Là người sáng lập hội “Anh em VF 9 - VF 9 Club”, Nguyễn Đức Tuấn (Hà Nội), hay còn được nhớ tới với cái tên Tora Nguyễn, đã có rất nhiều trải nghiệm không chỉ với xe VF 9 mà còn với nhiều người dùng xe VF 9 khác trên toàn quốc. Anh Tuấn là một trong những người tổ chức chuyến xuyên Việt bằng 9 chiếc VF 9 trong tháng 7 vừa rồi và cũng lên kế hoạch cho một “show” hoành tráng với sự tham gia của 333 chiếc VF 9 trong tháng 8 này tại Hà Nội.
Anh Tuấn là một người làm kinh doanh. Mặc dù thuộc thế hệ 9X, anh Tuấn đã có gần 20 năm sinh sống, học tập và làm việc tại châu Âu. Gia đình anh Tuấn có sở hữu những chiếc xe sang. Một “background” như vậy đã khiến chúng tôi tò mò về lý do mà anh Tuấn chọn chiếc xe đầu tiên của mình khi về Việt Nam là xe VinFast, chứ không phải một chiếc xe sang hay một thương hiệu xe đến từ châu Âu.
Chào anh. Với ngần ấy năm sinh sống ở châu Âu, tại sao anh lại chọn thương hiệu VinFast cho chiếc xe đầu tiên của mình khi về nước?
Mình và gia đình mình có xu hướng “sính nội”. Bản thân mình trong suốt quãng thời gian dài ở nước ngoài luôn thèm ăn một bát phở, ăn những món đồ Việt Nam, thèm uống một cốc cà phê G7. Khi về Việt Nam, mình rất muốn ủng hộ những sản phẩm của nước nhà. Những đôi giày của mình đi đang là giày Biti’s. Mình còn đi săn những đôi Biti’s Hunter ở thời điểm mà Sơn Tùng quảng bá cho dòng sản phẩm này.
Khi mà VinFast công bố những mẫu concept Lux đầu tiên thì mình vẫn còn đi xe máy. Thế nhưng, khi đó, mình đã nghĩ rằng nếu sau này đủ khả năng để mua chiếc ô tô cho chính mình thì mình sẽ chọn một chiếc Lux. Sau đó, mình mua chiếc Lux SA2.0 là chiếc xe đầu tiên và vẫn giữ đến tận bây giờ. Chiếc xe thứ hai của mình là chiếc VF 9 này đây.
Nếu xét về khía cạnh ủng hộ hàng Việt đơn thuần thôi, thì những chiếc áo, đôi giày còn dễ dàng để bỏ tiền ra để trải nghiệm. Tuy nhiên, với chiếc xe có giá trị lớn như VF 9, thì có lẽ câu chuyện không chỉ dừng lại ở việc ủng hộ phải không?
Mình và những anh em sử dụng VF 9 hay nói đùa với nhau rằng chủ xe VF 9 phải là những người có tâm lý cực kỳ vững vàng. Quyết định mua một chiếc xe của Việt Nam với tầm giá như thế này nó phải vượt qua định kiến của xã hội, vượt cả sự cấm cản của gia đình.
Nếu chỉ xét về giá và trang bị trên giấy tờ, rõ ràng VF 9 là một chiếc xe rất hấp dẫn. Lux SA2.0 cũng là một chiếc xe tốt, vì dùng chung nền tảng khung gầm với xe BMW. Sau một thời gian trải nghiệm chiếc Lux SA2.0, mình đã có niềm tin về chất lượng xe và chất lượng dịch vụ hậu mãi của VinFast nên cũng muốn tiếp tục sử dụng xe của hãng xe Việt.
Cá nhân mình là người mê xe nên mình đã tìm hiểu trước rất kỹ về xe điện VinFast thông qua mẫu VF e34. Mình cảm thấy mình đủ kiến thức để sử dụng một chiếc xe điện mới như VF 9 nên sẵn sàng làm người tiên phong đặt mua xe.
Trên mạng xã hội có một bộ phận người cho rằng người mua xe tiên phong giống như “chuột bạch”. Anh nghĩ sao về ý kiến này?
Ngoài từ “chuột bạch” thì mình còn thấy nhiều người dùng từ “Vin nô”.
Trong hội của mình có anh Hải. Anh là một chủ doanh nghiệp lớn và rất thành công. Anh Hải sở hữu vài chiếc xe VinFast, nếu mình nhớ không nhầm là 4 chiếc. Mình rất thích câu nói của anh, rằng “Đừng gọi tôi là Vin nô, bởi vì tôi còn hơn thế rất nhiều”.
Bản thân mình cũng vậy. Hiện tại, 2 con của mình học VinSchool, bố mẹ mình là khách hàng thường xuyên của Vinmec, bất động sản của gia đình là Vinhomes. Khi chọn những sản phẩm thuộc thương hiệu nước nhà, rõ ràng mình phải rất cân đo đong đếm số tiền bỏ ra phải tương xứng với chất lượng mà mình nhận được. Đến thời điểm này, mình thấy đó là những quyết định chưa hề sai.
Họ có thể gọi những người tiên phong như mình là “chuột bạch” hay “Vin nô”, nhưng rõ ràng những gì mà người dám đi đầu như mình nhận được thì không thể tìm được ở bất cứ hãng xe nào. Ví dụ, ở thời điểm mình mua VF 9, hãng đã tri ân 2 voucher nghỉ dưỡng giá trị tới cả trăm triệu. Gia đình mình đã đi một lần và rất hài lòng. Tới đây, gia đình mình sẽ đi tiếp Vinpearl Nam Hội An.
Cũng sẽ chẳng có hãng xe nào “chăm tận răng” đến mức cho cứu hộ miễn phí 24/7. Mới đây, VinFast còn cho chủ xe VF 9 tới 2 năm sạc pin miễn phí. Những chính sách tri ân khách hàng thế này chỉ VinFast làm được. Mình hài lòng khi làm người tiên phong.
Nói về trải nghiệm tiên phong, có những ý kiến cho rằng xe điện VinFast thời điểm đầu hay lỗi, và cơ sở hạ tầng trạm sạc còn chưa tiện như bây giờ. Liệu điều đó có đúng với trường hợp của anh?
Về cơ sở hạ tầng trạm sạc thì với mình là rất tiện. Mình sinh sống ở Vinhomes Ocean Park. Khu đô thị này được đầu tư hệ thống trạm sạc rất tốt. Trụ 250 kW, trụ 60 kW rất nhiều, trụ 11 kW cũng cực kỳ nhiều luôn. Mình có hẳn 3 “option” để sạc hàng ngày, bao gồm sạc nhanh, sạc bình thường và sạc chậm, thoải mái chọn.
Còn để mà đi xa hơn thì cũng chẳng có gì phải lo lắng cả. Trước đây, khi mới nhận xe chưa lâu, mình đã từng có chuyến xuyên Việt với nhóm gồm cả VF 5 Plus và VF 8. Hay gần đây, mình và 9 anh em VF 9 cùng đi xuyên Việt với quãng đường khoảng 5.500 km trong 14 ngày cũng không gặp trở ngại gì về việc sạc cả. Nhiều người còn thắc mắc vấn đề thời gian sạc xe. Nguyên tắc của mình là sạc pin xe vào thời gian chết thì dùng xe điện tiện như đi xe xăng.
Sạc xe điện hiện tại đã rất tiện, có thể đi xuyên Việt mà không cần lo lắng.
Còn về vấn đề lỗi, mình cho rằng nhiều người dễ bị nhầm về lỗi ảo và lỗi thực sự. Lỗi ảo là khi bạn tắt máy cho xe ngủ hẳn, sau bật lại sẽ hết báo. Lỗi thật thì bật lại xe vẫn còn. Và lỗi mà mọi người vẫn thường gặp thì nó là lỗi ảo.
Vấn đề lỗi ảo sẽ từ ắc quy yếu mà ra. Lý do mà ắc quy yếu hay hết điện nhiều khi cũng từ cách dùng xe của chủ xe. Ở bản phần mềm trước đây, nếu ai giữ thói quen cài chốt giả dây an toàn trên xe thì xe sẽ nhận diện là có người ngồi trong, xe sẽ thức, một số tính năng dùng điện từ bình sẽ vẫn bật để đảm bảo an toàn, dẫn đến hết bình, không đề nổ được.
Ngoài ra, mình cũng thường xuyên sạc thêm ở trụ 11 kW thay vì chỉ sạc trụ công suất lớn. Điều này khiến xe của mình không chỉ sạc điện vào pin mà còn có thời gian sạc cả vào ắc quy. Khi ắc quy được sạc đầy, bạn sẽ không thấy một số lỗi ảo nữa, hay như camera 360 cũng hoạt động nhanh hơn khi ắc quy đã đủ điện.
Khi mình dùng VF 9 với tâm thế là một người sử dụng xe điện, không mang thói quen của xe xăng sang, thì không bao giờ bị lỗi ảo cả.
Hồi xưa anh em hay bảo nhau đặt chiếc cờ lê 10 trong xe. Mình cũng có một chiếc cờ lê 10 để trong xe, nhưng từ khi mua đến giờ chưa bao giờ cần dùng đến, nilon vẫn còn chưa bóc. Điều quan trọng là phải hiểu được cách sử dụng xe như mình đã nói để tránh được lỗi ảo, không cần dùng đến cờ lê 10 để tháo cọc bình.
Chính vì nhiều người hiểu nhầm nên mình mới tạo ra nhóm “Anh em VF 9” là sân chơi để người cũ như mình có thể chia sẻ và hỗ trợ người mới. Khi mà mọi người biết cách sử dụng xe điện rồi, mọi người sẽ vượt qua rào cản ban đầu khi làm quen xe điện và rồi sẽ thấy VF 9 là xe cực kỳ hợp lý trong tầm tiền. Anh em mình còn đùa với nhau rằng VF 9 “tiền ít, thịt nhiều”. Thậm chí, mình còn thấy VF 9 còn rẻ so với giá bán khi xét về trang bị và trải nghiệm.
Anh Tuấn cho rằng VF 9 mang đến trải nghiệm vượt trội hơn so với giá bán.
Mình cũng đánh giá cao việc VinFast liên tục cập nhật phần mềm giúp hoàn thiện xe. Bản cập nhật 8.7.1 gần đây là bản mà mình đánh giá là khá hoàn thiện, không chỉ khắc phục được một số vấn đề nhỏ mà theo mình thấy còn cải thiện cả hệ thống âm thanh và hệ thống làm mát điều hòa. Chiếc xe của mình trước đây còn được VinFast tạo điều kiện nâng cấp giàn nóng, dùng thực tế mát hơn cả một số xe xăng mà mình từng lái thử.
Bản thân mình và một số anh em sử dụng VF 9 khi phát hiện ra vấn đề gì về phần mềm sẽ tổng hợp lại và báo cho trung tâm chăm sóc khách hàng của VinFast. Sau đó, họ cho đội lập trình xử lý ngay lập tức. Các bản cập nhật phần mềm đều khắc phục hoàn toàn những vấn đề mà bọn mình đã gặp phải.
Sau hơn 1 năm sử dụng, nhất là với chuyến xuyên Việt 5.500 km vừa rồi, anh đánh giá thế nào về trải nghiệm với VF 9? So với những xe xăng, xe sang mà anh từng cầm lái thì VF 9 có gì khác biệt?
Mình hay nói đùa với anh em rằng nếu đi đường dài mà có ai đó chê VF 9 thì hẳn họ phải rất không thích VinFast. Khi đi đường dài, VF 9 là một chiếc xe cực ổn về vận hành.
Độ khỏe của VF 9 mà so với xe xăng thì có lẽ phải so với những xe động cơ V8 như President chẳng hạn. Mình chưa sở hữu President nhưng đã có dịp cầm lái. Khi đó mới thấy máy xăng mà khỏe rất khó kiểm soát tốc độ, xe rất dễ bị chồm lên. Khi đó, chân ga phải thật nhịp nhàng mới tránh giật cục, đi lâu dài sẽ rất mệt.
Còn với VF 9 thì mạnh nhưng rất dễ kiểm soát, đi nhẹ nhàng hơn. Nếu bạn để Eco, xe chạy rất điềm đạm. Còn khi chuyển sang Sport, chỉ cần đạp vừa phải thôi là đã dính lưng rồi. Mình hoàn toàn có thể bật chế độ ga tự động thích ứng để bám theo xe phía trước ở nhiều dải tốc độ. Lái VF 9 một lèo 500-600 km một ngày rất thoải mái, không hề mệt, còn nếu như đó là xe xăng thì chắc chắn là “bã người” rồi.
Đi đèo núi mới thấy xe điện như VF 9 còn ăn đứt xe xăng nhờ khả năng tăng tốc tức thời. Lần đó, lúc cả đoàn mình đang leo dốc thì phải đột ngột phanh chết để nhường đường cho xe tải đối diện đổ đèo. Khi tăng tốc trở lại, VF 9 kéo lên rất nhẹ nhàng, không có độ trễ. Đó là điều mà xe xăng, kể cả xe máy mạnh đi nữa, cũng không làm được.
VF 9 còn là chiếc xe rất đầm, kích thước lớn nhưng ôm cua rất gọn, đi đường đèo núi không bị say. Đi đường dài mình hay bật thêm tính năng massage, ngồi lâu đỡ mỏi.
Xe lớn, nặng nhưng lại ôm cua "ngọt" và xử lý chân ga linh hoạt.
Quãng đường di chuyển mà hãng công bố cũng khá sát với quãng đường thực tế mà mình cầm lái xe trong chuyến đi vừa rồi. Và cho dù là 423 km với bản SDI hay 626 km với bản CATL thì với mình đó vẫn là con số dư dả để sử dụng. Mình không bao giờ lái liền tù tì 400 km cả, mà sẽ chia nhỏ ra thành các chặng. Một là vừa để bản thân không bị quá mệt. Hai là mình làm kinh doanh, mình cũng cần thời gian để điều phối công việc. Ba là mình cũng tranh thủ có thời gian để sạc thêm cho xe.
Tuy nhiên, VF 9 vẫn còn hai nhược điểm mà khi đi xa mới thấy rõ. Thứ nhất là bản cao cấp lốp mỏng, với anh em nào chưa có kinh nghiệm mà gặp ổ gà lao qua mất kiểm soát là sẽ rất dễ bể lốp. Đây là một chiếc xe rất nặng, tới hơn 3 tấn, nên chỉ cần bất cẩn ở những ổ gà nhỏ thôi là cũng có thể gây hậu quả lớn về lốp.
Thứ hai là vùng mù quan sát ở cột A hơi lớn. Lúc chạy ở đèo Vi-ô-lắc trong chuyến xuyên Việt, mình có nói với mọi người là nếu vào cua thì nên rướn thêm người một chút để mở rộng tầm quan sát, đảm bảo an toàn.
VF 9 là chiếc xe lớn, nặng và lốp mỏng nên người cầm lái VF 9 phải cẩn thận khi đi qua những cung đường khó.
Là một người tiếp xúc với rất nhiều chủ xe VF 9 khác rồi, anh thấy nhóm người dùng dòng xe này thường là người như thế nào?
Mình thấy tập khách hàng chủ xe VF 9 khá đặc biệt. Phần lớn họ hơn tuổi mình, nhưng cũng có những anh em rất trẻ, có bạn sinh năm 2003. Mình rất ngưỡng mộ anh em trẻ, tự lực, tự mua được một chiếc VF 9 bằng năng lực của bản thân. Những chủ xe VF 9 thường kín tiếng, không có nhu cầu khoe mẽ hay “phông bạt”. Nhiều người đã có những chiếc xe sang đắt tiền hơn trong nhà nhưng vẫn dùng VF 9.
Chủ xe VF 9 rất dễ tính trong việc ủng hộ thương hiệu nước nhà nhưng họ lại rất khó tính với cách mà các hãng xe tiếp nhận và phản hồi góp ý của họ. Họ sẵn sàng ủng hộ nếu như VinFast luôn lắng nghe, thay đổi để cải thiện như hiện tại. Còn nếu ngược lại, họ sẽ lặng lẽ rời bỏ thương hiệu và sử dụng một phương tiện khác.
Anh có nói rằng nhiều chủ xe VF 9 có thêm vài chiếc xe khác trong nhà. Với anh, anh có muốn bổ sung chiếc xe nào khác vào garage không?
Mình rất thích chiếc bán tải VF Wild. Mình đang chờ hãng mở cọc và thông báo giá chính thức. Nhiều anh em chủ xe VF 9 cũng thích VF Wild như mình và họ cũng đang chờ đợi thông tin từ hãng.
Nhìn ra ngoài thị trường, mình thấy các hãng bây giờ có xu hướng để bán tải là chiếc xe nắm giữ rất nhiều công nghệ hiện đại nhất của họ. Mình cũng hy vọng VF Wild sẽ được trang bị những công nghệ mới nhất của hãng, khắc phục được những vấn đề còn tồn tại trên VF 9, hay nâng cấp công nghệ pin tối ưu hơn, thì cái giá trên 1 tỷ đến dưới 2 tỷ đồng là con số phù hợp.
Cảm ơn anh đã chia sẻ.