Là một dược sỹ, lại là con cả trong gia đình, Cao Thanh Bình (1990) tự ý thức được việc "phá xe" vì những đam mê cá nhân cũng cần nằm trong một khuôn khổ hay những tính toán có phần thực dụng.
Có lẽ bởi vậy, dù sở hữu riêng cho mình mẫu bán tải Nissan Navara và trong garage không thiếu những cái tên "hầm hố" khác như Hyundai Kona, Ford Everest hay Mercedes-Benz E250, chàng trai trẻ này lại chọn một chiếc Toyota Altis 10 năm tuổi để thỏa mãn thú vui, đồng thời nâng cao kỹ năng lái xe trong cuộc sống. Dưới đây là những chia sẻ khá bất ngờ trong hành trình đầy thú vị ấy.
Mình có bằng lái đã 10 năm nay, và sau 5 năm đầu tiên thành thục với việc lái xe cơ bản, mình bắt đầu tìm hiểu sâu hơn với những kỹ năng lái xe nâng cao. Đam mê về xe cộ thì có sẵn từ bé, nhưng chính thức thì mình mới bắt đầu luyện tập bộ môn Gymkhana từ năm 2015, trong những khu đất biệt lập và dưới sự đồng ý của người thân.
Nói qua về xe, mình sở hữu riêng một chiếc Nissan Navara, còn chiếc Toyota Altis được mua vào năm 2009 này thuộc sở hữu của bố mẹ. Thời gian gần đây, khi bố mẹ đổi xe, cộng với công việc mình phải di chuyển nhiều hơn trong phố, chiếc sedan hạng C được mình ưu ái và sử dụng nhiều hơn.
Mình bắt đầu tập Gymkhana với bài đơn giản nhất là slalom, tự mua cọc, tự tham khảo, tập luyện và nâng cao kỹ năng. Bản thân phụ huynh cũng không phản đối sở thích của mình vì cũng phần nào tin tưởng vào kỹ năng lái xe mà mình có. Nói vui một chút là "Xe mẹ mua, nhưng đua mẹ không đánh".
Cùng năm đó, mình cùng người em trai tham gia một cuộc thi về Gymkhana do MINI tổ chức và may mắn trúng giải đặc biệt với một chuyến du lịch nước ngoài. Máu tốc độ lại càng sục sôi từ đó để tới giờ, mình lại mang chiếc Toyota Altis già nua đi đua.
Suốt 10 năm qua, chiếc Altis chỉ vận hành quãng đường 120.000 km và chủ yếu do mẹ cầm lái trong phố. Trong khi đó, mình mua chiếc Nissan Navara có vài năm mà đã cán mốc 100.000 km. Mẹ mình thì chắc không nằm trong số đông bị ám chỉ là "đừng bán xăng cho phụ nữ".
Là một người đàn ông, nhận lại xe từ một người phụ nữ, mình có thể cảm nhận được chiếc Altis luôn được sử dụng vô cùng nâng niu và cẩn trọng. Từ sơn ngoài hay nhựa nội thất trông đều rất mới vì xe được đặc biệt lưu tâm đến chuyện đỗ dưới bóng râm.
Là con trai cả, bản thân mình cũng phải là người sát sao nhất với từng lần bảo dưỡng cho mỗi chiếc xe trong gia đình. Thông thường, mình thay dầu cho các xe ở mức 8.000 km, thay vì 10.000 km như khuyến cáo. Nói chung, cuộc đời của chiếc Toyota Altis vốn yên ả bình lặng, cho tới khi chuyển qua cho mình sử dụng.
Cần gì ấy hả? Mình nghĩ 2 thứ quan trọng nhất là khung gầm vững chắc và động cơ bền bỉ. Mà 2 điều này thì có lẽ không cần đến mình nói, quá nhiều người Việt Nam suốt bao năm nay cũng đều ghi nhận rồi.
Ngày mua xe, thực tình gia đình cũng có phân vân giữa Toyota Altis và Honda Civic. Nhưng sau khi cả bố mẹ và mình so sánh độ ồn của động cơ và khả năng cách âm nội thất, lựa chọn trở nên rất rõ ràng. Và đến bây giờ, sau 10 năm, mình thấy động cơ ấy vẫn hoạt động với tiếng kêu êm ru như vậy, tất nhiên là ở trong điều kiện được chăm sóc và bảo dưỡng đúng cách.
Khi mình nói mình sẽ đi thi Gymkhana với Toyota Altis, nhiều bạn bè và người thân cho rằng mình đùa. Trong garage mình có một chiếc Mercedes-Benz E-Class, có cả SUV Ford Everest và Crossover cỡ nhỏ Hyundai Kona. Nhưng chiếc xe nhàm chán này vẫn có được những ưu điểm riêng nếu như biết tận dụng và thực sự hiểu nó.
Trong bộ môn Gymkhana, tốc độ đánh lái quyết định rất nhiều thứ. Trong nhiều trường hợp, thao tác đánh lái lại chỉ thực hiện bằng 1 tay, nên độ nặng của vô-lăng là yếu tố rất nhạy cảm. Vô-lăng Altis vốn đã nhẹ, với một người lái bán tải trợ lực dầu lâu năm như mình, khi chuyển qua tập Gymkhana với Toyota Altis, mọi thứ còn trở nên đơn giản hơn nữa.
Điều tiếp theo biến chiếc Toyota Altis trở thành một chiến binh chính hiệu là hộp số 4 cấp. Nghe đến đây chắc lại nhiều người cười, vì thời buổi này hộp số tự động 4 cấp đã là cái gì đó thuộc về thập kỷ trước rồi. Nhưng với quan điểm của mình, hộp số 4 cấp chính là trang bị quan trọng, giữ lại chút máu vận hành thể thao đầy thú vị cho chiếc xe bị gắn mác là vận hành nhạt nhẽo này.
Một khi đã bắt đầu chạy xe trong track Gymkhana, mình thường gạt cần số sang S và liên tục ép số thấp. Nếu là hộp số CVT của những chiếc Toyota Altis hiện tại, mình khó lòng có thể có được những cú đạp ga giật thốc và uy lực đến vậy.
Người Việt mình thì quen thuộc với khái niệm drift hơn, nhưng theo mình tìm hiểu, kỹ năng này thường được sử dụng trên những mẫu xe dẫn động cầu sau. Còn với những dòng xe dẫn động cầu trước như Toyota Altis, mọi người hay nhắc đến kỹ thuật stunt, mà kỹ thuật này cần sự trợ giúp đắc lực của phanh tay cơ học.
Nếu mang một chiếc xe có phanh tay điện tử đi thi gymkhana thì chỉ có chịu chết. Thế nên dù trước đó có nghe nhiều chê bai cỡ nào, nhưng đến lúc thực sự chơi Gymkhana, mình lại thấy may mắn vì sở hữu một chiếc xe với toàn những trang bị "chỉnh cơm" như thế này.
Thực tế, những chiếc xe cầu trước cũng thân thiện hơn đối với những người mới tập chơi Gymkhana. Bởi 2 bánh xe phía trước, vốn chịu trách nhiệm kéo chiếc xe đi cũng là 2 bánh điều hướng. Xe sẽ được kiểm soát tốt hơn và ít xảy ra hiện tượng văng đuôi ngoài tầm kiểm soát như xe dẫn động cầu sau.
À quên nữa, Toyota Altis 2009 chưa có cân bằng điện tử, nên cũng khỏi cần tắt. Quá tiện…
Câu trả lời đơn giản là không có nâng cấp gì hết, cứ mang xe như vậy đến thi thôi. Thi Gymkhana thì tốt hơn hết xe phải nhẹ. Vậy nên chuyện lắp thêm cái này cái kia gần như là không có. Chỉ có tháo bớt ra cho xe nhẹ hơn thôi. Nếu cần phải làm gì đó tối ưu cho chiếc xe này, thì chắc mình chỉ nghĩ được đến chuyện tháo hết ghế để giảm trọng lượng. Chứ Toyota mà, làm gì có gì để gỡ ra nữa…
Thay vì nâng cấp thì mình chú tâm nhiều hơn vào khâu chuẩn bị. Quan trọng nhất là lốp và động cơ. Tình trạng lốp, độ bám và áp suất luôn được mình kiểm tra trước khi vào track. Thông thường lốp mình bơm khoảng 2,2 kg thì lúc tập gymkhana bơm lên 2,6 – 2,8 kg. Mỗi góc của 2 cản trước/sau đều được mình dán decal để tránh xước khi va chạm với cọc.
Bên cạnh lốp thì thứ bị bào mòn, hoạt động hardcore nhất chính là động cơ. Và vì luôn phải làm việc ở tua cao nên máy rất nóng nên trước và sau khi chạy bắt buộc phải kiểm tra lại tình trạng hao hụt và chất lượng thông qua thước đo và màu sắc của dầu máy.
Thông thường, mình sẽ khởi động xe cho nóng máy rồi bắt đầu thăm dầu, tốt nhất mức dầu nên ở trên khoảng tối thiểu và dưới khoảng tối đa. Nếu thiếu dầu, động cơ không thể hoạt động trơn tru, nếu thừa dầu, khả năng động cơ bị phá hỏng các chi tiết cũng rất lớn. Nếu dầu thường xuyên bị hao hút thấy rõ, cần kiểm tra lại xem xe có bị hở xéc-măng hay zoăng phớt nào không.
Quay trở lại với câu chuyện vì sao chọn Altis trong khi mình có nhiều hơn 2 sự lựa chọn. Phải công nhận một thực tế rằng với môn thể thao tốn kém này, thì chi phí nuôi xe và chi phí rủi ro của những chiếc xe Nhật thấp hơn nhiều so với xe Đức.
Nếu mang một chiếc Mercedes-Benz E-Class đi thi Gymkhana, mình không biết sau mỗi buổi tập hoặc vài buổi tập, sẽ có bao nhiêu đèn báo hiệu, bao nhiêu cảm biến bật sáng trên taplo nữa. Còn với Altis, chiếc xe này chỉ có cảm biến chống trộm và cảm biến lùi thôi, còn những thứ còn lại thuần về mặt cơ khí, chứ không hề có điện tử can thiệp. Việc sửa chữa, bảo dưỡng cũng bớt phức tạp và tốn kém hơn.
Khi di chuyển hàng ngày, chiếc Altis sử dụng lốp Michelin để tối ưu sự mềm mại và khả năng vận hành êm ái. Còn lúc tập Gymkhana, mình sử dụng loại lốp cứng hơn là Yokohama.
So với sự êm ái của nổi tiếng của Michelin, những bộ lốp cứng sở hữu thành lốp rắn hơn, giúp xe không bị nhún nhiều trong những tình huống cua gắt. Bản thân những lốp cứng cũng lâu mòn hơn so với những bộ lốp mềm và êm ái. Mâm xe được giữ nguyên kích thước tiêu chuẩn 15 inch nên chi phí mua lốp không quá đắt. Chỉ khoảng hơn 8 triệu cho 4 lốp. Một bộ lốp như vậy sẽ sử dụng được trong 3 buổi tập, mỗi buổi trung bình từ 1,5 – 2 giờ đồng hồ.
Về dầu máy, mình sử dụng loại dầu tổng hợp hoàn toàn. Do xe cần lực kéo lớn và hoạt động ở vòng tua cao trên 4.000 vòng/phút nên mình cần động cơ được bôi trơn một cách hoàn hảo nhất. Chi phí cho mỗi lần thay dầu rơi vào khoảng hơn 800.000 – 900.000 đồng (giá bán của dầu tổng hợp khoảng 200.000 đồng/lít). Dầu sẽ được thay sau khoảng 6 buổi tập. Tức trung bình sẽ có 1 lần thay dầu sau mỗi 2 lần thay lốp.
Kết thúc vòng loại khu vực phía Bắc, mình may mắn là 1 trong 3 người có thành tích tốt nhất trong hạng mục dành cho xe dẫn động cầu trước có động cơ trên 1.6L.
Vòng loại toàn quốc diễn ra sau Tết Nguyên dán có lẽ sẽ là một thử thách thực sự dành cho kỹ năng của bản thân. Để nói về Gymkhana, mình nghĩ rằng đây là một môn thể thao mà anh em mê xe hay bất cứ ai có điều kiện nên luyện tập. Luyện tập để biết giới hạn của bản thân và chiếc xe mình cầm lái. Qua đó vững tâm hơn với những tình huống bất ngờ xảy đến khi tham gia giao thông.