Anh Phan Hữu Linh, một chủ sở hữu garage sửa chữa ô tô tại Huế, đã cùng những người anh em của mình "lột xác" một chiếc Kia Pride đời 1999 trong vòng 3 tháng. Dưới đây là những chia sẻ của anh Linh về quá trình biến hóa chiếc xe của mình trở nên khác biệt.
"Đam mê gì đâu, xe ế bán không được nên đem độ"
Chiếc Kia Pride này vốn dĩ không phải của mình, chủ nhân trước đó là một người bạn tìm đến để nhờ mình bán xe. Từ trước tới giờ mình chỉ tập trung sửa chữa, chăm sóc xe cho khách hàng chứ chưa từng có ý định rao bán ô tô cũ, nhưng vì người anh em thân thiết cần sự giúp đỡ nên mình đã đồng ý. Mặc dù vậy, trong suốt 1 năm mình giới thiệu thì vẫn không có khách hàng nào ấn tượng với chiếc xe này, có lẽ một phần do xe cổ quá, được sản xuất từ năm 1999, mà tính thẩm mỹ, tiện dụng không còn phù hợp với thị hiếu người dùng bây giờ nữa. Vậy nên mình đã quyết định giữ lại chiếc xe, sửa chữa để gia đình sử dụng.
Nếu đánh giá mẫu Kia Pride nguyên bản, mình thấy ngoại hình của xe không quá nổi bật, nhiều chi tiết đã cũ và "lỗi thời". Vì vậy, câu hỏi đầu tiên mình đặt ra khi muốn cho chiếc xe này "lên đời" là làm thế nào để biến nó trở nên khác biệt. Trong thời gian lên ý tưởng, mình đã bàn bạc, tham khảo thêm ý kiến của các anh em đồng nghiệp, sau cùng "chốt" quyết định cắt mui xe. Hai tiêu chí quan trọng mình đặt lên hàng đầu là phải vừa đảm bảo khung xe cứng cáp, vừa giữ được tính thẩm mỹ.
Đã chơi là phải khác người
Khi tiến hành kế hoạch, mình đã gặp liên tục không ít khó khăn. Vấn đề trước tiên là người làm. Cắt mui xe là công việc không hề dễ dàng, vì thế, mình phải thuê một người thợ có tay nghề cao và niềm đam mê với dự án đó dù bản thân sở hữu một garage có khá nhiều nhân công. Anh thợ thực hiện kế hoạch này cho mình là nhân công từ một xưởng khác, vì ban ngày vẫn phải đi làm nên hai anh em chỉ có thể làm việc cùng nhau vào buổi tối.
Giải quyết xong vấn đề trên, mình đối mặt với công đoạn khó khăn nhất là chế tạo bộ mui xếp chỉnh điện. Để nghĩ ra các cơ cấu gấp/lật cho bộ mui xếp, mình phải mất ngủ nhiều đêm liền, tìm hiểu, xem thật kỹ các video về cơ chế mui xếp của những mẫu xe hạng sang. Trong suốt 2 tháng, mình và anh thợ liên tục xoay vòng quá trình cắt, hàn rồi thất bại, bỏ đi hết chỗ vật liệu cũ, song lại nghĩ cách đơn giản hơn để vừa tiết kiệm vừa hiệu quả. Đến khi hoàn thành được bộ mui xếp, hai anh em mới cười với nhau vì không nghĩ nó đơn giản đến vậy. Đúng là khi không biết thì như "người mù". *cười*
Tiếp theo, mình cần may một tấm bạt phủ lên thật "xịn xò", phải khớp với bộ mui xếp, nhưng đây cũng trở thành thử thách khá lớn vì mình không biết gì về ngành dệt may. Mình đã ở lại tiệm may da ghế, nội thất ô tô của người bạn suốt 2 ngày liền. Lần đầu tiên phủ lên, thực sự mình thấy nó xấu vô cùng, thậm chí còn không "nuốt" nổi. Vì bạt và khung không ăn nhập với nhau, vậy nên mình lại chỉnh sửa bộ khung gập lần nữa theo ý kiến của người may. Sau 3 lần tháo lắp, cắt gọt, phần mui bạt mới đạt yêu cầu.
Cắm đầu độ xe, vợ hỏi: "Làm nhiều sao không thấy anh đưa tiền thêm"
Trong thời gian thực hiện dự án này, mình cũng nhận về ít nhiều ý kiến từ gia đình và bạn bè xung quanh. Vợ mình ban đầu thấy mình ngày nào cũng về muộn, hay hỏi sao làm nhiều như thế mà chẳng thấy đưa tiền cho vợ nhiều hơn. Để giữ bí mật, mình chỉ nói với vợ rằng khi nào hoàn thiện xe cho khách thì họ mới thanh toán tiền. Đến khi ra kết quả, mình mới dám nói thật rằng đây là lí do mấy tháng qua mình không mang tiền về cho vợ đi chợ. May mắn là bà xã đã "phải lòng" ngay với "em" xe này vì lên hình rất đẹp.
Một vài người bạn bè, anh em hay khách hàng hay ghé qua garage cũng tò mò. Có người bảo ý tưởng này "điên rồ" quá, nhưng cũng có người động viên mình, đùa rằng nếu bán lại cho hãng chắc cũng được khá tiền. Nhưng đến khi hoàn thiện, nhiều bạn bè thích thú lắm, còn đặt lịch mượn xe mình để đi chụp ảnh cưới.
Khó khăn và thuận lợi
Quá trình hình thành chiếc xe mất nhiều tháng vì bắt tay vào làm mới biết thiết kế ban đầu còn nhiều lỗ hổng, phải thay đổi liên tục. Có lúc hai anh em bàn với nhau việc bịt kín cốp sau để chừa lại một không gian khi xếp mui, sau đó lại quyết định để lại. Có lúc tìm cách để bịt kín hẳn hai cửa sau để đảm bảo độ chắc chắn cho khung gầm, không bị giảm độ chịu lực.
Để hoàn thiện phần ngoại thất, mình phải mất 3 tháng làm đêm, trong đó chỉ có 1 hôm chủ nhật hai anh em làm cùng nhau cả ngày. Chi phí hết khoảng 50 triệu đồng, chủ yếu là tiền mua vật liệu làm bộ xếp mui (bộ compa quay kính, mô-tơ… đều là đồ cũ). Đồ đạc thừa khá nhiều nên mình vẫn để lại làm kỷ niệm.
Với những chiếc xe thay đổi kết cấu như chiếc Kia Pride của mình, việc đăng kiểm là rất khó khăn. Mình phải gửi vào Sài Gòn, nhờ người quen đưa xe đi đăng kiểm. Sau 2 tuần thì đúng tối nay xe sẽ ra tới đây. Mặc dù vẫn lo vì không biết 6 tháng nữa có thể đăng kiểm được ở Huế hay không nhưng mình mừng hơn vì giờ đi đâu cũng có thể dùng xe.
Trải qua nhiều khó khăn là vậy nhưng mình vẫn cảm thấy may mắn vì có anh em hỗ trợ suốt quãng thời gian thực hiện kế hoạch. Công trình này được tiến hành trong kỳ nghỉ dịch vừa rồi, cũng là thời điểm xưởng rảnh xe nên anh em thường xuyên đóng góp ý kiến, hỗ trợ nhiệt tình mỗi khi mình thất bại. Là một thợ sửa ô tô nên mình cũng có lợi thế về kiến thức, tay nghề, khả năng học hỏi, nghiên cứu để tạo ra một sản phẩm ưng ý.
Dự định sắp tới
Tới hiện tại, chiếc Kia Pride về cơ bản đã hoàn thành màn "lột xác" bên ngoài, nhưng với mình, đây mới chỉ là bước khởi đầu. Khi lên kế hoạch, mình đã xác định sẽ đầu tư nhiều vào xe, bao gồm body, đèn, nội thất, phụ tùng… Thứ duy nhất mình giữ lại, cũng như điểm khiến mình hài lòng nhất trên chiếc xe này là khối động cơ, hộp số bền bỉ dù đã sản xuất được 22 năm, hệ thống treo khá thô sơ nên chi phí sửa chữa, thay thế không đáng quan ngại. Những điểm còn khiếm khuyết trên cũng chính là mục tiêu mình sẽ hoàn thiện dần trong thời gian tới.