Tâm sự của bác đạp xích lô ở Hồ Gươm: 'Ngày xưa để lại được 10 triệu đồng/tháng, bây giờ kiếm 5 triệu đã là hạnh phúc!'

Hà Nội có 4 công ty quản lý xích lô du lịch, mỗi công ty có từ vài chục đến cả trăm xe. Nhưng hiện chỉ có 5 - 10 xe đang hoạt động. Câu chuyện của những người đạp xích lô cho thấy một góc nhỏ của bức tranh ngành du lịch hiện tại.
Tâm sự của bác đạp xích lô ở Hồ Gươm: Ngày xưa để lại được 10 triệu đồng/tháng, bây giờ kiếm 5 triệu đã là hạnh phúc! - Ảnh 1.

Thủ đô Hà Nội đã bắt đầu thích nghi với cuộc sống bình thường mới sau thời gian dài giãn cách nhưng phố đi bộ tại Hồ Gươm vẫn chưa được mở cửa trở lại.

10 rưỡi sáng thứ Bảy, dù tiết trời đầu đông khá dễ chịu, nắng đẹp nhưng chú Bằng (57 tuổi) đạp chiếc xích lô của mình quanh cả một vòng hồ mà vẫn chưa có lấy một khách.

Chú Bằng quê ở Nam Định và đã gắn bó với nghề lái xích lô du lịch tại Hà Nội được 10 năm. Là một "mảnh ghép" mang tính hoài niệm của du lịch Thủ đô, những người đạp xích lô như chú cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Covid-19.

Trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, công việc của chú Bằng khá bận rộn, hầu như ngày nào cũng chở khách đến 10h đêm. Gắn bó với nghề cả thập kỷ, chú tự học các câu giao tiếp cơ bản bằng tiếng Anh, thuộc từng ngõ ngách trong 36 phố phường.

Chú Bằng thuộc quản lý của 1 trong 4 công ty chuyên quản lý xích lô du lịch tại Hà Nội hiện nay. Công ty này có gần 100 xích lô. Những tài xế như chú Bằng được công ty điều phối, kết nối với khách du lịch, nhờ đó mà lượng khách khá ổn định. Mỗi chuyến chở khách đi vòng quanh 36 phố phường hoặc vòng quanh Hồ Gươm thường kéo dài 40 - 60 phút, giá từ 150.000 - 250.000 đồng/lượt tuỳ số người ngồi. Phí này được chia một phần cho công ty, phần còn lại và tiền bo của khách thì chú được hưởng.

"Dù công việc vất vả, phơi nắng gió suốt ngày nhưng vì mưu sinh nên chú cũng cố gắng. Nếu làm ít giờ thì kiếm ít lắm, nên hầu như ngày nào các chú cũng làm đến 10h đêm mới được nghỉ.

Chi phí trên này đắt đỏ lắm. Hồi chưa có dịch, sau khi trừ đi các chi phí sinh hoạt như nhà trọ, ăn uống, chú để lại được khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng", chú tâm sự.

Covid-19 đúng là đã làm đảo lộn tất cả. Và những tài xế xích lô như chú Bằng cũng không thể tránh khỏi "cơn bão" đó. 6 tháng qua, do gần như không có khách du lịch, cộng thêm giãn cách xã hội nên chú phải tạm thời về quê, quay lại với công việc làm nông, cấy lúa.

"May mà kịp về quê, chứ giãn cách xã hội, một mình ở trên này buồn lắm chú nhỉ?", tôi hỏi.

Chú Bằng khẽ nhíu mày phân trần: "Nhưng ở nhà nhiều quá, làm nông cũng chán lắm. Thậm chí tôi còn không thuộc đường ở quê bằng ở trên này".

Tâm sự của bác đạp xích lô ở Hồ Gươm: Ngày xưa để lại được 10 triệu đồng/tháng, bây giờ kiếm 5 triệu đã là hạnh phúc! - Ảnh 2.

Ra Hà Nội vài ngày trước, chú Bằng cũng là một trong số rất ít những tài xế xích lô mới quay trở lại với công việc. Làm nghề đã 10 năm, đây là lần đầu tiên chú thấy du lịch ảm đạm như vậy.

"Bây giờ một ngày được vài chuyến là may, một tháng kiếm được 5 triệu đồng là hạnh phúc rồi. May mắn là thời gian qua, chủ nhà giảm cho chú 50% tiền thuê nhà trọ nên cũng đỡ một phần".

Hiện công ty quản lý cũng chưa hoạt động lại nên chú Bằng đang làm việc độc lập.

"Công ty cũng khó khăn, người ta bảo khi nào có khách thì sẽ thông báo. Hiện giờ chỉ có khoảng 5 - 10 xe xích lô hoạt động trở lại. Chưa có khách du lịch, nhất là chưa có khách quốc tế, nên người ta còn ngại. Công ty cũng khó khăn lắm nên không có chính sách gì hỗ trợ cho các chú cả".

Thỉnh thoảng, chú Bằng làm thêm việc khác để có đồng ra đồng vào. Trong thời buổi dịch bệnh, nhiều người chuyển hướng sang làm shipper, lái xe công nghệ nhưng chú Bằng không có ý định đó.

"Bây giờ tôi cũng lớn tuổi rồi, sử dụng điện thoại thông minh không được nhanh nhạy như các bạn thanh niên. Đi làm xe công nghệ thì phải đi nhiều chuyến xa, có những nơi không biết đường, mình phải dùng điện thoại để tra, rồi cài đặt các ứng dụng. Còn các chú làm xích lô du lịch thì đa phần chỉ chạy quay phố cổ thôi, mình quá quen rồi", người đàn ông này tâm sự.

Bức tranh có toàn màu xám?

Chú Bằng chỉ là một trong số rất nhiều người lao động chịu ảnh hưởng do Covid ở Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung. Mất kế sinh nhai, những lao động ngành du lịch dịch vụ chú Bằng hầu hết đều phải tìm cách mưu sinh bằng nghề khác.

Dù Hà Nội đã từng bước nới lỏng giãn cách và dần gỡ bỏ các biện pháp phòng dịch từ ngày 21/9 nhưng đến nay, nhiều khách sạn, quán ăn, nhà hàng,… vẫn đóng cửa im lìm. Đi dọc các con phố cổ Hà Nội, có thể dễ dàng nhìn thấy những tấm biến đóng cửa khách sạn, cho thuê lại mặt bằng. Nhiều cửa hàng thời trang, bán đồ lưu niệm cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Trong khi đó, những khách sạn hiếm hoi còn mở đều treo biển lớn trước cửa: Còn phòng trống, giảm giá 50%.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Trọng Kiên – Chủ tịch Thiên Minh Group cũng từng chia sẻ: "Đó là một sự hoang tàn mà chúng ta nhìn thấy trên cả chiến trường không chỉ trong nước mà trên toàn thế giới. Trong suốt gần 27 năm phát triển của Thiên Minh thì 2020 là năm đầu tiên tôi chứng kiến sự sụt giảm về doanh thu và số người lao động".

Tuy nhiên, bức tranh không chỉ toàn màu xám. Trong một talkshow gần đây, ông Trần Trọng Kiên cho rằng nhu cầu du lịch của người dân luôn rất cao.

"Nhu cầu du lịch đó dường như trở thành nhu cầu thiết yếu, mang lại nhiều giá trị cho con người. Khi nào sự hạn chế đi lại được gỡ bỏ thì nhu cầu du lịch sẽ quay trở lại. Thứ hai, người ta nói rằng khách du lịch sẽ thay đổi sau đại dịch. Đúng là họ sẽ thay đổi một chút. Tuy nhiên, là người làm du lịch 27 năm, tôi có thể khẳng định là mọi người quên nhanh lắm.

Ở châu Âu, Mỹ và Anh, khách du lịch bên họ đã quên hết rồi. Tôi nhớ rằng khi mới sang đấy tôi rất sợ khi nhìn thấy mọi người ra nhà hàng mà không đeo khẩu trang, ăn uống thoải mái, bắt tay như chưa có gì xảy ra. Thói quen rất khó thay đổi và sẽ quay lại rất nhanh. Tuy nhiên, cũng có một số sự thay đổi đã xuất hiện trước đại dịch thì thấy rõ hơn khi trải qua đại dịch".

Tâm sự của bác đạp xích lô ở Hồ Gươm: Ngày xưa để lại được 10 triệu đồng/tháng, bây giờ kiếm 5 triệu đã là hạnh phúc! - Ảnh 5.

Để chuẩn bị cho ngày trở lại, Chủ tịch Thiên Minh Group lưu ý 2 xu hướng. Đầu tiên, xu hướng đi gần hơn và ở lâu hơn. Xu hướng quan trọng thứ hai mà các doanh nghiệp Việt Nam cần cân nhắc đó là sự thiếu nhân lực trầm trọng. Chi phí tăng cao, giá của mọi thứ đều tăng trong thời điểm hiện tại, mọi người phải cân nhắc giá khi mở cửa trở lại.

Nhưng trước hết, các doanh nghiệp du lịch cần hoạt động trở lại, bởi 80% đã đóng cửa, có khi chuyển đi làm việc ở nơi rất xa. Ngoài ra, Chủ tịch Thiên Minh hy vọng có một lộ trình mở cửa tương đối rõ ràng từ Chính phủ, dựa trên những hiểu biết tốt nhất, có thể học hỏi châu Âu kinh nghiệm mở cửa sớm của họ.