994) và đạt được nhiều thành tựu hơn.

Theo đó, Honda đã có 252 chiến thắng từ 457 cuộc đua, 16 danh hiệu tay đua, 8 chức vô địch nhà sản xuất và 13 chiến thắng Indianapolis 500. Ngoài ra, IndyCar cũng có số lượng người tham dự cuộc đua lớn hơn nhiều so với giải đua xe Công thức 1.

Trong khi đó, theo số liệu báo cáo, Indy 500 - giải đua xe danh tiếng diễn ra tại Indianapolis có khoảng 300.000 người tham dự vào năm 2019, trong khi giải đua Monaco Grand Prix có khoảng 200.000 người tham dự. Dù vậy, F1 báo cáo rằng họ có lượng người xem truyền hình toàn cầu cao hơn nhiều so với IndyCar.

Bên cạnh đó, việc rời F1 lần này không phải vì suy nghĩ “lợi nhuận ngắn hạn” mà vì sự thay đổi cơ bản về trọng tâm ô-tô và nguồn lực cần thiết để đạt được điều đó. Cụ thể hơn, nhà sản xuất Nhật Bản muốn trở nên trung hòa carbon vào năm 2050 và sản xuất 2/3 số xe chạy bằng điện vào năm 2030, để đáp lại điều mà CEO kiêm chủ tịch Honda là Takahiro Hachigo gọi là “thời kỳ chuyển đổi vĩ đại chỉ có một lần trong 100 năm”.

Mặc dù Honda chưa bao giờ công bố số liệu liên quan đến dự án F1 của mình, nhưng khoản đầu tư tài chính của họ đã rất lớn. Lợi tức từ khoản đầu tư đó quá nhỏ và việc cắt giảm chi phí xung quanh chương trình được coi là yếu tố quan trọng để thuyết phục hội đồng quản trị tiếp tục.

Honda cho biết mục tiêu điện khí hóa năm 2030 của họ được coi là “điểm nghẽn mà chúng tôi phải vượt qua” để đạt được mục tiêu năm 2050 và Honda tin rằng để đạt được điều này thì phải “đẩy nhanh hơn nữa việc giới thiệu các công nghệ không có carbon của chúng tôi”.

Hồi tháng 4 năm nay, Honda đã cơ cấu bộ phận nghiên cứu và phát triển của mình với việc thành lập Trung tâm Năng lượng, Đơn vị Năng lượng và Nghiên cứu Sáng tạo, nhằm tập trung vào các công nghệ trong tương lai.